Nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp: Không thể chậm hơn nữa
Nghèo về thu nhập, “đói” về đời sống tinh thần là câu chuyện của hàng triệu người lao động hiện nay. Dù đã có nhiều chính sách được ban hành nhưng việc xây dựng các thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội tại các khu công nghiệp – khu chế xuất vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Chưa dám mơ đến thiết chế văn hóa
Sau nhiều năm tích cóp, vợ chồng anh Trương Thế Duy may mắn sở hữu một căn hộ rộng 62m2 tầng 5 tại Tổ hợp nhà ở cho công nhân của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên. Đến giờ dù đã an cư được gần 3 năm nhưng niềm vui của vợ chồng anh Duy dường như vẫn còn tươi mới.
“Chúng tôi thấy rất hài lòng. Khu vực này tiện đi lại, có đầy đủ những tiện ích cần thiết như đưa đón con, mua sắm và vui chơi giải trí. Đặc biệt là dịch vụ điện, nước, vệ sinh được hỗ trợ nên rất rẻ. Vợ tôi là công nhân TNG gần 11 năm nên khi mua nhà được giảm trừ tiền tới gần 150 triệu đồng. Nhờ được an cư trong tổ hợp sản xuất mà đợt dịch vừa qua vợ chồng tôi vẫn có công việc và thu nhập ổn định” - anh Duy phấn khởi nói.
Rất dễ hiểu cảm xúc của vợ chồng anh Duy, dù đã an cư trong ngôi nhà của mình 3 năm nhưng vẫn ngỡ như là mơ. Bởi nhìn vào con số thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án).
Với diện tích kể trên thì cả nước mới có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng. Riêng đối với nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, mới đủ bố trí cho hơn 330 nghìn người lao động (NLĐ), đáp ứng khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020.
Ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg về phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX” với mục tiêu đến hết năm 2020 xây dựng được 50 thiết chế của công đoàn (gồm: Nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao) phục vụ công nhân lao động tại các KCN. Tuy nhiên, sau 4 năm, đến nay chỉ có 3 tỉnh Hà Nam, Quảng Nam, Tiền Giang triển khai dự án đầu tư xây dựng 3 thiết chế của công đoàn, còn lại 40 tỉnh, thành phố mới chấp thuận về chủ trương đầu tư, tức là chỉ đạt 6% so với mục tiêu đặt ra.
Tại Bắc Ninh dù có tới 36 khu, cụm công nghiệp, trong đó 10 KCN lớn của miền Bắc nhưng theo số liệu khảo sát, có đến 50% số NLĐ được hỏi cho biết nơi họ ở không có các kết cấu hạ tầng văn hóa; chỉ có 10% trả lời là có, tuy nhiên mức độ đáp ứng nhu cầu lại chưa cao (khoảng 60%). Việc thiếu sơ sở hạ tầng văn hóa, cộng với nhiều công nhân lao động thường xuyên phải làm việc tăng ca nên thiếu thời gian để thư giãn, giải trí dẫn tới nhu cầu và mức hưởng thụ về văn hóa của NLĐ dần trở nên nghèo nàn, thụ động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX là chính sách vô cùng ý nghĩa và thiết thực. Tuy nhiên, từ chính sách đến việc thực hiện là điều không dễ bởi nhiều nguyên nhân. Cơ chế khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chưa đủ hấp dẫn, thủ tục, vốn vay ưu đãi, thuế chưa ưu tiên, trong khi đầu tư nhà ở cho công nhân hiệu quả kinh tế không cao, thu hồi vốn chậm. Về phía người mua nhà, các thủ tục hành chính và vay vốn ưu đãi vẫn chưa thật thông thoáng. Về phía địa phương, nguồn vốn ngân sách ở một số nơi còn hạn hẹp, dẫn đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội kém, khó thu hút cộng đồng DN tham gia đầu tư dự án...
Không thể chần chừ
Về vấn đề nhà ở cũng như thiết kế hạ tầng xã hội trong KCN-KCX ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các KCN và KCX Hà Nội cho biết, sau gần 2 năm xảy ra đại dịch vấn đề nhà ở, khu thiết chế cho NLĐ bức xúc và cấp thiết hơn bao giờ hết. Vấn đề này cần phải được giải quyết triệt để, không thể chần chừ. Nhà nước cần có chính sách quy định các địa phương khi xây dựng các KCN thì nhất thiết phải ưu tiên một phần đất đai, ngân sách hỗ trợ, xây dựng các thiết chế văn hóa công nhân và tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho NLĐ trong các KCN.
Tương tự, khi đề cập đến nhu cầu nhà ở cũng như hạ tầng xã hội, đại diện Ban quản lý KCN – KCX Bắc Ninh cho biết, Bắc Ninh hiện có khoảng 150.000 trên tổng số gần 400.000 công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp lưu trú trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh thu hút đầu tư 20 dự án nhà ở dành cho công nhân tập trung, quy mô khoảng 9.797 ha. Nhưng hiện mới chỉ có 3 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng 9.890 chỗ ở.
Do số lượng nhà ở cho công nhân trong các KCN không đáp ứng nhu cầu thực tế nên đại bộ phận NLĐ phải thuê nhà bên ngoài. Đặc biệt, chất lượng sống tại các khu nhà trọ vẫn còn nhiều hạn chế. Nhất là tình trạng không bảo đảm về hạ tầng xã hội, vệ sinh môi trường; khó bảo đảm các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy; thiếu thốn các thiết chế văn hóa; vấn đề kiểm soát dịch bệnh… dẫn đến đời sống của NLĐ chưa được đảm bảo.
Bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh trăn trở, ở hầu khắp các thôn, xóm hiện nay đã được chính quyền đầu tư xây dựng nhà văn hóa kiên cố, khang trang để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, học tập của bà con. Nhưng ở các KCN hiện nay lại chưa được đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cộng đồng phục vụ NLĐ.
Mấu chốt vẫn là cơ chế, chính sách
Phân tích các giải pháp căn cơ, góp phần cải thiện đời sống của công nhân, lao động, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, vấn đề mấu chốt là cơ chế, chính sách, khi quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các KCN phải gắn liền với quy hoạch, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa cho người lao động. Theo đó, cùng với việc bố trí và giải quyết nhà ở, các địa phương khi xây dựng KCN-KCX cần tạo quỹ đất để DN xây dưng đồng bộ hạ tầng hỗ trợ đời sống NLĐ như nhà trẻ, bệnh viện, nơi khám chữa bệnh, khu vui chơi, giải trí..
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng một trong những vấn đề lớn cần giải quyết là hạ tầng an sinh cho công nhân KCN. Xây dựng quy hoạch KCN phải đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ, phân bố dân cư và nhà ở trong một phương án tổng thể, thống nhất, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư phát triển. Để làm được điều này cần có chính sách đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân.
“Cần sớm sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý quản lý KCN, KCX và khu kinh tế theo hướng trong KCN, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân thuê (bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội” – ông Thọ đề xuất.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt nam: Đời sống người lao động chưa được chú trọng
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 575 KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống KCN của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn DN. Tuy nhiên, việc đầu tư hạ tầng xã hội tại KCN chưa đồng bộ; nhà ở cho người lao động tại các KCN còn thiếu. Nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội trong các KCN chưa được đầu tư như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám...
Gần 2 năm qua diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đã đặt doanh nghiệp vào tình thế vô cùng khó khăn, đặc biệt là qua đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam, tại một số tỉnh phía Nam đã xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại. Điều này cho thấy người lao động vẫn chưa an cư. Do vậy, chúng ta cần phải nhìn nhận và đầu tư thích đáng hạ tầng xã hội cho người lao động.
TS Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Tạo quỹ đất xây nhà cho thuê giá rẻ
Phần lớn công nhân, người lao động sống trong các khu nhà trọ do người dân đầu tư xây dựng tự phát không đảm bảo môi trường sinh hoạt tối thiểu và sức khỏe cho người lao động khi gặp dịch bệnh Covid -19, đây là nguồn lây lan nhanh ra diện rộng, làm cho công tác phòng, chống dịch bệnh khó khăn hơn.
Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ thí điểm cho Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại các thiết chế công đoàn ở các KCN-KCX. Trong đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đầu tư xây dựng 5 - 10 khu nhà ở cho công nhân thuê, tạo ra 500.000 m2 ÷ 1.000.000 m2 sàn nhà ở đáp ứng cho khoảng 50.000 ÷ 100.000 công nhân được thuê nhà ở tại các địa phương đã được bố trí đất, với một số chính sách đặc thù.
L. Hương (ghi)