Vượt qua thách thức để mở cửa
Ngày 18/10, cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã qua đời vì những biến chứng của Covid-19, tại Trung tâm Y tế quốc gia Walter Reed, thọ 84 tuổi. Ông Powell là Cố vấn an ninh quốc gia da màu đầu tiên của Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Ông cũng là người Mỹ gốc Phi đầu tiên và trẻ nhất trong lịch sử nước này giữ chức Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, dưới thời Tổng thống George H.W. Bush. Sau đó, ông Colin Powell trở thành Ngoại trưởng da màu đầu tiên của Mỹ, khi đảm nhận chức vụ này dưới thời Tổng thống George W. Bush. Sự ra đi của ông Powell lại dấy lên cuộc bàn cãi về dịch Covid-19, đặc biệt là khi ông đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine và được chăm sóc y tế rất chu đáo. Nhiều chuyên gia y tế Mỹ cho rằng, cái chết của ông Powell cho thấy dù đã đạt được một số thành tựu nhưng cuộc chiến chống Covid-19 vẫn rất gian nan.
Trong khi đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã chuyển chiến lược từ “Zero Covid” sang “sống chung” với Covid-19, khi coi nó là bệnh đặc hữu hay là một dạng tương tự như cúm mùa. Ngay tại Mỹ, cho dù biến thể Delta vẫn hoành hành với số ca nhiễm mới vẫn ở mức rất cao, thì Nhà Trắng cũng như các Thống đốc tiểu bang đều vẫn thực hiện những bước quan trọng để mở cửa nền kinh tế.
Có phải con người đã “thản nhiên” trước Covid-19?
Tại Anh, quốc gia châu Âu từng quằn quại trong đại dịch vào thời điểm các đợt bùng phát trong năm 2020, thì cũng lại là quốc gia hàng đầu thế giới về mở cửa “sống chung” với Covid-19. Nửa đầu tháng 10/2021, trung bình số ca nhiễm mới lên tới con số chục ngàn mỗi ngày nhưng người Anh vẫn tỏ ra bình thản. Số ca nhập viện cũng tăng, với 1/5 số giường điều trị tích cực (ICU) đã được dành cho bệnh nhân Covid-19. Các số liệu mới nhất còn cho thấy khoảng 200.000 học sinh vắng mặt ở trường học.
Hiện tỷ lệ tử vong trên một triệu dân ở Anh cao gần gấp 3 so với Pháp, Đức và Italy. Tuy nhiên, nhóm cố vấn khoa học Các tình huống khẩn cấp của Anh (SAGE) vẫn cho rằng mở cửa là lối thoát duy nhất, thay vì lại đóng cửa một lần nữa.
“Không có lý do gì chúng ta làm thế cả (ý nói đóng cửa trở lại). Trước đây, khi thông báo tình hình Covid-19 mỗi ngày, người ta nói: Đáng buồn thay, 3 người đã tử vong. Rồi con số đó cứ cao lên: Đáng buồn thay, 70 người đã tử vong. Nhưng giờ người dân không còn nói “đáng buồn thay” nữa, thay vào đó là câu nói hãy sống chung với Covid-19” - Giáo sư Robert West, nhà khoa học hành vi tại Đại học London của Anh nói.
Còn Giáo sư Linda Bauld - Đại học Edinburgh cho rằng, thực ra thì trong số những ca tử vong được cho là do Covid-19 thì nhiều người trong số họ đã bị những bệnh rất nặng, virus SARS-CoV-2 chỉ thúc đẩy sự tiến triển của bệnh nhanh hơn mà thôi.
Giáo sư Bauld cũng cho rằng, thái độ thản nhiên hiện nay tại Anh bắt nguồn từ “thỏa thuận Ngày Tự do” - ngày 19/7/2021, giữa Chính phủ với công chúng, một giao kèo xã hội rằng nếu mọi người đồng ý tiêm chủng, cuộc sống sẽ trở lại bình thường. “Rất nhiều người ủng hộ điều này”, bà cho biết và nói thêm rằng một số nhà khoa học cũng đồng tình. “Có những người đánh giá Covid-19 đang dần trở thành bệnh đặc hữu, diễn biến dịch bệnh sẽ luôn luôn như thế và chúng ta chỉ cần tiếp tục sống, bất chấp nhiều ý kiến phản đối” - bà Bauld cho hay.
Tuy nhiên, truyền thông Anh cũng nêu câu hỏi nghi vấn: Liệu sự thản nhiên đó có xuất phát từ đặc điểm tâm lý người Anh, vốn nổi tiếng với khả năng bình tĩnh và che giấu cảm xúc hay không?
Đáp lại, Giáo sư Robert West nói: “Chắc chắn không phải vậy. Người Anh có ý thức về sự an toàn cao hơn nhiều so với hầu hết quốc gia khác, nếu bạn nhìn vào việc lái xe, an toàn lao động và cách mọi người tiếp cận y tế cộng đồng. Thái độ hiện nay dựa trên thực tế mà mọi người nhìn thấy, và điều đó là đúng”.
Tương tự, hồi giữa tháng 10, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid khi được hỏi về tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 vẫn ở mức cao, đã cho rằng “tình hình hiện nay nhìn chung khá ổn định. Vài tuần qua, các con số tăng một chút và giảm một chút”. Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) tuy phải chịu sức ép lớn về số ca nhiễm mới cũng cho rằng “sống chung” với Covid-19 là xu thế không thể đảo ngược. Giáo sư Tim Cook - chuyên gia tư vấn về gây mê và thuốc điều trị tích cực, cho rằng số ca nhiễm mới có thể vẫn sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian nữa, nhưng quan trọng là có đủ số giường ICU để điều trị cho những bệnh nhân nặng.
Còn Giáo sư Andrew Goddard - Hiệu trưởng Đại học Y Hoàng gia Anh cho rằng, mọi người đều đã chấp nhận khoảng 10.000 người chết vì cúm mỗi năm. Thì nay với Covid-19, trong khi chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị đặc chủng thì con số đó có thể cao hơn. Nhưng rồi nó sẽ lắng xuống kể cả có lo sợ hay không.
Tuy nhiên, quan điểm “sống chung” không phải ai cũng đồng tình. “Việc cho rằng mọi người đều chấp nhận thực trạng mới là vô cùng nguy hiểm, bởi nó khiến người dân ngày càng phó thác cho số phận” - Giáo sư Stephen Reicher, nhà tâm lý học tại Đại học St Andrews, nêu ý kiến.
Xét nghiệm định lượng kháng thể, nên hay không?
Cùng với việc “mở cửa” hay là không thì giới khoa học cũng “lao vào” cuộc tranh cãi xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19. Kênh truyền hình Fox News đưa ra một dẫn chứng: Trước khi đi du lịch, Juhi Singh vội vã đến phòng khám tư tại New York để xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19. Singh, 46 tuổi, là chủ một trung tâm chăm sóc sức khỏe cao cấp nằm trong khu Upper East Side, thuộc quận trung tâm Manhattan muốn làm xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19 trước chuyến du ngoạn ở bờ biển Amalfi, Italy. Cô đã tiêm vaccine Johnson & Johnson từ hồi tháng 2. Kết quả xét nghiệm không nằm trong yêu cầu xuất nhập cảnh của giới chức Mỹ hay Italy, nhưng Singh kiên quyết cô “không đi đâu nếu không đủ kháng thể”.
Khoảng 24 tiếng sau, cô được phòng khám Sollis Healthcare thông báo kết quả qua email, là kháng thể đã giảm và cô rất lo liệu mình có được bảo vệ hay không. “Bạn bè của tôi bàn luận về chỉ số kháng thể như một chủ đề trò chuyện thông thường hay tính calorie mỗi bữa ăn vậy. Ai cũng lo kháng thể suy giảm cho dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine” - nữ doanh nhân nói.
Trên thực tế, đây cũng là mối lo của giới khoa học y học. Scott Braunstein - Giám đốc Y khoa tại Sollis Healthcare ở New York cho biết, phòng khám kiểm tra chỉ số này cho khách hàng gần như mỗi ngày. “Đây là một xét nghiệm máu đơn giản và có thể nhận kết quả sau một ngày vì nhiều phòng thí nghiệm lớn chấp nhận thực hiện, với giá từ 100-200 USD” - ông Braustein cho biết.
Trong khi đó, nhiều nhà khoa học lại lo ngại xét nghiệm định lượng kháng thể đang bị lạm dụng. Hình thức này khi được thương mại hóa và phổ biến khó mang lại hiệu quả thực tiễn vì mỗi phòng thí nghiệm sử dụng một cách đo và chỉ số khác nhau.
Về vấn đề này, Cục Quản lý thực phẩm và thuốc Mỹ (FDA) khuyến cáo người dân không lạm dụng xét nghiệm định lượng kháng thể để tự giải nghĩa khả năng miễn dịch. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch (CDC) cùng Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ (IDSA) cũng đã đưa ra những khuyến cáo tương tự. Lý do chính là lo lo ngại dịch vụ này lợi bất cập hại, tạo ra tâm lý chủ quan. Người có kết quả với chỉ số cao có khả năng lơ là các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang hay kiểm tra sức khỏe nếu có triệu chứng, khiến virus lây lan âm thầm, đe dọa bản thân lẫn mọi người xung quanh.
Athur Caplan, chuyên gia về đạo đức trong sinh học tại Trường Y Grossman thuộc Đại học New York, chỉ trích những bác sĩ cổ súy dịch vụ này đang đẩy bệnh nhân vào tình thế nguy hiểm. Chúng gây nên tâm lý an toàn giả tạo hoặc nhận thức sai lầm về khả năng miễn dịch.
Trong khi đó, cũng không ít bác sĩ cho rằng xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19 cũng có mặt lợi. Họ nhận thấy bệnh nhân có chỉ số kháng thể thấp sẵn sàng thay đổi cách sinh hoạt và những lựa chọn hàng ngày nhằm giảm rủi ro. Một số khách hàng của ông chấp nhận tiêm mũi vaccine tăng cường khi biết chỉ số kháng thể giảm.
“Các bệnh nhân của chúng tôi rất cẩn thận. Nhiều bệnh nhân muốn biết rõ chỉ số cá nhân. Biết mức kháng thể của bản thân đang trở thành một trào lưu mới” - bác sĩ Alan Viglione, điều hành hệ thống chăm sóc sức khỏe Montecito Concierge Medicine, cho biết.
Bài test cuối cùng với năng lực phòng chống dịch
Theo The Economist, mọi dịch bệnh rồi sẽ đi đến hồi kết, và Covid-19 cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, dịch bệnh này sẽ không bị xóa sổ hoàn toàn, mà chỉ dần chuyển hóa thành bệnh đặc hữu. Trong trạng thái này, virus corona vẫn có thể lưu hành và đột biến từ năm này qua năm khác, gây đe dọa đối với người già và người dễ đau yếu. Covid-19 khi đó sẽ chỉ là một kẻ thù quen thuộc và có thể kiểm soát được, giống như bệnh cúm mùa.
Dựa theo các giả định về tỷ lệ ca nhiễm và tử vong, tạp chí này còn cho rằng có tới 1,4 đến 3,6 tỷ người đã bị nhiễm Covid-19, gấp từ 6 đến 15 lần so với các số liệu được công bố chính thức. Thậm chí, trong số các ca nhiễm mới có cả những người đã được tiêm phòng. Điều đó cho thấy việc “sống chung” với Covid-19 trong khi vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thuốc điều trị là điều có thể hiểu được.
Nhưng việc xuất hiện thêm các biến thể mới đã đặt ra một đầu bài khó cho cuộc chiến chống Covid-19. Việc lấy mẫu gen của các bệnh truyền nhiễm đóng vai trò như một lời cảnh báo sớm, tuy nhiên, những khu vực nghèo hơn, ít có điều kiện được tiêm chủng hơn trên thế giới sẽ khó có thể làm được điều này.
Một biến thể mới xuất hiện sẽ đòi hỏi việc điều chế lại vaccine. Điều này đồng nghĩa với việc các liều vaccine mới sẽ cần phải được sản xuất và phê duyệt lại, dẫn đến việc các liều vaccine cũ được dự trữ từ trước có nguy cơ bị vứt bỏ. Nó có thể tái diễn cuộc chiến về nguồn cung vaccine, vốn đã nổ ra từ đầu năm 2021.
Cuộc chiến đấu với Covid-19 ở giai đoạn này còn cho thấy rào cản đối với tiêm chủng chính là thái độ lưỡng lự và năng lực y tế của từng khu vực. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng đặt mục tiêu 40% người dân ở mọi quốc gia sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào cuối năm nay. Trong khi đó, một hội nghị thượng đỉnh về vaccine toàn cầu còn đặt mục tiêu 70% dân số thể giới được tiêm đủ liều vaccine Covid-19 vào tháng 9/2022.
“Việc các chính phủ có vượt qua những thách thức kể trên hay không chính là bài test cuối cùng đối với năng lực phòng chống dịch Covid-19 của họ. Dù vậy, kể cả khi virus SARS-CoV-2 đã bị các nước giàu gạt lại phía sau, thì chúng vẫn là mối nguy hiểm tiềm tàng đối với các nước nghèo, giống như rất nhiều bệnh dịch khác trong quá khứ” - nhận xét của The Economist.
Đối diện với “mùa Đông ảm đạm”
Theo Reuters, nước Anh ngày 18/10 ghi nhận 49.156 ca mắc Covid-19 mới trong ngày. Đây là số ca bệnh cao nhất được ghi nhận trong 3 tháng kể từ ngày 17/7, thời điểm Anh chuẩn bị dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Số ca nhiễm ở Anh hiện cao hơn nhiều so với các nước Tây Âu khác và đã tăng hơn 60% trong tháng trước.
Thực tế ấy khiến Văn phòng Thủ tướng Anh cảnh báo về những tháng “đầy thử thách” sắp tới - theo The Guardian. Người phát ngôn của thủ tướng cho biết số ca mắc Covid-19 trong mùa Đông dự kiến gia tăng và chính phủ sẽ “theo dõi chặt chẽ” các số liệu.
Không chỉ người Anh lo ngại mùa Đông đang đến, điều kiện cho virus dễ sinh sôi nảy nở, mà hầu hết các quốc gia Âu - Mỹ cũng đều lo ngại. Nga cũng là nước đang chịu ảnh hưởng của “mùa Đông Covid” khi mà số ca nhiễm mới vẫn không cho thấy dấu hiệu thuyên giảm, tính tới thời điểm cuối tháng 10/2021. Hiện Nga là quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn tổng số 225.000 người chết. Tình hình này diễn ra một phần do Nga chỉ mới tiêm xong vaccine ngừa Covid-19 cho 32% dân số.
Tại Mỹ, bác sĩ Anthony S. Fauci - Cố vấn hàng đầu về Covid-19 của Nhà Trắng cũng cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm sắp tới tại Mỹ. Nói với The Washington Post, ông Fauci cho rằng, đây sẽ là một mùa Đông khó khăn, khó có thể nói trước có chặn được số ca lây nhiễm mới hay không. Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng số người mắc Covid-19 phải nhập viện sẽ không nhiều như trước, từ đó số tử vong cũng không nhiều.
Tại Pháp, Italy, Đức... người ta cũng ái ngại khi mùa Đông năm nay được dự báo là sẽ lạnh hơn và các đợt rét sẽ kéo dài hơn so với năm trước. Hệ thống y tế cũng như người dân đều đã được cảnh báo, đặc biệt là với những biến thể mới có thể xuất hiện.
“Tuy nhiên, chúng ta phải vững bước tiến về phía trước. Chúng ta đã cùng nhau đi qua một chặng đường rất dài và rất gian nan chiến đấu với Covid-19. Chúng ta cũng đã có nhiều bài học và nhiều thành tựu. Vì thế không lý do gì làm chúng ta chùn bước” - Marine Loudres, nhà nghiên cứu vi trùng học nói.
Chủ động sống chung với Covid-19
Đến nay, đậu mùa là bệnh duy nhất trên người được loại bỏ hoàn toàn. Những dịch bệnh khác, như cúm, sởi hay bệnh tả… chỉ có thể được kiểm soát dần dần chứ chưa thể bị loại bỏ bằng vaccine hay các phương pháp điều trị y tế khác. Vì thế, Covid-19 cũng không phải là ngoại lệ.
Theo The Economist, hầu hết các chính phủ đều đồng ý với quan điểm rằng tiêu diệt hoàn toàn virus SARS-CoV-2 là bất khả thi. Xã hội cũng không thể chịu đựng được các biện pháp phong tỏa hay cách ly nghiêm ngặt lặp đi lặp lại mãi. Vì thế, các quốc gia sẽ phải tìm cách sống chung với Covid-19.
Ước tính của Tiến sĩ Trevor Bedford - Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ), ảnh hưởng trong tương lai của Covid-19 “sẽ nằm đâu đó” ở khoảng giữa virus cúm cùng các loại virus corona thông thường khác. Ông tin rằng, gánh nặng mà Covid-19 gây ra trong vài năm tới chỉ tương tự như bệnh cúm.
Chuyên gia David Heymann - Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London (Anh) thì cho rằng, độ lây lan của Sars-CoV-2 khác với virus gây cúm mùa. Một phần vì chúng không bùng phát từ trẻ em, phần khác là vì vaccine hiệu quả trong ngăn các ca tử vong hoặc nhiễm bệnh nghiêm trọng, mà không đòi thay đổi công thức tùy theo các biến thể mới.
Dù những đối tượng dễ bị tổn thương vẫn cần tiêm vaccine bổ sung, song Tiến sĩ Heymann cho rằng ngay cả khi mùa đông đến, tỷ lệ tử vong bởi Covid-19 cũng khó có thể cao hơn cúm mùa. Trên phạm vi toàn cầu, những làn sóng Covid-19 sẽ sớm được ngăn chặn bởi khả năng miễn dịch cộng đồng và chỉ còn tồn tại giữa các nhóm người còn “ngây thơ” về miễn dịch. Theo thời gian, sự bùng phát sẽ ngày càng ít đi, và Covid-19 sẽ sớm chuyển hóa thành bệnh đặc hữu.
Đến thời điểm này vaccine đã rút ngắn con đường đưa Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu đối với 1/3 dân số thế giới, khi đã có khoảng 3,8 tỷ người được tiêm ít nhất một mũi và 2,8 tỷ người được tiêm đủ liều. Con số này, cộng với số người khỏi bệnh, cho thấy dường như hơn một nửa dân số thế giới đã phát triển được khả năng miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2.
Nói như Tiến sĩ Ali Ellebedy - Trường Y thuộc Đại học Washingto, bang Missouri (Mỹ) thì nhân loại sẽ phải mất hàng thập kỷ để đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19. Do đó, quá trình suy giảm dịch bệnh trong những năm tới sẽ diễn ra chậm, nhưng để thế giới tiến tới trạng thái bình thường mới thì ánh sáng đã ở cuối đường hầm.
Mặc dù ở hai thái cực đối lập trong hiệu quả ứng phó đại dịch, nhưng cả Singapore và Philippines đều đang chịu sức ép phải tìm cách “sống chung” với Covid-19. Hiện, Sinagpore đã chuyển sang chiến lược “sống chung” với Covid-19 sau khi đạt được những thành công trong chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn để giảm thiểu tác động của đại dịch đối với nền kinh tế. Tính đến tháng 9 vừa qua, Singapore đã tiêm chủng cho hơn 80% dân số và đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 90%. Với Singapore, trọng tâm mới sẽ là việc giảm số ca nhập viện và tử vong do Covid-19.
Còn tại Philippines, tính đến tháng 9, tỷ lệ tiêm chủng của nước này mới chỉ khoảng 20%. Philippines đã áp dụng ít nhất 4 lần phong tỏa cứng trong suốt đại dịch. Điều này cho thấy giai đoạn phục hồi ở Philippines sẽ kéo dài. Tuy nhiên, Philippines cũng không có nhiều lựa chọn ngoài việc mở cửa để khôi phục nền kinh tế đang giảm sút. Chính phủ nước này dự báo sẽ mất ít nhất 1 thập kỷ để khôi phục nền kinh tế khỏi những tác động của đại dịch Covid-19.