Doanh nghiệp tăng tốc chuyển đổi số
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh trì trệ. Một trong những giải pháp “cứu nguy” được hầu hết doanh nghiệp áp dụng hiện nay là chuyển đổi số.
Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) khẳng định, đại dịch xuất hiện, mọi hoạt động đều có sự thay đổi đáng kể. Nhân viên làm việc, họp hành qua hình thức trực tuyến. Giám đốc sản xuất không cần xuống tận nơi kiểm tra, mọi hoạt động của nhà máy đều nắm bắt qua công nghệ thông tin.
Đặc biệt, hình thức bán hàng ghi nhận sự thay đổi chóng mặt. Nếu trước đây DN giới thiệu sản phẩm trực tiếp với khách hàng thì trong thời điểm dịch Coivd-19 giao dịch này gần như “đóng băng” hoàn toàn. Lý do, giảm tiếp xúc nên người tiêu dùng chuyển từ mua sắm trực tiếp sang trực tuyến. Ngoài vấn đề mua sắm hàng hóa, lựa chọn sử dụng dịch vụ qua hình thức trực tuyến cũng tăng.
Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (Viac) nhìn nhận, các hợp đồng được ký kết bằng chữ ký điện tử tăng 17%. Việc chuyển đổi số kịp thời sẽ giúp DN duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh.
“Hiện cộng đồng DN tiếp tục áp dụng chuyển đổi số để quản trị, vận hành sản xuất và kinh doanh. Bằng chứng chỉ rõ, trong năm 2021, thương mại điện tử tăng trưởng 25,7 % so với năm 2020. Các giao dịch mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu được xác lập thông qua phương thức truyền thống cũng được dần thay thế giao kết thông qua website, sàn thương mại điện tử” - ông Bắc thông tin.
Giới chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số là vấn đề tất yếu buộc DN phải áp dụng để vượt qua khó khăn, đồng thời cũng là xu hướng phát triển lâu dài trong sản xuất và giao thương. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam khẳng định, đẩy mạnh chuyển đổi số giúp DN tham gia chuỗi cung ứng mới, thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ vì dịch bệnh.
“Ảnh hưởng của đại dịch cộng với những bất định của thị trường thế giới là cơ hội để DN Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, số hóa. Chuyển đổi số giúp DN phát triển bền vững hơn chứ không phải phát triển dựa trên nền tảng cũ” - ông Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cao cấp nhận định.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại TP HCM cho biết, năm 2021, được nhận định là thời điểm “vàng” cho chuyển đổi số của Việt Nam. Do đó, các đơn vị, tổ chức, DN, cá nhân cần phải hành động ngay để khát vọng chuyển đổi số của Việt Nam sớm thành hiện thực.
Khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) với khoảng 10.000 DN cho thấy, dịch Covid-19 tác động đến trên 87% DN. Nhiều DN bị sụt giảm từ 50 - 90% doanh thu so với trước. Để vượt qua khó khăn, không ít DN áp dụng chuyển đổi số nhằm tối đa hóa hoạt động quản trị, bán hàng... Tuy nhiên, DN cũng gặp phải những thách thức không nhỏ như: Thiếu thiếu kỹ năng về kỹ thuật số, văn hóa chuyển đổi số; khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số...
Để hỗ trợ DN trong chuyển đổi số, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên - đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Bộ đã có chương trình xây dựng các công cụ số, nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số cho DN. Từ đó hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong DN thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số. Chương trình chuyển đổi số này sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN. Mục tiêu đến năm 2025, 100% DN được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Tối thiểu 100 nghìn DN được nhận các hỗ trợ từ chương trình.