Nỗ lực ‘kìm cương’ lạm phát

Thanh Giang 12/11/2021 13:30

Ảnh hưởng từ chi phí nguyên liệu sản xuất và giá nhiên liệu tăng cao nên thị trường tiêu dùng đang thiết lập mặt bằng giá mới. Trước tình hình này, giới chuyên gia kinh tế đã cảnh báo nguy cơ lạm phát.

Giá hàng hóa tăng cao

Những ngày này, ghi nhận của phóng viên giá mặt hàng rau xanh và thực phẩm tươi sống trên thị trường tăng mạnh. Tại TP HCM, rau xanh nhiều loại tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Cụ thể, cải bó xôi có giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng so với trước đây. Rau xà lách dao động ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg, thay vì 40.000 - 50.000 đồng/kg. Cà chua, bông cải,... cũng tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá thịt lợn tăng từ 10.000 - 15.000 đồng, tùy loại. Thời gian qua giá thịt lợn hơi ở các tỉnh, thành rất rẻ, dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg nhưng giá thịt lợn tại các chợ lại cao hơn 4 - 5 lần. Mặt hàng cá biển ghi nhận có sự điều chỉnh mới theo chiều hướng tăng lên. Cá thu có giá 240.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000đồng/kg. Cá chim, cá bớp, cá bạc má,... đồng loạt tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Không riêng mặt hàng rau quả, thực phẩm tươi sống tăng giá, mặt hàng hóa mỹ phẩm cũng có sự thay đổi thông qua mặt bằng giá mới.

Nói về nguyên nhân tăng giá, hầu hết tiểu thương và các đại diện siêu thị đều cho rằng, nguyên vật liệu sản xuất cùng giá vận chuyển tăng nên buộc phải tăng giá bán sản phẩm. Theo đại diện các siêu thị, nhiều nhà sản xuất liên hệ đề cập đến chuyện tăng giá bán sản phẩm lên từ 5 - 15%.

Các doanh nghiệp cũng cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, xăng dầu liên tục tăng giá 4 lần do ảnh hưởng bởi thị trường nhiên liệu thế giới. Hiện giá xăng dầu đang ở mức gần 25.000 đồng/lít, mức cao nhất trong 7 năm qua. Trước sự tăng giá chóng mặt của xăng, dầu, gas cũng tăng không kém. Bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (Nguyễn Duy Trinh, thành phố Thủ Đức) cho biết: “Đổi một bình gas hết hơn 400.000 ngàn đồng. So với trước đây, một bình gas hiện nay tăng 100.000 ngàn đồng”.

Kìm cương lạm phát

Trước đà tăng giá của một số mặt hàng nhiên liệu, Bộ Công thương cũng lo ngại, giá nguyên liệu trên thế giới liên tục tăng mạnh sẽ khiến giá tiêu dùng trong nước tăng cao.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, áp lực lạm phát trong thời gian tới là rất lớn, cụ thể là năm 2022. Nhằm ngăn chặn lạm phát từ bây giờ, theo Bộ Công thương cần hỗ trợ doanh nghiệp ký kết các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để đảm bảo nguyên liệu đầu vào ổn định, từ đó kiểm soát lạm phát tốt hơn.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, sự phục hồi kinh tế toàn cầu đã đi liền với hiện tượng tăng giá. Trên thị trường hàng hóa nguyên liệu đầu vào đều ghi nhận giá thực phẩm, kim loại cơ bản, năng lượng đều tăng. Đặc biệt, giá khí tự nhiên và giá dầu thô đang tăng mạnh. Các tác động trên mang tính “sốc” ngắn hạn. Lo ngại lạm phát sẽ quay trở về mức trước đại dịch vào giữa năm 2022.

Tuy nhiên, không thật sự lo lắng với lạm phát, ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fullbright khẳng định, thời gian vừa qua có một số mặt hàng tăng giá cao, nhưng tính chung rổ hàng lại không cao. Vì vậy, không sợ lạm phát trở lại. Vị này dẫn chứng, lạm phát bình quân năm 2011 - 2015 của Việt Nam là 7,82%; giai đoạn 2016 - 2020 là 3,15%. Riêng năm 2021 lạm phát bình quân 9 tháng đầu năm chỉ ở mức 1,82%.

Theo ông Thành, các tổ chức đa phương và các ngân hàng quốc tế đều đã và đang hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 (3,5 - 4,8%). Dự báo trên khá lạc quan, chưa tính đến đợt giảm sâu vào quý 3. Tuy nhiên, việc khôi phục sản xuất kinh doanh sẽ không thể thực hiện nay trong tháng 10. Phục hồi kinh tế chỉ bắt đầu từ tháng 11. Nếu tăng trưởng quý 4 là 3,5% cả năm sẽ tăng trưởng ở mức 2,2%. Kinh tế quý 4 có phục hồi chỉ nhờ vào lộ trình mở cửa từng bước. Các gói hỗ trợ có triển khai cũng đã quá muộn để có tác dụng trong năm 2021.

“Việt Nam có dư địa chính sách để triển khai các gói hỗ trợ tăng trưởng cho năm 2022. Không thể ngừng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Cần thiết nhất là phải đồng hành, thực hiện song song chính sách về tiền tệ và tài khóa”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, về chính sách tiền tệ, tiếp tục ở trạng thái hỗ trợ kinh tế, đảm bảo ổn định vĩ mô, thanh khoản dồi dào cho hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ. Không để lãi suất tăng khi lạm phát vẫn trong tình hình kiểm soát tốt. Chính sách tài khóa cần kích cầu tăng trưởng, chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao, tài trợ bằng trái phiếu Chính phủ và một chương trình đầu tư công trung hạn. Cho phép miễn giảm thuế mạnh hơn ở phía thu, tăng chi hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp ở phía chi.

“Thời gian qua có một số mặt hàng tăng giá cao, nhưng tính chung rổ hàng lại không cao. Vì vậy, không sợ lạm phát trở lại. Nếu lạm phát bình quân năm 2011 - 2015 của Việt Nam là 7,82%; giai đoạn 2016 - 2020 là 3,15% thì riêng năm 2021 lạm phát bình quân 9 tháng đầu năm chỉ ở mức 1,82%” - ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fullbright.

Thanh Giang