Muốn tồn tại cần khẳng định năng lực tự chủ
Các trường trung cấp nghề công lập cần phải làm gì để tồn tại độc lập đang là câu hỏi được đặt ra. TS Nguyễn Hồng Minh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV: Dù đưa ra nhiều chính sách thu hút người học, nhưng công tác tuyển sinh ở nhiều trường trung cấp nghề công lập hiện nay gặp không ít khó khăn. Theo ông, rào cản đối với các trường trung cấp đang phải đối mặt hiện nay là gì?
TS Nguyễn Hồng Minh: Hiện nay, các trường trung cấp công lập ít được quan tâm. Do đó, về cơ bản việc đầu tư cơ sở vật chất, chương trình, các hoạt động… của các trường có phần hạn chế hơn những năm trở về trước. Tuy nhiên, trường nào mạnh, tự chủ được vẫn đang đứng vững và bắt đầu nâng cao chất lượng đào tạo thông qua các chương trình đào tạo của địa phương, của bộ ngành nên hoạt động có hiệu quả. Song, do dịch Covid-19 liên tục diễn biến phức tạp nên trong 2 năm trở lại đây, khiến công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường bị ảnh hưởng không nhỏ.
Một rào cản nữa đó là việc liên thông giữa hệ trung cấp lên cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) đối với đối tượng tuyển sinh là học sinh THCS còn rất hạn chế. Lý do vì hiện nay, quy định dạy văn hóa trong trường trung cấp nghề đối với đối tượng này của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa hấp dẫn người học. Việc đòi hỏi vừa học nghề, vừa học cả chương trình giáo dục thường xuyên gây mất nhiều thời gian của người học. Hơn nữa, ở Việt Nam, tâm lý chung của phụ huynh là muốn con học ĐH chứ không muốn con học nghề. Tâm lý này là rào cản lớn đối với các trường trung cấp nghề hiện nay.
Bộ LĐTBXH đang lấy ý kiến cho việc xây dựng Dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN trên phạm vi cả nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự thảo cho thấy trường trung cấp công lập tới đây sẽ bị xóa sổ. Quan điểm của ông về dự thảo này như thế nào?
- Việc thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN được thực hiện dựa trên căn cứ vào nhu cầu và dự báo của thị trường lao động trong tương lai. Tuy nhiên, theo chủ trương từng bước sáp nhập các trường trung cấp công lập vào các trường CĐ về cơ bản đến năm 2030 mỗi địa phương chỉ có một trường CĐ để tập trung đầu tư.
Việc này hiện nay, các địa phương đã và đang rà soát, trường nào yếu kém không tự chủ được sẽ sáp nhập vào trường CĐ để tập trung đầu tư cho trường CĐ đó. Nhưng trường CĐ đó cũng sẽ đào tạo cả 3 cấp trình độ: CĐ, trung cấp và sơ cấp, chứ không phải trình độ trung cấp sẽ bị mất đi. Thực chất của việc sáp nhập này là để tập trung nguồn lực đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề được tốt hơn.
Nguồn lực của Nhà nước nên tập trung vào một số trường để nâng cao chất lượng đào tạo; còn lại tạo điều kiện, tạo cơ chế để cho các nhà đầu tư ngoài công lập triển khai đào tạo cho các lĩnh lực khác. Kể cả các trường CĐ cũng nên tập trung vào một số ngành mũi nhọn của nền kinh tế còn lại từng bước để xã hội hóa và giao tự chủ cho các trường. Tuy nhiên, đối với những trường trung cấp đang tự chủ tốt, sẵn sàng tự chủ không cần sự đầu tư của Nhà nước, theo tôi nên để họ tự hoạt động độc lập triển khai đào tạo chứ không nên khuyến khích sáp nhập các trường đó.
Vậy các trường trung cấp công lập cần tự tìm hướng đi nào để tồn tại theo nền kinh tế thị trường trong thời gian tới, thưa ông?
- Tôi cho rằng, để tồn tại, các trường cần phải tự đầu tư, cổ phần hóa, kêu gọi các nhà đầu tư xã hội hóa. Trên cơ sở đó, có nguồn lực để các trường tập trung đầu tư những ngành nghề mà họ có thế mạnh, thị trường có nhu cầu.
Về đội ngũ, bên cạnh sự hỗ trợ bồi dưỡng của nguồn ngân sách nhà nước, các trường cần tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên. Cùng với đó là đổi mới chương trình đào tạo, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, tìm hướng đi cho cơ chế hoạt động gắn với doanh nghiệp. Và đặc biệt phải tìm kiếm đầu ra tốt cho học sinh thì lúc đó mới cạnh tranh được.
Về phía các địa phương, trong quá trình quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN cần phải có phương án quy hoạch cụ thể trước khi triển khai thực hiện để ổn định hệ thống. Thực tế hiện nay, có địa phương làm luôn mà chưa nghiên cứu kỹ dự báo thị trường lao động của địa phương mình. Điều này dẫn đến thiếu nhất quán chung trên phạm vi cả nước, mất ổn định mạng lưới, thậm chí với những ngành nghề đào tạo là thế mạnh của trường trung cấp đấy sẽ bị mai một đi dẫn đến thiếu nguồn lực lao động cho yêu cầu phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo.
Trân trọng cảm ơn ông!