Phiên họp chuyên đề sẽ bàn về chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế xã hội
Ngày 13/11, buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã diễn ra ngay sau khi bế mạc kỳ họp.
Tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trả lời về việc dự kiến phiên họp chuyên đề và xem xét gói hỗ trợ, chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế xã hội tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện Quốc hội chưa nhận được chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ trình sang.
Tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn ngày 12/11, Chủ tịch Quốc hội đã nói, ngay từ đầu năm 2021, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, các bộ ngành liên quan để giúp Chính phủ xây dựng và ban hành triển khai chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, gắn với đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và kế hoạch tái cơ cấu kinh tế xã hội 5 năm đặt trong tổng thể mà vừa qua Quốc hội đã biểu quyết, trong đó thông qua cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Như vậy có đặt mục tiêu gắn với phát triển kinh tế xã hội của năm 2022 và những năm sau. Cho nên chương trình tổng thể phục hồi phát triển sẽ phải gắn với 2 nội dung mà Quốc hội vừa thông qua.
Theo bà Mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng Chính phủ đang khẩn trương, xây dựng chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Sớm trình Quốc hội xem xét. Nếu chuẩn bị kịp sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề của Quốc hội vào cuối tháng 12/2021, hoặc đầu tháng 1/2022 để xem xét.
Về nội dung ưu tiên theo bà Mai, chương trình phục hồi kinh tế trước mắt ưu tiên thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là chủ quan. Vì vậy cần bố trí nguồn lực và kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, đáp ứng phòng chống dịch. Bên cạnh đó, tính toán quy mô hỗ trợ của chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội tương ứng mức độ độ ảnh hưởng của đại dịch, có phương án huy động phân bổ nguồn lực đảm bảo khả thi hỗ trợ cung và cầu của nền kinh tế có trọng tâm trọng điểm, tạo điều kiện phục hồi và phát triển đột phá một số ngành nghề lĩnh vực có cơ hội và tiềm năng lớn.
Trả lời thêm, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất cần có phiên họp chuyên đề dự kiến vào cuối tháng 12 và đầu tháng 1/2022. Hiện đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ hồ sơ, tài liệu để trình theo đúng quy định của pháp luật. Ngay sau khi nhận đủ tài liệu mà Chính phủ gửi và đảm bảo chất lượng thì sẽ báo cáo Quốc hội để tổ chức phiên họp sắp tới để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Cũng theo ông Cường, trong Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội đã chú trọng vào việc điều chỉnh hình thức tổ chức các kỳ họp. Nếu trước đây Quốc hội thường chỉ họp 2 kỳ 1 năm nhưng căn cứ vào tình hình thực tế, cần phải thay đổi theo hướng linh hoạt để giải quyết những vấn đề đặt ra. “Nếu 6 tháng 1 lần mà phát sinh những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì sẽ chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển. Vì vậy cần phải sửa lại nội quy kỳ họp theo hướng linh hoạt hơn, thậm chí có những việc cấp bách thì Quốc hội có thể họp trực tuyến như vừa rồi”, ông Cường nói và cho biết, hiện Chính phủ đã trình 7 vấn đề. Trong đó có 2 vấn đề phải báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội. 5 vấn đề còn lại, cơ quan của Quốc hội cũng đang phối hợp với các cơ quan có liên quan của Chính phủ để xem xét, chuẩn bị kỹ lưỡng để khi trình ra Quốc hội phải đảm bảo chất lượng tốt.
Trước đó, trong phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội với các giải pháp, cơ chế đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, chú trọng việc tạo động lực tăng trưởng mới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới hiện nay. Sử dụng linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ tiền tệ, tài khóa để giữ vững kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định”.