Tìm thấy ‘khắc tinh’ của virus SARS-CoV-2
Trong khi châu Âu đang một lần nữa trở thành tâm chấn của đại dịch Covid-19, với số ca mắc mới tăng vọt, các nhà khoa học lại có một tin vui khi thông báo phát hiện một kháng thể có khả năng chống lại virus SARS-CoV2 và thậm chí là các biến thể của nó.
Mang lại hy vọng chấm dứt đại dịch?
Mới đây, một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học North Carolina - Chapel Hill (UNC) và Đại học Duke ở Durham đã xác định được một kháng thể có thể bảo vệ con người khỏi virus SARS-CoV-2, các biến thể của nó và các loại virus Corona khác.
Theo tờ Daily mail, kháng thể này có tên DH1047, hoạt động bằng cách bám vào tế bào của virus và vô hiệu hóa nó, ngăn nó sinh sôi. DH1047 hiệu quả trong ngăn chặn lây nhiễm và hỗ trợ điều trị người đã mắc Covid-19.
Nhóm nghiên cứu cho biết, họ đã tìm ra được điều mấu chốt có thể hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay và các đợt bùng phát trong tương lai.
Tiến sĩ Barton Haynes - Giám đốc Viện Vaccine Duke và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Kháng thể này có tiềm năng là công cụ điều trị với đại dịch hiện nay. Nó cũng có thể giúp đối phó với các đợt bùng phát trong tương lai nếu có loại virus Corona khác lây từ động vật chủ trong tự nhiên sang con người”.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định hơn 1.700 kháng thể chống virus Corona. Trong số đó, có 50 kháng thể có thể bám vào tế bào của cả SARS-CoV-2 và SARS - virus gây đợt bùng phát dịch ở châu Á đầu năm 2000. Riêng kháng thể DH1047 thì đặc biệt hiệu quả, có thể bám vào mọi loại virus Corona, cả trên động vật và người.
Kháng thể DH1047 hiệu quả với mọi loại biến thể của SARS-CoV-2, kể cả biến thể Delta. Các loại virus Corona khác có khả năng lây nhiễm sang người cũng được thử nghiệm và đều bị kháng thể DH1047 vô hiệu hóa.
Tiến sĩ Ralph Baric, Giáo sư dịch tễ học tại UNC và là đồng tác giả nghiên cứu, nhận xét: “Kết quả nghiên cứu là cơ sở để thiết kế các chiến lược vaccine phổ quát, chống lại biến thể và bảo vệ trên diện rộng trước các virus Corona đã phổ biến và mới xuất hiện”.
Khi thử nghiệm kháng thể DH1047 trên động vật đã bị nhiễm bệnh, các nhà nghiên cứu phát hiện ra nó hiệu quả trong giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng liên quan tới phổi.
Hiện nay, liệu pháp kháng thể đơn dòng được coi là một trong những biện pháp hiệu quả nhất trong điều trị Covid-19. Theo đó, kháng thể Covid-19 được đưa vào cơ thể người để hỗ trợ hệ miễn dịch, vô hiệu hóa tế bào virus và ngăn chúng sinh sôi.
Theo các nhà khoa học, liệu pháp này đặc biệt quan trọng với người chưa tiêm vaccine và chưa có kháng thể. Kết hợp kháng thể DH1047 trong phương pháp điều trị bệnh liên quan virus Corona trong tương lai có thể tăng hiệu quả hơn rất nhiều. Cùng với đó, mặc dù phát hiện ra kháng thể này là quá muộn với đại dịch Covid-19, nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ quan trọng trong việc chống lại các đợt bùng phát dịch bệnh tiếp theo trên toàn thế giới.
“Cơn ác mộng” trở lại châu Âu
Trong khi niềm hy vọng dập tắt đại dịch Covid-19 đang nhen nhóm với sự xuất hiện của kháng thể DH1047, thì tại châu Âu, “cơn ác mộng” dịch bệnh đang trở lại với những diễn biến phức tạp. Theo nhiều chuyên gia, diễn biến này như một lời nhắc nhở về tính chất chu kỳ của đại dịch.
Châu Âu một lần nữa lại đang là tâm chấn của đại dịch Covid-19. Các ca mắc Covid-19 của khu vực này đã vượt qua số ca mắc của Mỹ trong đợt bùng phát vào cuối tháng 10 và hiện đang chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn.
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khu vực châu Âu ông Hans Kluge cảnh báo: “Theo một dự báo đáng tin cậy, nếu chúng ta tiếp tục đi theo quỹ đạo này, có thể thấy thêm nửa triệu ca tử vong do Covid-19 ở châu Âu và Trung Á vào đầu tháng 2 năm sau”. Tuy làn sóng lây nhiễm hiện tại của châu Âu không dẫn đến tỷ lệ tử vong cao như mức tăng đột biến vào mùa hè của Mỹ, nhưng nó như một lời nhắc nhở về tính chất chu kỳ của đại dịch.
Ông Paul Wilmes - Giáo sư tại Trung tâm Y sinh Hệ thống Luxembourg cho biết: Tình hình trên toàn châu Âu đã được dự đoán ở một số khía cạnh. Sự thành công tương đối của một số quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có thể là một ví dụ cho các chính phủ ở châu Âu và các nơi khác.
Báo cáo của WHO ngày 11/11 cho biết, số ca tử vong tại châu Âu trong tuần qua tăng 10%, đưa châu Âu trở thành khu vực duy nhất trên thế giới gia tăng cả về số ca mắc mới và tử vong trong tuần từ 1-7/11. Đây là tuần thứ 6 liên tiếp châu Âu ghi nhận xu thế tiêu cực này.
Trong tình huống này, WHO đã lên tiếng cảnh báo Mỹ nên thận trọng và theo dõi chặt chẽ khi Covid-19 đã bùng phát trở lại trên khắp châu Âu, kể cả những nơi kiểm soát tốt.
Tiến sĩ Hans Kluge cho rằng, người Mỹ “cần chú ý đến tình hình ở châu Âu ngay bây giờ và rút ra bài học”.
“Nguyên tắc cơ bản là nếu xảy ra tình huống ca nhiễm tăng đột biến, đừng chờ đợi. Hãy đưa ra các biện pháp ngăn chặn virus bùng phát trở lại càng sớm, càng chặt chẽ càng tốt”, ông nhấn mạnh.
Khi được hỏi về Giáng sinh sắp tới đối với người Mỹ, ông cho rằng người dân có thể tổ chức các sự kiện theo cách an toàn, giảm số lượng người tụ tập. Ông đặc biệt lưu ý sự cần thiết của tiêm chủng và thông gió ở các không gian kín.
WHO đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng” khi châu Âu một lần nữa bị dịch bệnh bủa vây, trở thành tâm dịch toàn cầu trong đợt bùng phát mới nhất, với số ca nhập viện tăng gấp đôi trong 4 tuần qua.