Giáo viên ‘ship’ hàng cứu trợ
Trong bối cảnh dịch dã, mọi người đều phải chung tay chia sẻ yêu thương, gắn kết cộng đồng để không có ai bị đói ăn, thiếu mặc. Đó chính là lý do các giáo viên tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) không quản ngại khó khăn vất vả, tự nguyện làm “shiper” vận chuyển hàng hóa thiết yếu đến cho những người bị cách ly ở vùng xa xôi hẻo lánh.
15 ngày qua, 30 tấn hàng hỗ trợ huyện Nam Trà My được các giáo viên công tác tại các trường THCS và tiểu học trên địa bàn tham gia phân phát tới tận tay người dân bị cách ly. Với quãng đường hơn 30 cây số, một shiper bình thường cũng phải “toát mồ hôi hột”, vậy mà các thầy, cô vẫn cố gắng vận chuyển hàng hóa một cách nhanh nhất tới tay người dân.
Thực ra, câu chuyện hàng hóa cứu trợ nhiều khi không hề khó tìm, bởi rất nhiều mạnh thường quân sẵn sàng hỗ trợ. Song, câu chuyện làm thế nào để những suất quà cứu trợ đến được tận tay những người dân bị cách ly, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa một cách nhanh nhất, kịp thời nhất lại là một vấn đề không hề dễ giải quyết đối với các xã miền núi.
Dĩ nhiên, trách nhiệm phân phát hàng cứu trợ là của các cấp chính quyền địa phương, mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể. Song, số nhân sự của các cơ quan hữu trách cũng chỉ có hạn, làm sao có thể một tay làm nhiều việc, hay phân thân đến nhiều nơi được đây? Trong khi đó, mỗi suất quà cứu trợ kịp thời đến tay người dân có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Chẳng phải trong các đợt lũ lụt miền Trung, dù đã cố gắng nỗ lực tối đa, nhưng rõ ràng các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương không thể quán xuyến hết được người gặp nạn cần hỗ trợ. Đó chính là lúc cần tới những tấm lòng nhân ái, thiện nguyện, tự nguyện tham gia cứu giúp người dân trong cơn nguy khó của các cá nhân, tổ chức ngoài xã hội.
Trở lại câu chuyện các giáo viên tại huyện Nam Trà My tự nguyện làm “shiper” vận chuyển hàng hóa cứu trợ đến vùng sâu, vùng xa, trao tận tay đồng bào bị cách ly. Phải khẳng định ngay và luôn đây không phải là nhiệm vụ của các anh, các chị, bởi công việc chuyên môn “trồng người” vốn đã chiếm quá nhiều thời gian, tâm trí và sức lực rồi.
Song, dù có khó khăn vất vả bao nhiêu, những người giáo viên nhân dân của huyện miền núi Nam Trà My vẫn cố gắng dành thời gian để chia sẻ yêu thương tới đồng bào trong lúc khó khăn hoạn nạn. Đó là lý do họ vẫn có thể chất hàng lên xe máy, chạy hàng chục km đường rừng để đến trao tận tay đồng bào bị cách ly những suất hàng cứu trợ thiết yếu.
Tấm lòng vị tha, nhân hậu ấy không phải ai cũng có được.
Các thầy cô giáo ở huyện Nam Trà My họ sẵn sàng lao vào gian khổ, khó khăn không phải để được “tiếng thơm”, mà chỉ đơn giản vì nghĩa đồng bào. Thật đáng quý biết bao những người giáo viên nhân dân có tấm lòng nhân hậu.