Tăng lương ở thời điểm thích hợp
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu tăng lương, nguồn lực dành cho cải cách tiền lương sẽ chiếm một phần, ảnh hưởng đến nguồn lực của công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe của nhân dân đang được đặt lên hàng đầu.
Quốc hội đã quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Theo ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, dù lùi nhưng có hướng “mở” khi đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng phương án, chuẩn bị nguồn lực, sớm trình Quốc hội quyết định việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm thích hợp.
PV: Thưa ông, Quốc hội đã quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Cá nhân ông có suy nghĩ gì?
Ông Trần Văn Lâm: Để thực hiện kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế xã hội, đời sống nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay thu ngân sách nhà nước đang khó khăn, chi ngân sách nhà nước tăng cao, đặc biệt là chi cho phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế đang là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Vì vậy trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin Quốc hội cho lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Và Quốc hội cũng đã đồng ý.
Thực tế trong bối cảnh hiện nay, tất cả mọi nguồn lực đều dành cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nếu tăng lương, nguồn lực dành cho cải cách tiền lương sẽ chiếm một phần, ảnh hưởng đến nguồn lực công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe của nhân dân đang được đặt lên hàng đầu. Cho nên việc lùi thời điểm tăng lương cũng để tránh việc nhân dân “tâm tư” là ưu tiên tăng lương cho một bộ phận cán bộ hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
3 năm nay chúng ta chưa tăng lương. Thực tế lạm phát khiến thu nhập của người hưởng lương từ ngân sách có giảm. Nhưng trong bối cảnh khó khăn chung, Quốc hội cũng xác định chia sẻ chung với cả nước. Chúng ta chỉ thực hiện tăng lương hưu cho người về hưu trước năm 1995. Bởi nếu quy ra lương hưu được nhận bây giờ thì họ ở mức thấp so với mức bình quân chung của những người nghỉ hưu. Cùng số năm công tác, chức danh nhưng những người nghỉ hưu trước năm 1995 lương hưu thấp hơn so với những người nghỉ hưu sau năm 1995. Trong khi đa phần những người nghỉ hưu trước năm 1995 là những người có cống hiến trong thời kỳ kháng chiến, thời kỳ khó khăn của đất nước. Do đó ưu tiên cho họ là hợp lý và cố gắng tăng từ 1/1/2022. Hoặc trong trường hợp những người tăng lương như vậy rồi nhưng vẫn chưa đạt mức 2,5 triệu đồng/tháng thì sẽ bù cho đủ 2,5 triệu đồng.
Là thành viên của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội soạn thảo dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội thông qua, trong đó có việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, lúc soạn thảo ông có tâm tư không?
- Lúc đó phải cân nhắc tất cả mọi thứ. Bởi lương là động lực để cán bộ phấn đấu. Cải cách tiền lương là một trong những nội dung quan trọng của cải cách hành chính. Cải cách tiền lương gắn với xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, để người lao động sống bằng lương. Chậm ngày nào, cải cách hành chính chậm ngày đó. Cho nên chúng tôi rất đắn đo. Nhưng chúng ta cũng chưa lường hết dịch bệnh chấm dứt khi nào. Khi dịch bệnh ổn, kinh tế phục hồi có thể thực hiện ngay việc cải cách chính sách tiền lương. Đó cũng là yếu tố để kích thích kinh tế xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bù cho 2 năm vừa qua. Cho nên việc không “chốt” thời điểm tăng lương cũng là linh hoạt. Khi nào kinh tế phục hồi thì thực hiện ngay việc tăng lương.
Không tăng lương vì vậy trong điều hành chính sách kinh tế tiền tệ cần chặt chẽ để kiểm soát chặt giá cả. Nếu lạm phát và lương chưa tăng thì đời sống của cán bộ sẽ lại khó khăn, thưa ông?
- Đúng như vậy. Thực tế năm nào cũng có lạm phát song lạm phát ở mức thấp. Cho nên thực tế thu nhập của người hưởng lương từ ngân sách có bị giảm. Trong bối cảnh này cần kiểm soát chặt chẽ để không xảy ra lạm phát. Vì tăng lương nhưng không bù đủ lạm phát thì cũng mất ý nghĩa của chính sách cải cách tiền lương.
Thưa ông, chương trình tổng thể phục hồi kinh tế dự kiến tháng 12 sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề. Để phục hồi kinh tế trong đó lương cũng cần duy trì, bởi có lương họ mới chi tiêu và qua đó mới kích được cầu?Vậy vấn đề đặt ra là gì để đảm bảo sự dung hòa?
- Khi kinh tế đã phục hồi cần cải cách chính sách tiền lương ngay để tạo động lực cho đội ngũ cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách, tạo động lực làm việc.
Hiện chúng ta đang tìm mọi cách để kích cầu, tung các gói hỗ trợ. Nếu thực hiện cải cách chính sách tiền lương càng sớm cũng chính là kích cầu tiêu dùng càng tốt, kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng. Việc này không thể trì hoãn quá lâu, quan trọng là thời điểm tăng cho hợp lý để hài hòa.
Về căn cơ có giải pháp nào để sớm tăng lương, thưa ông?
- Như tôi nói ở trên, không tăng lương trong năm 2022 nhưng thực hiện ở thời điểm phù hợp, khi dịch bệnh cơ bản khống chế, sản xuất kinh doanh phục hồi, nền kinh tế đã ổn định trở lại.
Phải hiểu rằng nguồn cho cải cách tiền lương vẫn đang duy trì. Chưa đủ để tăng lương song nguồn đó vẫn đang giữ để khi thực hiện cải cách tiền lương chúng ta có nguồn nhất định để tung ra, chứ không phải nguồn đó mang đi sử dụng. Chúng ta chỉ cho phép dùng phần vượt lên. Tức là một số địa phương thực hiện cải cách tiền lương, có nguồn dồi dào thì cho phép sử dụng để chi cho phòng, chống dịch. Còn các địa phương khác vẫn phải giữ nguyên nguồn tăng lương để khi nào thực hiện cải cách tiền lương thì dùng.
Trân trọng cảm ơn ông!