Đồng Tháp: Lý giải việc tạm dừng 6 bến khách ngang sông đi Cần Thơ
Sau khi TP Cần Thơ công bố dịch cấp độ 3, Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp đã có thông báo tạm dừng hoạt động 6 bến khách ngang sông liên tỉnh giữa Đồng Tháp và Cần Thơ khiến người dân bức xúc, hoạt động vận tải đi lại khu vực này bị trì trệ…
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi Cần Thơ công bố dịch cấp độ 3 thì ngày 10/11, Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp ký ban hành thông báo số 1104 về việc tạm dừng hoạt động bến phà, bến khách ngang sông từ Đồng Tháp đi Cần Thơ và ngược lại khiến cho nhiều người dân đi lại ở khu vực này bức xúc, cho rằng ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống cuả người dân nơi đây.
Theo thông báo của Sở GTVT Đồng Tháp, các bến phà, bến khách ngang sông từ Đồng Tháp đi Cần Thơ và ngược lại sẽ được tạm dừng như: Phà Thới An - Phong Hòa; Bằng Tăng -Cái Dứa; Bà Gói - Vĩnh Thới; Tân Lộc - Tân Thành; Tân Lộc - Cái Đôi và Bò Ót - Định An. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 0h ngày 11/11/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các tài xế đi lại khu vực này cho biết tại phụ lục biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch trong Kế hoạch 306 của UBND tỉnh Đồng Tháp có quy định, trong lĩnh vực giao thông công cộng đường bộ, đường thủy thì dịch ở mức cấp độ 1 và cấp độ 2 vẫn hoạt động, đối với cấp độ 3 vẫn hoạt động nhưng phải giảm công suất 50%, đối cấp độ 4 thì không hoạt động (trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ).
Như vậy, trong khi địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện cấp độ 2 phòng chống dịch và sau khi TP Cần Thơ công bố cấp độ 3, việc việc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp nhanh chóng có thông báo yêu cầu tạm dừng hoạt động 6 bến phà, bến khách ngang sông từ Đồng Tháp đi Cần Thơ và ngược lại đã gây khó khăn cho người dân đi lại và các phương tiện vận tải giữa 2 địa phương Đồng Tháp và Cần Thơ?
Anh Huỳnh Văn Phương (cư trú ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ) là tài xế chạy xe tải qua lại giữa Cần Thơ và Đồng Tháp cho biết: Việc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp ra thông báo tạm dừng một số bến phà, bên khách ngang sông từ Đồng Tháp đi qua Cần Thơ và ngược lại khiến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn và khiến phải điều khiển phương tiện đi xa hơn.
"Cụ thể, phà Thới An - Phong Hòa. Đây là nơi đi rút ngắn thời gian trong việc lưu thông hàng hóa từ quận Ô Môn (TP Cần Thơ) qua huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp). Tài xế sẽ phải điều khiển phương tiện muốn đi qua huyện Lai Vung thì chỉ có 2 cách: Đi lên Cầu Vàm Cống hoặc đi xuống cầu Cần Thơ rồi men theo Quốc lộ 54 mới tới huyện Lai Vung sẽ tăng chiều dài đường đi rất nhiều lần. Việc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp tạm dừng một số bến phà, bên khách ngang sông từ Đồng Tháp đi qua Cần Thơ và ngược lại sẽ gây khó khăn và bất tiện trong việc lưu thông hàng hóa..." - anh Phương nói.
Cũng theo anh Phương, Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cần mở hoạt động các bến phà, bến khách ngang sông này. Vấn đề là cách quản lý điều tiết công suất bến phà, bến khách ngang sông và thực hiện khai báo y tế và thực hiện 5K trong quá trình di chuyển.
Nếu thấy khó khăn mà tạm dừng hoạt động thì chỉ là gây áp lực cho tài xế mà thôi không phải cách để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Lý giải về vấn đề trên, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Do TP Cần Thơ nâng cấp độ dịch ở mức cấp 3 nên Sở GTVT cho tạm dừng hoạt động 6 bến phà, bến khách ngang sông từ Đồng Tháp đi qua Cần Thơ và ngược lại, còn việc áp dụng hoạt động giao thông công cộng đường bộ và đường thủy theo phụ lục của Kế hoạch 306 của UBND tỉnh Đồng Tháp thì tùy theo tình hình mà địa phương áp dụng bằng hoặc cao hơn.
Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp sẽ xem xét lại, tùy tình hình dịch bên TP Cần Thơ như thế nào sẽ điều chỉnh cho phù hợp.
Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết: Việc hoạt động mở bến phà, bến khách ngang sông liên tỉnh phải được sự thống nhất của 2 địa phương, nhưng do công tác phòng chống dịch nên Đồng Tháp đã tạm dừng hoạt động...
Nghị quyết 128 của Chính phủ với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thực hiện mục tiêu kép đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.
Trên cơ sở đó, ngày 19/10/2021 UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã ban hành kế hoạch số 306 về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, ngành GTVT tỉnh Đồng Tháp cần tính toán vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa tạo điều kiện cho người dân đi lại, lưu thông hành hoá...