Sẽ đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp trong chương trình phục hồi kinh tế xã hội
Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung hứa như vậy khi trả lời chất vấn của mình.
Ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhóm vấn đề: Việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả. Công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch. Thực trạng và nguyên nhân người lao động rời thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt. Giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch. Chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc. Việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách.
Trả lời vấn đề được ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt ra về áp dụng mô hình sản xuất 3 tại chỗ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay: Mô hình 3 tại chỗ trong phòng chống dịch trước khi Việt Nam áp dụng đã được Indonesia và Singapore. Tại Việt Nam thì Bắc Ninh và Bắc Giang là những tỉnh đầu tiên áp dụng mô hình này sau ngày 27/9. Trên cơ sở đó một số địa phương đã áp dụng mô hình này. Trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống Covid-19 không áp đặt mô hình nào đối với doanh nghiệp và địa phương trong phòng chống dịch mà nguyên tắc của Chính phủ và Ban Chỉ đạo đưa ra nguyên tắc là an toàn thì mới cho sản xuất, và sản xuất phải đảm bảo an toàn. Việc này do địa phương và doanh nghiệp xem xét quyết định trên thực tế phòng chống dịch cũng như phục hồi kinh tế, khả năng phát triển của mình. “Quả thật mô hình áp dụng 3 tại chỗ chỉ đúng với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ”-ông Dung nói.
Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: “mô hình này có bắt buộc hay không? Vừa qua Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần nhưng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid chưa có trả lời thỏa đáng. Bộ trưởng trả lời để giải đáp vấn đề này”.
Trước vấn đề trên, ông Dung nhắc lại trong chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, cũng như cá nhân ông không áp đặt mô hình này cho tất cả tỉnh nào mà cho địa phương, doanh nghiệp lựa chọn trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc an toàn thì mới sản xuất, sản xuất phải đảm bảo an toàn. “Còn mô hình này qua đọc các kiến nghị của hiệp hội thấy mô hình này chỉ phù hợp áp dụng trong thời gian rất ngắn. Thứ hai là quy mô vừa phải, vì chi phí mô hình này quá lớn”-ông Dung cho hay.
Trả lời về việc trong hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi dịch thì có nhiều người chưa nhận được sự hỗ trợ, theo ông Dung: Trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ do điều kiện giãn cách khó khăn, yêu cầu gấp gáp, quá trình tổ chức thực hiện của ngành và một số địa phương cũng còn khiếm khuyết. Do đó tới đây Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát lại toàn bộ các đối tượng, các chính sách hỗ trợ để điều chỉnh làm sao để người chưa nhận được, người chậm nhận sẽ được sớm nhận tiếp cận chính sách này.
Tranh luận lại, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, những đối tượng còn lại hiện nay chưa được hỗ trợ hoặc hỗ trợ nhưng chưa nhận được thì Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng cũng đã hứa. Do đó đã hứa thì cần thực hiện vì cử tri nghe theo dõi và rất trông chờ.
Theo ông Hòa: Phương thức 3 tại chỗ, 2 điểm đến 1 cung đường doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn, nếu không sản xuất sẽ đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng và tiêu thụ. Thậm chí có nơi doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các đối tác nên buộc phải sản xuất, và phải giữ công nhân. Nếu không sản xuất công nhân sẽ về nhà. Khi doanh nghiệp trở lại họ sẽ rất khó khăn. Như vậy chi phí cho 2 cung đường 1 điểm đến, hay 3 tại chỗ tăng chi phí rất cao. Có doanh nghiệp cho biết mất chi phí 1/3 trong hoạt động sản xuất, sản xuất rất cầm chừng, hoạt động nhưng không hiệu quả. Cho nên với góc độ tư lệnh ngành, Bộ trưởng có giải pháp gì để chia sẻ với khó khăn về các chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra hay không? có đề xuất gì với Chính phủ để hỗ trợ cho doanh nghiệp?
Giải trình thêm, ông Dung cho biết, ngay sau kỳ họp sẽ tham mưu cho Thủ tướng có công điện. Thủ tướng cũng đã đồng ý với đề xuất này, có công điện chỉ đạo các địa phương sẽ tập trung rà soát lại các đối tượng hưởng chính sách. Tăng cường kiểm tra giám sát, riêng địa bàn có nhiều phản ánh chưa được và chậm nhận hỗ trợ thì sẽ kiểm tra sớm nhất. Về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thì tới đây ngành sẽ đề xuất trong chương trình phục hồi kinh tế xã hội.