Nam Định ‘dọn ổ’ đón ‘đại bàng’
Nam Định đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết, bài bản nhằm thu hút những nhà đầu tư lớn, nói một cách dân giã là đang “dọn ổ” để đón những chú “đại bàng” về làm tổ.
Quy hoạch bài bản; triển khai nhiều dự án giao thông, kết nối trọng điểm; các khu, cụm công nghiệp hiện đại, đồng bộ về hạ tầng, quỹ đất lớn; cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, ứng dụng chính quyền điện tử, công khai chính sách ưu đãi, nguồn lao động trẻ dồi dào, trình độ cao…, Nam Định đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết, bài bản nhằm thu hút những nhà đầu tư lớn, nói một cách dân giã là đang “dọn ổ” để đón những chú “đại bàng” về làm tổ.
Đại đoàn kết Online có cuộc trò chuyện với ông Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định xung quanh nội dung này…
PV: Thưa ông, bên cạnh các cuộc họp bàn phòng, chống dịch Covid-19, trong mấy tháng cuối năm 2021 lịch làm việc của lãnh đạo tỉnh Nam Định có nhiều cuộc liên quan đến hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, có những cuộc đã bàn thảo những nội dung cụ thể để triển khai những dự án đầu tư lớn ở địa phương với số vốn lên tới cả tỷ USD. Ông có thể nói rõ hơn về việc này?
Ông Trần Anh Dũng: Đúng vậy! Như các địa phương khác, Nam Định luôn coi trọng thu hút đầu tư, đã và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Tháng 6/2021, BCH Đảng bộ tỉnh khóa 20, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có riêng một nghị quyết về “đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021- 2025”.
Nghị quyết xác định rõ mục tiêu “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị xây dựng nền hành chính công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, hấp dẫn nhà đầu tư và doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thu hút các dự án có vốn lớn, có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách nhà nước của tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội”. Các hoạt động liên quan đến công tác đầu tư, thu hút đầu tư ở tỉnh thời gian qua đều hướng đến hiện thực hóa mục tiêu trên.
Rất mừng là thời gian qua đã có thêm nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, về tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Nam Định. Đơn cử, mới đây nhất, vào cuối tháng 10/2021, Công ty Cổ phần Eurowindow Holding (hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng, tài chính) đã về tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư các dự án phát triển đô thị kết hợp du lịch. Trước đó, tỉnh Nam Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án Nhà máy gang thép số 1 của Công ty CP Xuân Thiện Nam Định trên diện tích hơn 341 ha tại huyện Nghĩa Hưng, với tổng vốn đầu tư 66.000 tỷ đồng.
Ngoài dự án chính trên, doanh nghiệp này còn đầu tư 2 dự án khác cũng tại huyện Nghĩa Hưng (Dự án Nhà máy cán thép, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, trên diện tích 28,05 ha, Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn, vốn đầu tư 900 tỷ đồng, trên diện tích hơn 57 ha). Để triển khai 3 dự án tổng vốn đầu tư gần 70.000 tỷ đồng trên, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi hơn 431 ha đất tại huyện Nghĩa Hưng, dự kiến hết năm 2021 sẽ hoàn thành phương án đền bù, thu hồi đất, trong tháng 5/2022 sẽ bàn giao được mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác của UBND tỉnh để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện…
Từ đầu năm đến nay, Nam Định đã thu hút được 58 dự án trong nước và 13 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 73.000 tỷ đồng và 50 triệu USD, số vốn đầu tư trong nước gấp 4,5 lần của cả giai đoạn 2016-2020
PV: Đầu tư, phát triển phải theo quy hoạch. Nam Định đã và đang làm gì đối với công tác này, thưa ông?
Ông Trần Anh Dũng: Tất nhiên rồi, vì đây là vấn đề có tính pháp lý. Nam Định xác định nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế là nhiệm vụ, yêu cầu đặc biệt quan trọng. Theo đó, tỉnh đã và đang tập trung nghiên cứu, xây dựng để sớm hoàn thành Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia.
Tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch lớn như: Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông đến năm 2040 và các quy hoạch xây dựng khác. Nghiên cứu, lập Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ. Mới đây, tỉnh đã bổ sung quy hoạch hệ thống tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần – đường bộ ven biển, kết nối Trực Tuấn Yên Định, Lạc Quần - Ngô Đồng…
PV: Nam Định từng bị cho là gặp bất lợi về giao thông khi Quốc lộ 1 không chạy qua. Sau nhiều năm huy động nguồn lực đầu tư, hệ thống hạ tầng giao thông của Nam Định ngày nay đã thay đổi ra sao, khả năng kết nối thế nào, thưa ông?
Ông Trần Anh Dũng: Như đã biết, trước đây qua địa bàn tỉnh chỉ có Quốc lộ 10; Quốc lộ 21, đường sắt Bắc Nam. Sau khi có đường cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ-Ninh Bình, từ Hà Nội về Nam Định trở nên thuận tiện hơn nhiều, đặc biệt là từ khi tuyến đường bộ mới Nam Định-Phủ Lý được đưa vào khai thác, thời gian từ sân bay Nội Bài-Hà Nội về Nam Định chỉ còn hơn 1 giờ xe chạy. Đặc biệt, tới đây khi tuyến đường bộ nối vùng kinh tế biển của tỉnh Nam Định (dài 46 km) với cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ-Ninh Bình (ở nút giao Cao Bồ, huyện Ý Yên) hoàn thành thì từ Hà Nội về vùng kinh tế biển ven biển của tỉnh cũng chưa đến 2 giờ xe chạy.
Trong khi đó, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn Nam Định cũng đang được triển khai thi công, trong đó cầu Thịnh Long trên tuyến đã được đưa vào sử dụng, cầu nối Nam Định với Thái Bình đang được hoàn thiện. Như vậy, việc kết nối, vận chuyển bằng đường bộ giữa Nam Định với các tỉnh, thành vùng duyên hải ven biển Bắc Bộ đang và sẽ rất thuận tiện, nhất là việc kết nối với các sân bay, bến cảng ở Hải Phòng, Quảng Ninh.
Ngoài ra, theo tôi được biết đường cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn (Nam Định-Ninh Bình), dài hơn 15 km, có cầu vượt sông Đáy, nối với quốc lộ 45 (cao tốc Bắc Nam từ Ninh Bình đi Thanh Hóa), do phía tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng cũng đã được đề xuất triển khai.
Trong nội tỉnh, nhiều tỉnh lộ đã được nâng cấp, kết nối, trở thành Quốc lộ như các Quốc lộ 37 B, Quốc lộ 38 B; nhiều tuyến tỉnh lộ như 490C, 485, 488C, 489 cũng đã được mở rộng, nâng cấp. Trên sông Đào, sau cầu Đò Quan, Cầu Tân Phong, cầu vượt trên đường vành đai, cây cầu thứ 4 vượt song Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi đang được triển khai xây dựng để kết nối hơn nữa TP Nam Định với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Các tỉnh lộ 485B, Tỉnh lộ 487B, Tỉnh lộ 488B, Tỉnh lộ 488C…; các cầu lớn có tính chất kết nối như: Đống Cao, Ninh Cường, Bến Mới…cũng đang được triển khai đầu tư. Tỉnh cũng đang triển khai các thủ tục để đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-Đường ven biển.
Đó là về đường bộ, về đường thủy, như đã biết từ năm 2015, Cụm công trình Luồng qua cửa Lạch Giang (cửa sông Ninh Cơ) thuộc Dự án phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6) đã được đưa vào sử dụng, giúp tàu vận tải 2-3000 tấn từ biển có thể về thẳng Hà Nội thay bằng chỉ tàu vài trăm tấn tấn như trước đây. Cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ cũng đang được triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển vận tải thủy ven biển trên trục Bắc-Nam.
Cũng liên quan đến vận tải thủy, theo Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ (về phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), Nam Định nằm trong hành lang vận tải thuỷ Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình với khối lượng vận tải khoảng 27,8-30,1 triệu tấn; có cụm cảng hành khách và 8 cảng hàng hóa, trong đó có 4 cảng hiện có, 4 cảng được xây mới…
Như vậy có thể nói trong hiện tại và trong tương lai gần Nam Định có hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy khá hiện đại, đồng bộ, kết nối thuận lợi với thủ đô Hà Nội, các tỉnh miền Bắc và cả nước.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị đón các nhà đầu tư, tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp lớn như Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông; Khu công nghiệp Mỹ Thuận, mở rộng Khu công nghiệp Bảo Minh, tháo gỡ những vướng mắc ở Khu công nghiệp Mỹ Trung. Cùng với đó, tỉnh cũng đã và đang hoàn thiện hạ tầng nhiều Cụm công nghiệp ở các huyện trong tỉnh như Yên Dương, Yên Bằng, Thanh Côi, Thịnh Lâm, Xuân Tiến, Đồng Côi...nhằm tạo quỹ đất sạch lớn, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
PV: Được biết Nam Định có định hướng phát triển địa bàn tỉnh thành 2 vùng kinh tế trọng điểm. Cụ thể là những vùng nào và định hướng phát triển, thu hút đầu tư của từng vùng ra sao, thưa ông?
Ông Trần Anh Dũng: Xuất phát từ điều kiện tự nhiên, Nam Định định hướng phát triển hai vùng kinh tế trọng điểm, gồm vùng kinh tế ven biển và vùng trung tâm công nghiệp, dịch vụ TP Nam Định. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã ban hành 02 Nghị quyết để tập trung xây dựng, phát triển 2 vùng kinh tế này.
Tại vùng kinh tế biển, tỉnh định hướng phát triển, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (đóng tàu, dệt may, chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất dược liệu); ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường để tạo động lực tăng trưởng và phát triển hợp lý các ngành công nghiệp có tiềm năng, như cảng biển, sản xuất thép, xi măng; nghiên cứu, năng lượng tái tạo, điện khí. Chú trọng phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó là thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm cộng đồng gắn với phát triển du lịch các địa điểm: Vườn quốc gia Xuân Thủy, các khu du lịch Quất Lâm, Thịnh Long, Rạng Đông, khu bảo tồn chứng tích biến đổi khí hậu Nhà thờ đổ Văn Lý…
Tôi cũng xin thông tin thêm, hiện tại tỉnh đang chuẩn bị các thủ tục xây dựng đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ theo quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam, với vai trò là trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và cảng biển. Các đô thị ven biển như Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông...được tỉnh định hướng xây dựng, phát triển thành các trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch biển, nghỉ dưỡng…
Tại vùng trung tâm công nghiệp, dịch vụ TP Nam Định tỉnh chú trọng kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vốn phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, nhiều lợi thế cạnh tranh phù hợp với thế mạnh của thành phố gồm: hệ thống thương mại điện tử, hệ thống phân phối bán lẻ, dịch vụ, du lịch, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, phát huy, khai thác có hiệu quả lợi thế hai bên Đại lộ Thiên Trường, đường Lê Đức Thọ, tuyến đường dẫn cầu Tân Phong và đường trục phía nam sông Đào...
PV: Như ông đã biết, tỉnh nào địa phương nào cũng đang mong muốn thu hút đầu tư, đưa ra các ưu đãi nhất có thể. Như vậy, muốn thu hút đầu tư hiệu quả các tỉnh phải có yếu tố cạnh tranh vượt trội. Yếu tố vượt trội của Nam Định là gì, thưa ông?
Ông Trần Anh Dũng: Đúng là như vậy! Ngoài mặt bằng chính sách ưu đãi chung, yếu tố vượt trội của Nam Định rất dễ nhìn ra, đó là vị trí nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng Sông Hồng, cách Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh-những trung tâm kinh tế lớn ở miền Bắc- không xa. Hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông của tỉnh đang ngày càng kiện toàn, đồng bộ, đa dạng, có tính kết nối cao. Hạ tầng điện lực, viễn thông đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh.
Công cuộc cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử đang được triển khai quyết liệt. Những hạn chế, bất cập đang được tỉnh nỗ lực, điều chỉnh, khắc phục. Con em Nam Định có truyền thống hiếu học, học giỏi, nguồn lao động trẻ dồi dào, có trình độ cao, có khát vọng làm việc, cống hiến xây dựng, phát triển quê hương. Ngoài ra việc đầu tư ở một tỉnh có bề dầy lịch sử, văn hóa, có bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp, có nguồn nông sản chất lượng, người dân có cuộc sống yên bình…như Nam Định, theo tôi cũng là một giá trị tốt đẹp được rất nhiều các nhà đầu tư quan tâm!
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Nam Định đã đơn giản hóa trên 210 thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính, các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh đều được công khai đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đều có thể tiếp cận dễ dàng.
Tỉnh đã thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; đã và đang tích cực triển khai xây dựng chính quyền điện tử; hoàn thành thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên trục liên thông văn bản quốc gia; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 và kết nối liên thông trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; Chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2020 của tỉnh đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố.