Học Lịch sử kiểu đối phó: Đừng đổ lỗi cho học sinh

Nguyễn Hoài 12/11/2021 10:54

Tình trạng học sinh không ham thích học môn Lịch sử đã được nhắc tới nhiều. Song đến nay thực tế này vẫn chưa có nhiều thay đổi. Vậy nguyên nhân do đâu?

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn (ngày 11/11), vấn đề học sinh thờ ơ với môn Lịch sử một lần nữa lại được làm nóng. Làm thế nào để học sinh thêm yêu môn học này là câu hỏi đặt ra, đòi hỏi người đứng đầu ngành GDĐT và nhiều giáo viên phải suy nghĩ.

Tại sao học sinh không thích Lịch sử?

Đánh giá về thực trạng dạy và học môn Lịch sử hiện nay trong trường phổ thông, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GDĐT thừa nhận, từ thời kỳ trước, thực trạng này đã được đề cập nhiều và đến nay vẫn có thực tế là điểm thi môn lịch sử trong kỳ thi so với một số môn khác là thấp và tình trạng học sinh cũng không ham thích và học có tính chất đối phó, điểm thi thấp.

Một tiết dạy Lịch sử của cô giáo Trường THCS Nhật Tân (Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN HOÀI.

Theo ông Sơn, Lịch sử là môn học quan trọng, cho ta những hiểu biết xã hội, kinh nghiệm sống, giúp tu dưỡng phát triển con người, hiểu biết về đất nước, bồi dưỡng tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc. Đất nước ta có lịch sử hào hùng, có nhiều điều các thế hệ sau tự hào về thế hệ trước. Vậy nhưng, tại sao học sinh không hứng thú với môn học này, điểm thi thấp?

Người đứng đầu ngành GDĐT nhìn nhận, nguyên nhân có lẽ nằm ở cả việc tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá. Hiện việc dạy Lịch sử vẫn thiên về sự kiện, số liệu. Theo đánh giá thì chưa phát huy được nhiều sáng tạo, cá tính của học sinh trong việc học. Việc kiểm tra, đánh giá, thi Lịch sử vẫn chỉ chú ý vào mốc, số liệu, ngày tháng, sự kiện mà chưa quan tâm nhiều đến tư duy, ý nghĩa của các sự kiện lịch sử.

Làm thế nào để học sinh hứng thú với môn Lịch sử là câu hỏi khiến nhiều người trong ngành GDĐT phải suy nghĩ. Ảnh: NGUYỄN HOÀI.

Nhiều năm gắn bó với môn Lịch sử, thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho rằng, mấy năm gần đây chương trình môn Lịch sử ở bậc THCS và THPT đã giảm tải rất nhiều số liệu, sự kiện. Cách ra đề thi, kiểm tra cũng không quá nặng về đánh đố trí nhớ số liệu, sự kiện.

Theo thầy Tuấn Anh, thời gian qua, Bộ GDĐT đã có chỉ đạo đổi mới dạy học môn Lịch sử khá nhiều. Tuy nhiên khi về các địa phương, các nhà trường thì chuyên viên các sở và giáo viên trực tiếp giảng dạy lại chưa theo kịp sự chỉ đạo của Bộ. Vì thế giáo viên và học sinh vẫn dạy và học môn Lịch sử theo kiểu ứng phó với thi và kiểm tra, làm triệt tiêu mọi suy nghĩ sáng tạo, khác biệt của học sinh.

Thầy cô cần thay đổi

Để học sinh thêm yêu Lịch sử, Bộ Trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã nêu giải phải là giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy Lịch sử, không nhồi nhét kiến thức khiến học sinh sợ học môn Lịch sử, ngại môn sử, lười học sử, dẫn đến điểm thi Lịch sử không cao. Trong khâu ra đề thi môn Lịch sử cần phải đổi mới để tránh những kiến thức bắt học sinh phải làm theo kiểu làm bài thi nhưng sa vào việc trình bày những kiến thức chi tiết, cụ thể.

Những giải pháp người đứng đầu ngành GDĐT nêu ra cũng là trăn trở của nhiều thầy cô. Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, bên cạnh một số điều chỉnh trong thời gian tới như cách ra đề thi, các thầy cô cũng phải thay đổi phương pháp giảng dạy, làm môn Sử trở nên hay hơn, thuyết phục hơn, làm cho học sinh không sợ Sử, không chán Sử.

Theo các thầy cô, muốn học sinh yêu Sử, giáo viên phải là người truyền lửa. Ảnh: NGUYỄN HOÀI.

Muốn tạo được hứng thú học Sử cho học sinh, thầy Hồ Tuấn Anh nêu quan điểm, trước hết phải thay đổi được nhận thức và năng lực của giáo viên dạy Sử, thay đổi được cách ra đề và đánh giá học sinh.

Theo thầy Tuấn Anh, trong thực tế, có những giáo viên dạy Sử mà học sinh không bao giờ chán. Điều đó chứng tỏ rằng, học sinh không chán học Sử mà là giáo viên chưa biết dạy sử, kiểm tra chưa đánh giá được sự sáng tạo của học sinh làm cho học sinh sợ học môn Sử.

Thầy Tuấn Anh cũng cho rằng, muốn môn Lịch sử thực sự lôi cuốn được học sinh thì người giáo viên phải biết làm cho mỗi bài lịch sử là một cuộc trải nghiệm tìm về quá khứ sống động, biết liên hệ kiến thức lịch sử với thực tiễn cuộc sống; làm cho bài học Lịch sử không chỉ là quá khứ, mà còn mang hơi thở của thực tiễn cuộc sống. Người giáo viên phải coi tư liệu SGK là nguyên liệu thô, qua bàn tay, trí tuệ và công sức của giáo viên biến thành tinh hoa của quá khứ mà học sinh thưởng thức không biết chán.

“Nhiều người đổ lỗi cho SGK thế này, thế kia là chưa hiểu gì về SGK. Có thể SGK còn có sạn, tuy nhiên SGK dù hay đến mấy cũng không thể thay được vai trò truyền lửa và sự sáng tạo của giáo viên. Chỉ khi nào giáo viên thực sự truyền được cảm hứng cho học sinh thì lúc đó học sinh mới có hứng thú học tập. Sẽ vô cùng sai lầm khi đổ lỗi cho học sinh chán học Sử, mà nên đặt vấn đề giáo viên chưa khơi dậy được hứng thú học sử cho học sinh”, thầy Tuấn Anh chia sẻ.

Sẽ đổi mới cách dạy môn Lịch sử

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, trong thời gian tới Bộ sẽ triển khai việc đổi mới giảng dạy và học tập môn lịch sử. Trong hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới vừa qua, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục lên phương án để đổi mới việc dạy và học môn Lịch sử.

Theo đó, hướng dạy là tăng cường tính sáng tạo của học sinh, không áp đặt cách hiểu đối với lịch sử. Nếu học sinh còn điểm khác trong cảm nhận, đánh giá cần trao đổi, thuyết phục để học sinh có nhận thức đúng, không áp đặt. Thi kiểm tra thì không đánh đố bằng các con số nhớ ngày tháng, nhớ địa điểm, địa danh, sự kiện.

Ông Sơn khẳng định, đây là việc lớn, có tính chất chuyên môn sâu và Bộ sẽ có kế hoạch để triển khai trong thời gian sớm nhất.

Nguyễn Hoài