Cảnh giác phòng dịch
Thời gian qua, khi tình hình dịch Covid-19 tạm lắng xuống thì nhiều người dân, cơ quan, đơn vị ở các địa phương trên cả nước bắt đầu có dấu hiệu chủ quan, lơ là phòng dịch. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc số ca mắc mới Covid-19 đang tăng nhanh trở lại, có ngày tới non nửa số ca nhiễm trong cộng đồng, hoặc không rõ nguồn lây.
Đơn cử, tính từ 16h ngày 12/11 đến 16h ngày 13/11, chỉ trong vòng 24 tiếng, cả nước ghi nhận 8.467 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có tới 3.940 ca nhiễm cộng đồng. Trong số gần 8.500 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 của cả nước, TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu với 1.240 ca. Sau một thời gian giảm sâu, địa phương này đang tăng nhanh trở lại.
Ngoài các tỉnh, thành phố ở top đầu, Hà Nội cũng là nơi đáng lo ngại khi mà số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày đã tăng lên 3 con số, nhiều ca trong cộng đồng, không rõ nguồn lây. Hiện nay, dù toàn thành phố vẫn đang giữ trạng thái tình hình dịch ở cấp độ 2, nhưng có 4 phường, xã, thị trấn ở cấp độ 3, riêng một phường thuộc quận Nam Từ Liêm cấp độ 4.
Điểm qua tình hình dịch ở một số thành phố lớn như vậy để thấy rằng, dù không thể “zero covid” nhưng cũng phải biết cách “sống chung” với dịch mới đảm bảo an toàn. Chỉ cần có chút chủ quan, lơ là lập tức các địa phương sẽ phải trả giá rất đắt, đó là số ca nhiễm mới tăng nhanh, số ổ dịch phức tạp nhiều, khó kiểm soát.
Dĩ nhiên, đi kèm với việc số ca nhiễm Covid-19 tăng cao là việc phải nâng thêm cấp độ phòng dịch. Điều đó có nghĩa các mặt của đời sống xã hội sẽ lại bị đảo lộn, sản xuất kinh doanh đình trệ khiến kinh tế chậm phát triển. Cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đều không muốn ở trong cấp độ dịch số 4. Vậy chỉ còn cách chúng ta hãy cố giữ an toàn.
Giữ an toàn ở đây là ngoài việc phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết cho mỗi hoạt động sản xuất kinh doanh, vui chơi giải trí, họp hành hội nghị..., cần phải nghiêm túc tuân thủ các quy định phòng dịch, đặc biệt là biện pháp 5K. Chỉ có vậy chúng ta mới có thể “sống chung” với SARS-CoV-2.
Đáng tiếc, trong những ngày qua, không chỉ có khá nhiều người dân mà ngay cả lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương bắt đầu có biểu hiện chủ quan, lơ là phòng dịch. Và hậu quả, hệ lụy từ sự chủ quan, lơ là phòng dịch đã nhìn thấy rõ, đó chính là số lượng ca nhiễm mới tăng nhanh từng ngày. Nếu mỗi cá nhân, tổ chức không kịp thời thức tỉnh, tự chấn chỉnh thái độ của mình với công tác phòng dịch, e rằng sẽ quá muộn. Khi mà số ca nhiễm mới quá cao, hạ tầng y tế quá tải thì không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Mỗi người cần phải biết, hạ tầng y tế của các tỉnh, thành phố chưa thực sự tốt, nếu số ca nhiễm tăng cao không ngừng sẽ dẫn đến quá tải. Khi đó khả năng cứu chữa cho những bệnh nhân Covid-19 trở nặng là rất hạn chế, chưa kể những loại bệnh thông thường khác. Hãy thử hình dung, nếu vậy sức khỏe và tính mạng của các bệnh nhân nói chung, chứ không riêng người nhiễm SARS-CoV-2 liệu có được đảm bảo? Vì thế, hãy cảnh giác phòng dịch.