Công trình 12 tỷ xử lý được… 2 xe rác
Sau khi được bàn giao vào tháng 5/2019, đến nay hơn 30 tháng trôi qua, dự án bãi chôn lấp rác thải trị giá 12 tỷ đồng tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) mới xử lý được... 2 xe rác, trong khi nhiều hạng mục tại dự án đã xuống cấp.
Xây xong bỏ hoang
Theo tìm hiểu, ngày 30/10/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 4447 phê duyệt Báo cáo kinh tế (BCKT) - kỹ thuật đầu tư (KTĐT) công trình: Bãi chôn lấp rác thải tại huyện Như Xuân với tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường. 2 hạng mục chính của công trình được phê duyệt khi đó là đường vào bãi rác và bãi chôn lấp rác.
Đến ngày 21/6/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 2130 điều chỉnh BCKT-KTĐT công trình trên. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa xác định đây là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp III, gồm các hạng mục: Đường vào bãi rác; khu vực xử lý rác (gồm nhà quản lý, nhà đặt lò đốt rác, nhà bảo vệ, nhà để xe, nhà vệ sinh, bể xử lý rác thải, bể nước, hố chôn lấp rác thải tạm thời, san nền, cổng tường rào, sân bê tông, rãnh thoát nước, bồn hoa). Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh tăng lên 12 tỷ đồng.
Được biết, dự án này do UBND huyện Như Xuân làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng Tuấn Thành, đơn vị thi công là Công ty TNHH Ngọc Ấn, tư vấn giám sát là Công ty TNHH Đồng Phú. Với công suất xử lý theo thiết kế đạt 7-9 tấn rác/ngày, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt cho người dân xã Xuân Bình, Bãi Trành và các vùng phụ cận của huyện Như Xuân.
Sau khi khởi công vào ngày 30/5/2018, đến ngày 20/4/2019, dự án hoàn thành. Trong Quyết định số 4396 của UBND tỉnh Thanh Hóa về phê duyệt quyết toán hoàn thành công trình trên đã xác định giá trị quyết toán của dự án là 11 tỷ 350 triệu đồng. Sau khi bàn giao cho UBND xã Xuân Bình quản lý vào đầu tháng 5/2019, đến nay, nhiều hạng mục đã xuống cấp nhưng trong 2 năm 6 tháng qua, lò đốt rác mới chỉ đốt được đúng 2 xe rác rồi nằm im lìm.
Ghi nhận thực tế, trên con đường Tỉnh lộ 513 qua xã Bãi Trành dẫn vào bãi chôn lấp dài 1,8km xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, nứt toác. Dù bề mặt đường theo thiết kế được phủ một lớp đá dăm dày 15cm nhưng theo ghi nhận, hiện lớp đất này đã bị bong tróc đi rất nhiều, lộ ra lớp đất đỏ phía dưới nền đường.
Bên trong khu xử lý rác, ống khói của lò đốt đã bị hoen rỉ, 3 dây thép cố định ống khói cũng đã bị võng, không còn đủ lực kéo. Khi có gió to hoặc kéo nhẹ vào dây, ống khói 4 tầng trở nên xiêu vẹo, chực chờ đổ xuống bất cứ khi nào. Phía hố chôn lấp rác thải tạm thời như một cái ao với lớp cỏ dày đã mọc um tùm. Phần tường rào và nhà điều hành hiện cũng phủ một màu rêu xanh, về bể xử lý rác thải như trong thiết kế, không thấy công trình trên hiện diện tại khu vực dự án.
Bao giờ mới có nhà thầu?
Trao đổi với ông Lò Văn Yêu (59 tuổi, trú thôn Mít, xã Xuân Bình) - bảo vệ đang trông coi tại công trình trên thì được biết: Từ tháng 1/2020 đến nay, ông chưa nhận được số tiền lương 2,5 triệu/tháng từ đơn vị chi trả là UBND xã Xuân Bình.
“Tôi làm bảo vệ ở đây từ tháng 5/2019, lúc đó công trình vừa mới hoàn thành. Từ tháng 1/2020 đến nay, đã hơn 20 tháng trôi qua, nhưng vẫn chưa thấy UBND xã quyết toán tiền lương. Nhiều lần tôi lên kêu thì họ nói phải chờ, vì nguồn hỗ trợ từ huyện chưa có” - ông Yêu tâm sự.
Ông Yêu cho biết, sau khi bàn giao công trình, các đoàn của huyện cũng đã về thử nghiệm lò đốt rác, nhưng lò không thể chạy được vì dòng điện lưới 1 pha được đấu nối từ bên ngoài vào quá yếu. Để minh chứng, ông Yêu bật công tắc lò đốt và đúng như ông nói, không có một hệ thống nào của chiếc lò đốt hoạt động được trừ chiếc máy tời rác. “Hơn 2 năm qua, bãi chôn lấp rác thải ở đây mới xử lý đúng được 2 xe rác” - ông Yêu chia sẻ thêm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, thực trạng rác thải được đổ bừa bãi ra gầm cầu, khu đất trống và các vị trí xung quanh Tỉnh lộ 513, đang gây ô nhiễm môi trường và trông rất phản cảm.
Ông Trịnh Xuân Sơn, Chủ tịch UBND xã Xuân Bình cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 6.000 dân, đều đang xử lý rác theo phương pháp đốt hoặc chôn lấp tại nhà. Về nguyên nhân chưa chi trả 22 tháng lương cho bảo vệ, theo ông Sơn, hợp đồng trông coi giữa bảo vệ và Chủ tịch xã khóa trước được ký từ năm 2019. Hiện địa phương cũng biết là đang nợ nhưng chưa sắp xếp được tiền để chi trả.
Nói về dự án trên, ông Nguyễn Quang Dự, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Như Xuân cho biết: Đến nay, dự án này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để tổ chức đấu thầu vận hành. Dự kiến, cuối năm nay, huyện sẽ mở thầu và chọn ra nhà thầu để vận hành.
Về các hạng mục xuống cấp của công trình, ông Dự khẳng định: “Dự án này sau khi hoàn thiện đã được bàn giao cho xã trông coi và quản lý. Vì vậy, khi chưa chọn được nhà thầu để vận hành mà hiện trạng công trình xuống cấp thì địa phương phải chịu trách nhiệm”.
Một dự án 12 tỷ đồng, sau khi hoàn thiện nhưng chưa thể vận hành và đang có dấu hiệu xuống cấp, chủ đầu tư là UBND huyện Như Xuân cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến dự án nói trên để trả lời trước nhân dân và dư luận.