Đô thị hóa đối diện thách thức và rủi ro mới
Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đã đưa nước ta trở thành một quốc gia có nền công nghiệp và kinh tế phát triển, hội nhập với nền kinh tế thế giới. Đô thị hóa đã và đang giúp đẩy lùi đói nghèo và mang đến nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những thách thức và rủi ro mới. Giới chuyên gia nhận định, những rủi ro và thách thức cần được khắc phục bằng các hệ thống quy hoạch và quản lý linh hoạt.
Càng tập trung đông dân cư, tổn thương càng lớn
Cả nước hiện có 870 đô thị, tốc độ đô thị hóa đạt 40%. Quá trình đô thị hóa đang góp phần tạo nên diện mạo mới cho các địa phương, góp phần rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo.
Dù vậy, quá trình đô thị hóa cũng đang đối diện với những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Con số thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 138 đô thị có nguy cơ ngập cao, bao gồm 24 đô thị thuộc 15 tỉnh có nguy cơ ngập nặng, đến rất nặng, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tác động tới khoảng 143 đô thị tại miền núi và Tây Nguyên.
Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá nếu mực nước biển dâng thêm 30 cm vào năm 2050, sẽ có khoảng 4,5 triệu người tại các đô thị ven biển chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt, 1,2 triệu người có thể rơi vào cảnh đói nghèo, hạ tầng đường bộ giai đoạn 2010-2050, thiệt hại về hạ tầng đường bộ có thể lên tới 55 tỉ USD.
Tại Hội thảo “Đô thị hóa Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh” do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, câu chuyện về những rủi ro, biến cố trong quá trình đô thị hóa tiếp tục được giới chuyên gia, các nhà quản lý đặc biệt quan tâm.
Theo TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, càng ngày, tình trạng ngập úng tại đô thị càng trở nên phổ biến, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM. Điều này đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, sinh hoạt và đời sống hằng ngày của người dân, làm hư hại các công trình xây dựng, phá hủy các công trình hạ tầng kỹ thuật, làm ngừng trệ giao thông, gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, câu chuyện quy hoạch đô thị bộc lộ rõ nét hơn khi các địa phương trải qua đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch bùng phát lần thứ 4.
TS Hiển nêu rõ: Kể từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng Covid-19, tại khu vực đô thị, nơi có sự tập trung đông đúc dân cư và các hoạt động kinh tế sản xuất tập trung, thương mại, vui chơi giải trí... diễn ra ở các khu vực chức năng đô thị nhiều hơn hẳn so với khu vực nông thôn, và do vậy, đô thị thường là những điểm nóng của dịch bệnh Covid-19.
Yêu cầu cấp thiết cải tạo chung cư
Lần đầu tiên sau nhiều năm, các đô thị trên toàn cầu phải hứng chịu một sự tác động không có cảnh báo trước, mạnh đến mức hầu hết các đô thị đều phải lựa chọn biện pháp đóng cửa mọi hoạt động, giãn cách xã hội ở quy mô lớn.
Trong bối cảnh đó, TS Nguyễn Đức Hiển cho rằng, dịch bệnh Covid-19 nói riêng và dịch bệnh trong tương lai nói chung đặt ra đòi hỏi cấp thiết phải phát triển các đô thị theo hướng bền vững, có khả năng chống chịu và bảo vệ môi trường.
Ở khía cạnh khác, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho hay, trong các đợt dịch Covid-19, việc trưng dụng các dự án nhà tái định cư, các trường học, sân vận động, khu liên hợp thể thao… để làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 và cùng với việc phải đối mặt với những tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu, đã bộc lộ rõ vấn đề: Cần phải giải bài toán cân bằng nhu cầu sử dụng đất đai.
“Phải có không gian dự trữ, được sử dụng linh hoạt trong trường hợp xảy ra các rủi ro thiên tai, dịch bệnh với quy mô lớn. Đây là điều các nhà quy hoạch cần phải quan tâm trong quá trình lập quy hoạch và phát triển đô thị”- ông Chính nói.
Cũng theo ông Chính, mặc dù, thời gian qua, việc lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu nước biển dâng vào công tác lập, quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam cũng đã từng bước được thiết lập, nhưng việc lồng ghép, tích hợp yếu tố phòng chống dịch bệnh với thiên tai vào quá trình quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị còn bị bỏ ngỏ, chưa được quan tâm...
Trong bối cảnh hiện nay, ông Chính cho rằng, để phát triển bền vững, giảm thiểu thảm họa thiên tai, dịch bệnh, công tác quy hoạch, tổ chức không gian đô thị đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể, lồng ghép được các yêu cầu mới trong quy hoạch và phát triển đô thị trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Đáng chú ý, theo ông Chính, xuất phát từ yêu cầu về “giãn cách xã hội”, các mô hình đô thị mới không chỉ đơn thuần là việc sắp xếp, tổ chức lại các không gian đô thị, tạo thêm không gian cho cây xanh và không gian dành cho cộng đồng mà còn cần phải có sự thay đổi về vai trò của chính quyền đô thị, kinh tế đô thị, thói quen đi lại, sử dụng phương tiện giao thông... tạo thành mối liên kết mạnh mẽ giữa các địa phương, cùng nhau giảm thiểu tác động môi trường, hỗ trợ nhau khi có thiên tai, dịch bệnh hoặc thảm họa toàn cầu. Đặc biệt, từ đại dịch này, cũng là cơ hội để thúc đẩy chính sách cải tạo nhà chung cư cũ và cải thiện cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở Hà Nội và TP HCM trong thời gian tới.
Đề cập đến những thách thức trong phát triển đô thị của các địa phương vùng ĐBSCL, TS Tim McGrath (đến từ Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, do GIZ-SECO tài trợ) cho rằng, thiếu sự liên kết, điều phối trong phát triển vùng ĐBSCL, đặc biệt là về quy hoạch và đầu tư hạ tầng làm gia tăng rủi ro từ biến đổi khí hậu đối với đô thị và những hậu quả về kinh tế.
Vị chuyên gia đề xuất, cần áp dụng mô hình thành phố bọt biển; Xây dựng giá dịch vụ thoát nước và lộ trình thực hiện, hướng đến thu hồi chi phí; Xây dựng định hướng thoát nước và xử lý nước thải tại ĐBSCL theo Quyết định số 1055/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Áp dụng mô hình thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững và nghiên cứu khả thi công trình hạ tầng chống ngập úng…
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng: “Chính quyền đô thị và nguồn lực đô thị cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cần có một đội ngũ và hành động một cách đồng bộ, quản lý và cung cấp dịch vụ cho người dân một cách hiệu quả, trực tiếp, chú ý đến các đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng như dịch bệnh vừa qua”.