Một mảnh vỡ của Mặt trăng là vệ tinh của Trái đất

Minh Tuấn (THEO THE GUARDIAN) 13/11/2021 15:53

​​Các nhà khoa học đã xác định được tiểu hành tinh gần Trái đất dường như là một mảnh vỡ nhỏ của Mặt trăng quay xung quanh Mặt trời, sau khi quang phổ của ánh sáng phản chiếu từ Kamo'oalewa (tên tiểu hành tinh) được phát hiện trùng khớp với mẫu vật từ sứ mệnh Apollo.

Chú thích: Hình ảnh minh hoạ về vệ tinh Kamo'oalewa giữa Trái đất và Mặt trăng. Ảnh The Guardian.

Tiểu hành tinh tên Kamo`oalewa, được phát hiện năm 2016, nhưng đến nay vẫn rất ít thông tin về nó. Các kết quả quan sát mới cho thấy, Kamo`oalewa có thể là một mảnh của Mặt trăng, tách ra khỏi bề mặt của mặt trăng trong một vụ va chạm cổ xưa.

Kamo'oalewa là một trong những vệ tinh của Trái đất, một loại tiểu hành tinh quay quanh Mặt trời, nhưng vẫn tương đối gần với địa cầu của chúng ta - trong trường hợp này là khoảng 9 triệu dặm.

Mặc dù có khoảng cách rất gần về mặt thiên văn học, nhưng tiểu hành tinh này có kích thước chỉ bằng một chiếc đu quay và có phản xạ ánh sáng yếu hơn gấp 4 lần so với ngôi sao tỏa ra ánh sáng yếu nhất khi con người quan sát bằng mắt thường. Do đó, để có thể quan sát đối tượng rõ nhất, giới khoa học phải sử dụng những loại kính thiên văn mạnh nhất hiện tại.

Bằng việc sử dụng kính thiên văn Large Binocular Telescope tại núi Graham ở miền Nam Arizona, các nhà thiên văn học đã tìm thấy quang phổ của ánh sáng phản xạ từ Kamo'oalewa rất khớp với những mảnh đá Mặt trăng được thu thập về từ các sứ mệnh Apollo của Nasa, cho thấy tiểu hành tinh này có nguồn gốc từ Mặt trăng.

Nếu Kamo'oalewa là mảnh vỡ Mặt trăng, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định điều gì khiến nó vỡ ra hoặc nó bay theo quỹ đạo hiện nay bằng cách nào. Tuy nhiên, sau khi phân tích quỹ đạo của vật thể, nhóm nghiên cứu tìm thấy 3 tiểu hành tinh gần Trái đất khác có quỹ đạo tương tự. Tất cả chúng có thể bắn vào không gian trong cùng một vụ va chạm với Mặt trăng cổ đại, diễn ra từ 100.000 đến 500 năm trước.

Theo nhóm tác giả nghiên cứu, Kamo'oalewa sẽ vẫn bay theo quỹ đạo hiện nay trong 300 năm nữa, do đó họ sẽ có nhiều cơ hội tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc của nó.

Tiểu hành tinh Kamo’oalewa quay quanh Trái đất theo một quỹ đạo xoắn ốc lặp đi lặp lại đưa thiên thể này tiếp cận Trái đất gần hơn không quá 40 đến 100 lần khoảng cách 384.000 km của Mặt trăng - vệ tinh tự nhiên của Trái đất. Đường bay kỳ lạ của Kamo’oalewa trong vũ trụ là do lực hấp dẫn kéo đẩy của Trái đất và Mặt trời khiến tiểu hành tinh này không thể đạt được quỹ đạo bình thường.

Minh Tuấn (THEO THE GUARDIAN)