Gian nan sân khấu xã hội hóa
Việc xã hội hóa sân khấu là chủ trương đã được thực hiện từ năm 1997, tuy nhiên, để các sân khấu xã hội hóa vận hành chuyên nghiệp đòi hỏi nhiều yếu tố từ tài cho đến lực.
Chịu nhiều áp lực
Theo nhận định từ nhiều chuyên gia văn hóa: Sân khấu đòi hỏi cả một đội ngũ các văn nghệ sĩ cùng tham gia trong một tác phẩm như nhà viết kịch, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ, kỹ sư âm thanh ánh sáng, công nhân hậu đài… Một tác phẩm thành công là sự tham gia đồng bộ, liền mạch, ăn khớp tới từng giây của cả ê kíp và cần sự đầu tư nghiêm túc về vật chất, về thời gian. Nhưng khi tự hạch toán thu chi, rồi dần tiến tới xã hội hóa hoàn toàn thì các đơn vị nghệ thuật đã thực sự phải bươn trải để tìm cách tồn tại và tìm hướng phát triển.
Dưới áp lực của cơ chế thị trường, các đoàn nghệ thuật sân khấu đứng trước nguy cơ hoặc chịu giải thể, phải chạy theo dựng những kịch bản nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khán giả tìm đến sân khấu để giải trí đơn thuần, từ bỏ chức năng giáo dục, thẩm mỹ… không đặt mục tiêu về giá trị nghệ thuật. Có đơn vị nghệ thuật trung ương đã từng là nhà hát ở trình độ phát triển cao nay lại xây dựng những tiết mục giá trị nghệ thuật không cao, góp phần kéo sân khấu đi theo hướng không truy cầu chất lượng nghệ thuật cũng như giá trị thẩm mĩ. Trong hoạt động sân khấu, đã xảy ra tình trạng mất đi tính chất nghiêm túc.
Thực tế cho thấy, áp lực của xã hội hóa ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng nghệ thuật, tiêu chí nghệ thuật của các đơn vị sân khấu. Sân khấu của các vở diễn lớn, hoành tráng, nghiêm ngắn đã phải nhường chỗ cho một loại sân khấu khác, nhỏ hơn về cả quy mô diễn viên, sàn diễn, số khán giả. Bên cạnh đó, áp lực kéo khán giả đến rạp bằng mọi giá ngày càng cao, người làm nghề phải giải bài toán làm gì, làm như thế nào để tạo hấp lực đối với khán giả. Nhưng đáng nhắc tới hơn nữa, chính là chủ trương sáp nhập các đơn vị theo địa dư hành chính khá vội vàng… Việc sáp nhập về mặt hành chính, phần nào làm gọn bộ máy quản lý, giúp nhà quản lý dễ điều hành, kiểm tra kiểm soát hoạt động nhưng cần tới một quy trình rất thận trọng. Đáng tiếc là, hầu hết các địa phương, tỉnh thành phố tiến hành công tác này mới dừng lại ở phép cộng gộp cơ học…
Xây dựng tính chuyên nghiệp
Có thể nói, sân khấu chuyên nghiệp đang bị những đặc tính của sân khấu nghiệp dư xâm nhập vào hầu hết các thành phần. Đơn cử, các vở diễn trước đây cần thời gian tối thiểu là 3 tháng cho tới 6 tháng để đi đủ các công đoạn cần thiết. Nay thì tất cả được yêu cầu gói ghém trong chừng 1 tháng, thậm chí ít hơn, chỉ một hai tuần lễ. Như vậy, chất lượng vở diễn sao có thể coi là đạt tới trình độ nghệ thuật nhất định? Chính xu hướng này gây cảm giác sân khấu chuyên nghiệp đang quay lại với sự dễ dãi, giản đơn. Có những trường hợp biện minh cho sự thiếu chuyên nghiệp bằng cái gọi là ý đồ nghệ thuật, là ước lệ, cách điệu… Thực chất, việc làm này chỉ là “múa rìu qua mắt thợ”, rất khó giấu được người trong nghề. Thiếu đầu tư, đầu tư một cách qua quýt, sao có thể gọi là đạt tới trình độ của nền sân khấu chuyên nghiệp?
Để việc triển khai xã hội hóa hoạt động sân khấu đạt được hiệu quả như kỳ vọng, các cấp quản lý, cả đội ngũ nghệ sĩ sân khấu cần phải thực hiện rất nhiều việc. Tiến tới xã hội hóa là cần thiết, nhưng không thể vội vàng.
Theo đạo diễn Lê Quý Dương, ở nước ngoài, kinh phí, nguồn thu của các sân khấu tư nhân (xã hội hóa) sẽ có từ 4 nguồn chính là tài trợ từ ngân sách dành cho văn hóa; tài trợ từ các nhà hảo tâm; nguồn thu từ các dịch vụ và quảng cáo và cuối cùng là bán vé.
Đạo diễn Lê Quý Dương cũng phân tích, thử đặt và xem xét 4 nguồn thu này ở Việt Nam thì chúng ta chưa làm tốt công tác tài trợ từ ngân sách dành cho văn hóa, điều này cần tới sự vận hành từ những chuyên gia tư vấn cho các lãnh đạo, để tiến hành những đầu tư thông qua đặt hàng các tác phẩm, đầu tư một cách đầy đủ cho tác phẩm. Với khoản thu từ dịch vụ và quảng cáo thì hiện tại, chưa có sân khấu tư nhân nào có rạp diễn riêng, thật khó để đi theo đó là những dịch vụ văn hóa kèm theo. Còn khâu quảng cáo lại càng khó khi lượng khán giả đến rạp chưa nhiều, lại có tâm lý bài xích quảng cáo rất lớn, nên rất khó để tìm kiếm nguồn quảng cáo cho các vở diễn. Cuối cùng là nguồn thu từ bán vé thì lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc xây dựng thương hiệu nghệ thuật cho đơn vị sân khấu.
Nhìn vào “bức tranh” của sân khấu xã hội hóa, chúng ta cần sớm có những giải pháp thích hợp ở từng giai đoạn để tiếp sức cho các sân khấu tư nhân tồn tại và phát triển. Bởi các vở diễn của sân khấu tư nhân thường có nguồn nhân lực tốt, năng động, sáng tạo mới để hút khách. Sự trợ giúp về kinh phí là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi nguồn nội lực của các đơn vị xã hội hóa vẫn còn dồi dào. Bên cạnh đó, cần đánh giá thực trạng xã hội hóa sân khấu từ khi ra đời đến nay để định ra được lộ trình tích cực và hiệu quả hơn, để chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa không bị coi đơn thuần là sáp nhập các đơn vị, đưa một số nghệ sĩ tự tập, tự bán vé kiếm sống. Rất cần sự đồng bộ, cần chính sách lâu dài, có đường hướng mang tính chiến lược để sân khấu xã hội hóa thực sự trở thành xu hướng tích cực, kích thích sáng tạo và phát triển của sân khấu.