Họa sĩ Hà Hùng Dũng: 'Tôi là hoạ sĩ miền Nam say đắm Tây Bắc'
Sinh ra, lớn lên từ vùng đất phương Nam, nhưng nhiều năm qua, họa sĩ Hà Hùng Dũng được nhớ đến với các tác phẩm mang đậm hơi thở của vùng Tây Bắc.
Sinh ra, lớn lên từ vùng đất phương Nam, nhưng nhiều năm qua, họa sĩ Hà Hùng Dũng được nhớ đến với các tác phẩm mang đậm hơi thở của vùng Tây Bắc. Sau một thời gian dài giãn cách xã hội do dịch bệnh, lần này, anh tái xuất với một chất liệu hoàn toàn mới: Lụa.
Nhắc đến Hà Hùng Dũng, người ta nhớ ngay đến hình ảnh những người phụ nữ điệu đà, duyên dáng trong tranh anh. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, đề tài trong tranh anh phần lớn là phụ nữ và trẻ em vùng Tây Bắc.
Hà Hùng Dũng nói: “Sau gần 20 năm đi về giữa miền Nam và Tây Bắc, năm nào cũng đi, vậy mà sau mỗi chuyến đi, tình cảm, sự lưu luyến vẫn còn, những cảm xúc vẫn nguyên vẹn như những ngày đầu tiên. Nên chủ đề duy nhất xuyên suốt tôi làm là phụ nữ, trẻ em Tây Bắc, làm tới gần 20 năm mà tình cảm chưa cạn”.
Bởi tình cảm nồng nàn ấy, anh luôn dành cho vùng đất này những quan tâm đặc biệt. Được biết, Hà Hùng Dũng có một sân chơi là “Nghệ thuật từ đôi tay”, một sân chơi cho các nghệ sĩ trẻ đã được duy trì nhiều năm. Đều đặn hàng năm, “Nghệ thuật từ đôi tay” lại tổ chức một cuộc triển lãm, toàn bộ tài chính thu được từ cuộc triển lãm này đều dành toàn bộ cho các em nhỏ ở Tây Bắc.
Hà Hùng Dũng nói: “Một năm, quỹ thời gian, công việc tôi chia ra làm bốn. Cứ ba tháng tôi làm một chương trình. Ví dụ, chương trình “Sapa ngày vui”, gây quỹ cho các em hiếu học đến trường, tặng sách, vở cho các em học bán trú. Ngoài Sapa, tôi còn thực hiện ở các địa phương khác như Hà Giang, Y Tý, Pa Cheo, v.v...”.
Trò chuyện với chúng tôi, họa sĩ Hà Hùng Dũng cởi mở: “Có người hỏi: “Ủa, tại sao cứ vẽ đi, vẽ lại mãi mà không thấy chán một đề tài?”. Nhưng tôi không thấy nhàm chán mà vẫn nồng nàn, nguyên vẹn, vẫn yêu, vẫn đầy xúc cảm. Tôi thấy xúc động về sự lạc quan, yêu đời mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn của những con người Tây Bắc. Có lẽ, tôi là hoạ sĩ miền Nam say đắm Tây Bắc nhất”.
Nhân vật thống nhất và xuyên suốt nhưng tranh của Hà Hùng Dũng luôn tươi mới. Bởi lẽ, người họa sĩ luôn tìm tòi, khám phá để thay đổi trong chất liệu thể hiện. Anh từng trải nghiệm qua nhiều chất liệu khác nhau như khắc gỗ, sơn dầu, màu nước... Và nay là chất liệu lụa.
Anh cho biết: “Bén duyên với lụa từ khoảng 2006, nhưng ba năm trở lại đây tôi dành nhiều thời gian nghiền ngẫm chất liệu này. Thực ra, tôi có vẽ lụa từ thời sinh viên, nhưng chưa có cơ hội được học kỹ. Đến khi thực sự bắt tay một cách nghiêm túc với lụa, thì bất ngờ, ai cũng nói lụa hợp với tôi một cách “khủng khiếp”. Một phần, chất liệu lụa đòi hỏi sự kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Chất liệu lụa ra được nét mơ màng, bay bổng như những cô gái trong tranh của tôi. Màu sắc trên lụa cũng có một hơi thở mới mà các chất liệu khác không đạt được hiệu quả như vậy”.
Nếu nhìn thoáng, tranh lụa của Hà Hùng Dũng có vẻ cổ điển, nhưng tranh anh có cách tạo hình hiện đại, bố cục, nhân vật mang tính trang trí cao nhưng vẫn mềm mại, uyển chuyển. Các hoa văn nhìn sơ qua thì có nét giống với hoa văn các dân tộc Tây Bắc, nhưng thật ra, các hoa văn này đều là sáng tạo mới, không giống hoàn toàn với thực tế.
Sáng tạo của Hà Hùng Dũng còn nằm ở sự tìm tòi khi xây dựng nhân vật. Những cô gái trong tranh Hà Hùng Dũng, nếu nhìn kỹ sẽ thấy, đây là những cô gái yểu điệu, mềm mại, khác hẳn vẻ đẹp khỏe mạnh của những cô gái vùng sơn cước. Tò mò, tôi hỏi Dũng về chuyện này, Dũng cười xòa: “Đúng là những cô gái trong tranh tôi đã được cách điệu. Váy áo họ khoác lên mình cũng mang hơi thở Tây Bắc chứ không phải rập khuôn vào vào các hoa văn nguyên thủy. Nếu cái gì cũng bê “nguyên xi” từ thực tế vào tranh thì đấy lại là câu chuyện của nhiếp ảnh mất rồi”.
Lần ra mắt loạt sáng tác mới trên chất liệu lụa của Hà Hùng Dũng này có tên chung là “Mơ”. Anh không chọn tổ chức ở các trung tâm triển lãm như thường lệ, mà trưng bày tại phòng tranh của riêng mình – Cọ Gallery, 46/10, Tân Cảng, Phường 10, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh – đây đồng thời cũng là xưởng vẽ hàng ngày của anh.
Họa sĩ Hà Hùng Dũng tâm sự: “Sau một trận tan hoang vì dịch bệnh, tôi rất trăn trở về việc ra mắt các tác phẩm mới. Có người nói không nên, giờ là lúc khó khăn, không nhiều người quan tâm đến tranh...Nhưng tôi nghĩ khác, càng những lúc khó khăn như thế này, mình càng phải xuất hiện, để cuộc đời thấy rằng, dù khó khăn, người nghệ sĩ vẫn sống, vẫn sáng tạo, vẫn mơ ước về cái đẹp. Sài Gòn đang hồi sinh, cái đẹp cũng hồi sinh. Đấy là sự mơ mộng vừa có thực, vừa như một bài thơ”.