Làm giàu ở Piêng Lau

Điền Bắc 14/11/2021 14:50

Sau 4 năm “dùi mài kinh sử” ở Hà Nội, Vi Văn Thoong - chàng trai người dân tộc Thái đã quyết định về vùng cao Kỳ Sơn (Nghệ An) lập nghiệp. Anh quyết chí làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương mình. Để rồi hôm nay, trên vùng đất hoang sơ ấy, mô hình trang trại cây con đã mang lại cho anh “quả ngọt”.

Nhân lên từ của hồi môn

Để đến được trang trại của anh Vi Văn Thoong, chúng tôi phải vượt nhiều con suối, băng qua 2 quả đồi, bởi xã biên giới Na Loi nằm vắt vẻo bên những ngọn núi cao. Sau hơn 2 giờ chạy xe máy, đến gần trưa chúng tôi đã tới được “vùng đất” của anh Thoong.

Dưới cái se lạnh đầu đông, nhưng ở miền núi cao xứ Nghệ vẫn có cái nắng len lỏi giữa đại ngàn. Trên một vùng đất rộng lớn, xung quanh núi cao bao bọc, những con trâu, bò béo nục là gia sản quý của chàng kỹ sư nông nghiệp Vi Văn Thoong.

Sau cái bắt tay, anh Thoong mời chúng tôi vào nhà uống nước. Anh kể: Năm 2013 tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, ước mong trở thành cán bộ để có thể hỗ trợ cho nhân dân tại quê nhà nhiều hơn trong công tác xóa đói, giảm nghèo.

Đã nhiều lần anh suy nghĩ về việc “khăn gói” vào Nam như bao thanh niên khác trong bản. Nhưng rồi, với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp trong tay, đất đai dồi dào, anh đã ngay lập tức gạt bỏ ý nghĩ ấy. Anh Thoong quyết đem những kiến thức đã học được trên giảng đường áp dụng vào thực tế ngay tại quê nhà.

“Lúc bấy giờ, đợi công việc ổn định lâu quá, mình cũng nghĩ đến chuyện rời bản đi đâu đó. Nhưng rồi, duyên vợ chồng đến, mình lấy vợ. Của hồi môn là cặp trâu bò hai bên nội ngoại trao tặng. Và ý nghĩ làm giàu lóe lên từ đấy”, anh Thoong tâm sự.

Câu chuyện làm giàu từ của hồi môn đã biến quyết định xây dựng mô hình kinh tế từ cặp trâu bò giống này nhân lên trong đầu chàng kỹ sư trẻ. Cũng theo anh Thoong, bản thân có kiến thức về chăn nuôi nên mô hình phát triển tương đối tốt, bước đầu đã đủ cái ăn, cái mặc, nhất là vươn lên thoát khỏi hộ nghèo của xã, thậm chí ước mơ làm giàu hiện hữu.

Theo anh Thoong, để làm được mô hình chăn nuôi như thế này thì phải chịu khó, kiên trì và phải có kiến thức về chăn nuôi, biết phòng, dịch bệnh cho trâu bò. Đồng thời phải có đất để trồng cỏ bổ sung thức ăn vào mùa khô và vỗ béo cho những con sẽ xuất chuồng thì trâu bò mới phát triển tốt, bán mới được giá.

Theo anh Thoong, vùng miền Tây xứ Nghệ có nhiệt độ khá mát mẻ, tuy nhiên mùa đông thì rất lạnh nên kiến thức về chăn nuôi chỉ có người bản địa như anh mới thấu hiểu. Do đó, việc chăn thả trâu bò, phát triển chúng cũng cần phải khoa học.

“Ở đây, cây cỏ bạt ngàn, lại nằm bên con suối, nước chảy quanh năm, rất thuận lợi cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Dưới khe thì trồng lúa, nuôi vịt, đào ao thả cá; trên núi thì thả bò, chăn trâu, trồng cây. Với mô hình này, tôi có thu nhập thường xuyên, trong thời gian tới sẽ phát triển thêm nhiều loại cây, con nhằm đa dạng sản phẩm, tận dụng địa thế thuận lợi mà vùng cao này ban tặng”, anh Thoong hồ hởi.

Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, ý chí vươn lên, không cam chịu đói nghèo, từ một cặp trâu bò ban đầu, nay mô hình của anh Thoong đã phát triển thành đàn với khoảng gần 40 con trâu, bò… Bên cạnh đó gia đình anh Thoong còn nuôi thêm ngan, gà, vịt, 2 ao cá, 1 ha ruộng, đặc biệt có một vườn xoan 7.000 cây 5 năm tuổi..; mỗi năm mô hình cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng khi đã trừ các khoản chi phí.

Vùng đất “đẻ” ra tiền

Trang trại tổng hợp của anh Thoong được xây dựng ở khuất sâu trong khu vực rừng sản xuất của gia đình tại bản Piêng Lau. Từ trung tâm xã để vào được trang trại của anh Thoong chỉ có con đường duy nhất là lội bộ ngược dòng suối Huồi Lê, với những con dốc trơn trượt, cây bụi um tùm.

Nhiều năm trước, khu vực này đã được anh Thoong quy hoạch thành một trang trại tổng hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Trải dài theo con suối là hơn 1 ha lúa chuẩn bị đến ngày thu hoạch.

Những năm học cấp 3, anh Thoong đã nuôi quyết tâm vào đại học. Anh xác định ngành học phải liên quan đến nông nghiệp. Anh kể, cũng chỉ vì muốn rẫy, rừng, dòng suối của bản tạo thành cơm và trai làng không còn phải xa nhà nữa. Từ đó, anh Thoong quyết tâm học Đại học Nông nghiệp. Năm 2009, từ rẻo cao anh bước ra Thủ đô để theo học.

Bốn năm trên ghế giảng đường, những kiến thức chuyên ngành về trồng cây, chăn nuôi khiến anh thấy rất thích thú, trong đầu khi nào cũng nghĩ về những đám đất, khu rừng của bản làng xa xôi. “Thực sự tôi biết ơn thầy cô, cha mẹ bởi có học mới biết được cách chọn con giống, hạt giống, cải tạo đất, trồng cỏ làm thức ăn cho bò, rồi tiêm phòng các loại dịch bệnh. Và khi đàn trâu, bò phát triển tôi lại nghĩ đến chuyện tiêu thụ sản phẩm”, anh tâm sự.

Cũng theo anh Thoong, nguồn thu từ trang trại tổng hợp đã vượt xa những gì mong đợi của anh và gia đình. Lúa gạo không những dư sức ăn mà còn hỗ trợ thêm anh em, họ hàng trong mùa giáp hạt. Đàn trâu, bò không ngừng sinh sôi mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ giỏi làm kinh tế, anh Vi Văn Thoong còn là Bí thư Chi đoàn bản Piêng Lau, một đảng viên trẻ năng nổ, nhiệt tình. Anh Thoong luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những thanh niên trong bản phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Không những vậy, tại kỳ bầu cử vừa qua, anh Thoong được cử tri tin tưởng, tín nhiệm giới thiệu, bầu vào đại biểu Hội đồng nhân dân xã Na Loi, nhiệm kỳ 2021-2026.

Bà Pịt Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Na Loi đánh giá cao những nỗ lực, vượt nắng thắng mưa của anh Vi Văn Thoong. “Anh đã biến những vùng đất cằn cỗi, những thửa ruộng bạc màu thành mảnh đất màu mỡ. Cái đặc biệt của anh Thoong chính là những kiến thức về nông nghiệp giúp cho những cây, con do anh tạo ra phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất rẻo cao này. Không những vậy, anh luôn mang kiến thức ấy giúp bà con trong bản, chỉ dẫn cho những ai muốn phát triển kinh tế hộ gia đình. Việc anh trở thành đại biểu Hội đồng Nhân dân xã chính là sự tín nhiệm mà nhân dân bản làng Piêng Lau dành cho chàng kỹ sư trẻ Vi Thoong”, bà Hà nói.

Điền Bắc