Tiêm vaccine cho trẻ em: An toàn đặt lên hàng đầu

Thanh Mai 14/11/2021 07:07

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, vaccine được xem là một trong những “chìa khóa” quan trọng để đẩy lùi và sống chung với dịch bệnh. Hiện nay nhiều quốc gia đã tiêm phủ cơ bản vaccine Covid-19 cho người trên 18 tuổi và một số nước đã và đang thực hiện tiêm cho trẻ em. Ở Việt Nam, các chuyên gia khuyến cáo: Với việc tiêm vaccine cho trẻ an toàn phải đặt lên hàng đầu, vừa tiêm vừa đánh giá.

Trẻ mắc Covid-19 thường ở thể nhẹ

Việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em được nhiều người quan tâm, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc tiêm vaccine Covid-19. Nhiều người cũng lo lắng về vaccine tiêm cho trẻ bởi cho rằng trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, nhất là các em đang ở độ tuổi hoàn thiện hệ miễn dịch và các chức năng sinh học của cơ thể. Bộ Y tế mới đây đã có Quyết định 5155/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em.

Theo hướng dẫn này, phần lớn trẻ em mắc Covid-19 đều không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp cấp trên hoặc tiêu hoá (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng.

Trẻ mắc Covid-19 thường ở thể nhẹ vì thế tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn. Hội chứng viêm hệ thống đa cơ quan ở trẻ mắc Covid-19 hiếm gặp, xảy ra chủ yếu ở 2-6 tuần sau nhiễm SARS-CoV-2, nhưng thường diễn tiến nặng và có thể gây tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, trẻ bị nghi ngờ mắc Covid -19 khi bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (sốt và có ít nhất một triệu chứng của bệnh đường hô hấp như: ho, đau họng, khó thở...) và có một trong các điều kiện sau: Tiền sử ở/đi/đến/qua vùng dịch tễ Covid -19 trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng. Tiền sử tiếp xúc với ca bệnh Covid -19 hoặc tiền sử tiếp xúc gần với các trường hợp nghi ngờ/hoặc ca bệnh trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.

Thường thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày, trung bình là 4-5 ngày. Khởi phát khi có một hay nhiều triệu chứng như: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ, tuy nhiên trẻ thường không có triệu chứng.

Triệu chứng lâm sàng thường gặp: Sốt 63%, ho 34%, buồn nôn/nôn 20%, tiêu chảy 20%, khó thở 18%, triệu chứng mũi họng 17%, phát ban 17%, mệt mỏi 16%, đau bụng 15%, triệu chứng giống Kawasaki 13%, không có triệu chứng 13%, triệu chứng thần kinh 12%, kết mạc 11% và họng đỏ 9%...

Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5-8 của bệnh. Trong đó một số trẻ (khoảng 0,7%) cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biến chứng nặng như hội chứng nguy kịch hô hấp cấp, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng, và hội chứng viêm đa hệ thống. Tỷ lệ tử vong ở trẻ rất thấp (< 0,1%), hầu hết tử vong do bệnh nền. Trẻ khi mắc Covid-19 thường trong giai đoạn từ ngày thứ 7-10 ngày, nếu không có các biến chứng nặng trẻ sẽ hết dần các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh.

Trẻ em vẫn tham gia vào các chuỗi lây nhiễm

Theo TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trẻ từ 3 -11 tuổi vẫn tiếp tục tham gia vào các chuỗi lây truyền dịch Covid-19 và có khả năng diễn biến nặng cũng như gặp những tổn thương dai dẳng kéo dài nếu mắc Covid-19. Vì vậy, tại Việt Nam nhiều tỉnh, thành đã tiến hành tiêm cho trẻ em lứa tuổi 12-17.

Cũng theo TS Phạm Quang Thái, trong thời gian dịch bệnh xảy ra vừa qua, nhóm đối tượng từ 3-11 tuổi vẫn có những trường hợp mắc Covid-19 và có những trường hợp diễn biến nặng. Tuy nhiên, tỷ lệ nặng ở nhóm trẻ nhỏ kém hơn rất nhiều so với người lớn. Thế nhưng nhóm đối tượng trẻ nhỏ này vẫn tiếp tục tham gia vào các chuỗi lây truyền để duy trì dịch Covid-19 ở trong cộng đồng. Dù chúng ta thấy tỷ lệ tăng nặng và tử vong trong nhóm tuổi nhỏ thấp hơn rất nhiều so với nhóm người lớn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy, ở người lớn hay trẻ nhỏ đều có những trường hợp tổn thương dai dẳng kéo dài, thậm chí cả vấn đề viêm cơ tim, các vấn đề tổn thất liên quan đến hoạt động thể chất thông thường của trẻ. Những ảnh hưởng đó không phải chỉ là ảnh hưởng ngắn mà có thể ảnh hưởng lâu dài ở tất cả các độ tuổi chứ không riêng gì người lớn. Đấy chính là lý do mà ngay cả tuổi nhỏ cũng cần tiêm vaccine phòng Covid-19.

Cũng giống như bất cứ vaccine nào được triển khai trong tiêm chủng mở rộng hay ngoài tiêm chủng mở rộng thì việc sử dụng vaccine cho trẻ hay người lớn đều cần có sự cẩn trọng. Ở đây, chúng ta cẩn trọng không phải chỉ riêng vấn đề chọn lựa đối tượng, xác định đúng đối tượng rồi theo dõi tại nơi tiêm mà còn cần cẩn trọng cả vấn đề theo dõi sức khỏe tại nhà sau tiêm.

Trong quá trình theo dõi sức khỏe đó dù có bất cứ vấn đề gì gia đình cần thông báo sớm cho bác sỹ để có được sự hỗ trợ tốt nhất từ hệ thống y tế, đảm bảo được sự an toàn tốt nhất cho trẻ. Do đó, trẻ nhỏ tuổi cũng cần tiêm vaccine phòng Covid-19 và cần được theo dõi sức khỏe chặt chẽ sau tiêm.

Trước những băn khoăn của các bậc phụ huynh về nguy cơ khi tiêm quá liều vaccine Covid-19 của người lớn cho trẻ, TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành) cho rằng, trường hợp chẳng may tiêm quá liều vaccine Covid-19 của người lớn cho trẻ thì cũng không quá lo ngại. Nếu sau thời gian theo dõi sau khi tiêm, trẻ không có vấn đề gì trước mắt thì cũng chưa có cơ sở nào để dự đoán trẻ sẽ gặp các nguy cơ khác so với nhóm trẻ lớn hơn.

Tuy nhiên, TS Bùi Lê Minh lo lắng: Anh hưởng của tiêm sau này đối với trẻ em vì chúng ta hoàn toàn không có dữ liệu đánh giá nào với nhóm này. Trẻ ở lứa tuổi dưới 18, cơ thể vẫn đang hoàn thiện về mặt sinh học và có nhiều biến đổi về nội tiết, nên không thể hoàn toàn loại trừ những tác dụng phụ có thể xảy ra sau này. Về phương diện khoa học thì không thể loại bỏ hoàn toàn những giả thuyết về nguy cơ lâu dài của vaccine nếu không có bằng chứng trực tiếp.

Vì thế khi tiêm cho trẻ nên cẩn trọng, chia thành các nhóm đối tượng, chẳng hạn nhóm 15-17 tuổi nhiều trường hợp đã có đặc điểm cũng giống như người trưởng thành thì tiêm trước và thận trọng trên từng nhóm nhỏ, vừa tiêm vừa đánh giá.

Thanh Mai