Thiếu điểm gửi xe cho khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông

P.Vân 13/11/2021 07:55

Dự án Cát Linh – Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị trên cao đầu tiên của Hà Nội được đầu tư với tổng kinh phí hơn 18.000 tỷ đồng, chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 6/11 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân trong những ngày đầu vận hành miễn phí.

Chỉ tuần đầu tiên khai thác, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã thu hút hàng trăm ngàn lượt người dân đi tàu trải nghiệm. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, tại một số vị trí ga tàu do chưa có điểm gửi xe chính thức, một số cá nhân đã lập bãi xe tự phát “chặt chém” giá gửi xe của hành khách cao gấp nhiều lần quy định, gây bức xúc cho người dân. Tuy lực lượng chức năng đã nhanh chóng xử lý đối với các trường hợp vi phạm, nhưng nhu cầu gửi xe của người dân cũng cần sớm được giải quyết.

Trước việc người dân gặp nhiều rắc rối khi thiếu các điểm gửi xe để lên tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có văn bản đề nghị 4 quận trên dọc tuyến là Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội rà soát các vị trí có thể lập bãi trông giữ xe máy, xe đạp cho người dân đi tàu.

Theo đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị UBND các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cùng phối hợp rà soát, đề xuất các vị trí để xe đạp, xe máy tạm thời tại các ga tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Trước đó, về việc “khổ vì thiếu chỗ gửi xe” của hành khách, Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường cho biết, việc bố trí điểm trông giữ xe trong bán kính cách nhà ga 300 – 400 m cho hành khách đi tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông, thành phố đã giao cho Sở Giao thông Vận tải khảo sát, bố trí. Trong sổ tay hướng dẫn cho hành khách, Hanoi Metro cũng đưa ra gợi ý các điểm trông giữ xe sẵn có để người dân tham khảo.

Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải, do thời điểm quy hoạch các ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông không còn mặt bằng để bố trí chỗ trông xe cho người dân nên tại các ga không xây dựng chỗ gửi xe. Trước mắt, đơn vị quản lý đã bố trí điểm gửi xe tạm thời tại đầu, cuối tuyến cho người dân thuận lợi di chuyển. Tuy nhiên, các ga dọc tuyến (nằm dọc đường Nguyễn Trãi) sẽ khó khăn hơn do thiếu mặt bằng làm nơi trông giữ xe.

Để thuận tiện hơn cho người dân đi tàu Cát Linh - Hà Đông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ khảo sát các điểm gửi xe lân cận các nhà ga. Với ga Cát Linh đầu tuyến và ga Yên Nghĩa cuối tuyến, do mặt bằng rộng nên có thể bố trí điểm gửi xe tại ga. Tuy nhiên, 10 ga dọc tuyến cần khảo sát vị trí có thể làm nơi trông giữ xe. Ngoài ra, người dân cũng nên tập thói quen đi bộ để tiếp cận với các ga tàu.

Theo các chuyên gia, để vận hành tốt tuyến đường sắt, mọi thiếu sót như thiếu bãi trông xe cần được tính toán và xử lý sớm.

Toàn bộ xe buýt ở TP HCM đã hoạt động trở lại

Ngày 12/11, thông tin từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM cho biết, toàn bộ các tuyến xe buýt ở thành phố đã hoạt động trở lại. Riêng ngày 12/11 có thêm 40 tuyến xe buýt có trợ giá hoạt động. Trước đó các tuyến khác cũng lần lượt được đưa vào khai thác. Hiện trên địa bàn TP HCM có 90 tuyến xe buýt có trợ giá, cùng nhiều tuyến xe buýt liên tỉnh không trợ giá do doanh nghiệp tự vận hành.

Cũng theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, dù mở lại nhưng hầu hết các tuyến đều không khai thác hết công suất, chỉ từ 50%-70% số chuyến như bình thường. Ngoài ra, các tuyến xe buýt này cũng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như tài xế, tiếp viên xe buýt phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine Covid-19 sau 14 ngày hoặc F0 khỏi bệnh dưới 6 tháng. Đối với hành khách đi xe buýt phải tuân thủ 5K và khai báo y tế, chỉ xét nghiệm Covid-19 đối với các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, khó thở,...

Đoàn Xá

P.Vân