Làm rõ trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công thấp

H.Vũ 12/11/2021 00:13

Chiều 11/11, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về: Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia.

Chương trình phục hồi phải có quy mô cực lớn

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, quan điểm về mục tiêu, phạm vi, đối tượng của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội? Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) thì nêu: Trong chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 trình Quốc hội, chỉ tiêu tăng GDP đạt 6-6,5%, CPI khoảng 4%, bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết khi xây dựng những chỉ tiêu này đã dự báo hết nguy cơ gia tăng tỷ lệ lạm phát chưa? Nhất là hậu quả nặng nề do tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, cũng như trong tỷ lệ bội chi đã bao gồm những gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Chính phủ dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới hay chưa?” - ông Sơn chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Sau khi nghiên cứu tiếp thu các ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước cũng như tình hình kinh tế - xã hội, Bộ KH&ĐT đã xác định thực hiện linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Tập trung vào các chính sách tác động nhanh, kịp thời để hỗ trợ và tính đến vấn đề dài hạn như: xuất khẩu, tiêu dùng nội địa trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Theo ông Dũng, giữa chính sách và giải pháp phải gắn với cơ chế thực hiện để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Phục hồi và phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128.

“Phải ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, củng cố các nguồn thu ngân sách nhà nước, an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của người dân”- ông Dũng nói và cho hay, nếu được Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm nay, sẽ bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2022 để phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn về chỉ tiêu tăng GDP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, cơ sở xác định chỉ tiêu đã căn cứ vào tình hình thực tiễn, khả năng kiểm soát được dịch bệnh vào quý IV năm 2021 và khả năng phục hồi kinh tế khi mở cửa trở lại các khu vực xuất khẩu, đầu tư, dịch vụ sẽ có đóng góp lớn cho tăng trưởng, và lạm phát được kiểm soát.

“Nếu được Quốc hội thông qua, sẽ làm tăng thêm bội chi khoảng 1%, nhưng cái đó có thể kiểm soát được khi kinh tế phát triển, quy mô của nền kinh tế tăng lên. Khi GDP tăng lên thì các chỉ số về nợ công và bội chi sẽ giảm đi và không tác động lớn tới kinh tế vĩ mô” - Bộ trưởng KH&ĐT nhận định.

Tư duy nhiệm kỳ?

Trả lời đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) về tỷ lệ giải ngân đầu tư hiện nay đang thấp, cần giải pháp nào? Bộ trưởng cho biết: Đây là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội cử tri quan tâm, phản ánh tại nhiều kỳ họp nhưng chưa được giải quyết triệt để, tỷ lệ giải ngân còn rất thấp đặc biệt năm 2021 có nguyên nhân khách quan và chủ quan do công tác chuẩn bị dự án kém, chất lượng không cao, mang tính hình thức.

Một trong các lý do ông Dũng đưa ra là, khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Hiện có 30 tỉnh, thành mới giải ngân được dưới 60% tính đến hết tháng 10. Vấn đề là nằm ở địa phương. Do đó thời gian tới cần thực hiện nghị quyết 62 của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, trách nhiệm người đứng đầu thì mới giải quyết được tận gốc của vấn đề.

Tham gia tranh luận về vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cho rằng: Vấn đề đầu tư công còn nhiều bất cập, hạn chế từ khâu xây dựng kế hoạch cho đến tổ chức thực hiện, kết thúc dự án. Có ý kiến cho rằng do tổ chức thực hiện là chính. Có khi không phải từ cơ sở mà do doanh nghiệp xây dựng, lập kế hoạch, thậm chí điều chỉnh tư duy nhiệm kỳ.

Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm: Thể chế của năm 2021 phải tiến bộ hơn năm 2020. Tại sao cùng thể chế pháp luật như nhau mà có đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp? Nguyên nhân cốt lõi là gì?

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trách nhiệm ở đâu thì phải nói cho rõ. Những vướng mắc sẽ giải quyết như thế nào chứ không thể nói chung chung là vướng mắc. Cùng thể chế này, năm ngoái cũng bị dịch bệnh Covid-19 hoành hành, phải lo tổ chức nhiều sự kiện lớn nhưng giải ngân đạt 98%. Chúng ta không thể để tình hình này kéo dài mãi trong khi nền kinh tế đang rất thiếu vốn.

H.Vũ