Đào tạo khối ngành sức khỏe: Hai Bộ chưa thống nhất

Vi Cầm 13/11/2021 08:05

Nhiều năm qua, đào tạo khối ngành sức khỏe mở tràn lan. Trong khi đây là lĩnh vực đặc thù, điều kiện mở ngành chặt chẽ hơn so với các khối ngành khác.

Những băn khoăn của dư luận đặt ra xung quanh vấn đề chất lượng đầu vào khối ngành này được kiểm soát ra sao? Học phí khối ngành sức khỏe cao đến đâu là hợp lý?

Một lần nữa, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa qua, vấn đề mở mã ngành đào tạo sức khỏe tại các trường đại học (ĐH) đa ngành, cũng như chênh lệch về điểm đầu vào đã được đại biểu đặt ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình) - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nêu thực tế: Hiện nay nhiều trường đào tạo đa ngành đã và đang có xu hướng mở mã ngành đào tạo khối sức khỏe. Trong khi, điểm tuyển sinh đầu vào của các trường này chênh lệch so với các trường đào tạo chuyên ngành là rất lớn, thậm chí chênh lệch trên 10 điểm. Cùng với đó, mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã khẳng định, điều kiện để mở mã ngành đào tạo khối sức khỏe theo quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trên thực tế, có những trường được Bộ GDĐT cho phép mở mã ngành đào tạo lĩnh vực này khi chưa có ý kiến thẩm định cuối cùng của Bộ Y tế. Bà Dung đề nghị Bộ trưởng Bộ GDĐT có ý kiến về vấn đề này.

Trả lời, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết, việc mở các mã ngành sức khỏe được tiến hành theo các quy định, quy chuẩn. Trong tự chủ ĐH, việc mở các mã ngành là quyền của các đơn vị. Tuy nhiên, riêng có 2 nhóm về sức khỏe và sư phạm, Bộ GDĐT vẫn thẩm định và ra quyết định. Các yêu cầu của việc mở chương trình đào tạo của nhóm ngành sức khỏe cũng đã có những tiêu chuẩn, tiêu chí rất nghiêm ngặt.

Theo quy định của Bộ GDĐT, để mở nhóm ngành sức khỏe, ngoài các điều kiện mở ngành đã quy định trong Thông tư số 22/20217/TT-BGDĐT, các cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo khối ngành sức khỏe phải tuân thủ những quy định chương trình, kế hoạch, hợp đồng đào tạo thực hành. Tất cả hồ sơ đăng ký mở chương trình đào tạo mới của các cơ sở giáo dục ĐH đối với khối ngành sức khỏe phải có ý kiến của Bộ Y tế xác nhận về các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP...

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định điều kiện gộp cả 3 trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và đại học. Theo đó, Thông tư mới dự kiến sẽ có điều khoản để Bộ GDĐT lấy ý kiến chính thức của Bộ Y tế, chứ không phải chỉ từ phía các trường.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH năm 2018 cũng quy định Bộ GDĐT quản lý và cấp phép mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe và xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Hội đồng xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho khối ngành sức khỏe có sự tham gia của Bộ Y tế. Tuy vậy, thời gian qua, với việc các trường ngoài công lập đua nhau mở các mã ngành liên quan đến lĩnh vực sức khỏe khiến xã hội không khỏi băn khoăn, lo lắng về chất lượng đào tạo.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nêu quan điểm: Y - Dược là ngành đào tạo đặc biệt, nắm trong tay sinh mạng của con người nên cần thắt chặt ngay từ khâu tuyển sinh, đào tạo.

Vi Cầm