5 hộ gia đình gần 20 năm khiếu kiện đất khai hoang bị thu hồi

16/11/2021 19:16

Tại Hà Nội, 5 hộ gia đình gửi đơn khiếu kiện ròng rã gần 20 năm khi cho rằng hơn 2.400 m2 đất gia đình đang sinh sống là đất khai hoang, được phép chuyển đổi thành đất ở.

Dãy nhà tạm tại tổ 1, cụm 1,phường Phú Thượng, nơi 5 hộ gia đình nơi bà Phương sinh sống

Sống ổn định 20 năm, bất ngờ bị thu hồi

Mảnh đất nằm sát đường An Dương Vương tại tổ 1, cụm1, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) là các nhà tạm được vá víu chằng chịt bằng đủ loại vật liệu. Nơi đây đại gia đình ông Phạm Ngọc Khánh (69 tuổi) và vợ là bà Phạm Thị Minh Phương (69 tuổi) đã sinh sống vài chục năm nay.

Theo bà Phương, khu đất hiện nay bà và gia đình đang sinh sống và trồng trọt, chăn nuôi những năm đầu thập niên 1980 là khu ao đầm bỏ hoang. Khu đất trên có tổng diện tích hơn 2.400 m2 cách đây vài chục năm là khu đầm ngập nước, không ai canh tác nên bà và chồng tới dựng lán ở tạm rồi trồng trọt trên đất. Năm 1994, gia đình ông bà Khánh Phương đã thế chấp đất vay vốn ngân hàng để trồng hoa hồng Đà Lạt. Trong quá trình này, gần 20 năm bà Phương khai hoang, sử dụng, quản lý khu đất không có một cơ quan chức năng nào có ý kiến, ngăn cản về nguồn gốc đất hay hành vi lấn chiếm đất của gia đình.

Bà Phạm Thị Minh Phương cho rằng mảnh đất nơi gia đình bà đang sinh sống có nguồn gốc từ đất khai hoang, đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Cho đến 2002, UBND phường Phú Thượng mới có buổi khảo sát và lập biên bản vi phạm hành chính lần đầu, rồi xử phạt về hành vi lấn chiếm đất công cũng như ra quyết định thu hồi đất của gia đình ông Phạm Ngọc Khánh vào năm 2003. Cho đến tận bây giờ, bà Phương vẫn không hiểu mảnh đất gia đình mình đang sinh sống có công sức gia đình bỏ ra khai hoang phục hóa nhưng vẫn bị liệt vào danh sách lấn chiếm đất công.

Làm chứng về việc gia đình bà Phương đến khai hoang từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông Nguyễn Văn Thuật người dân sinh sống tại tổ 1 cụm 1 phường Phú Thượng quận Tây Hồ, cho biết, khu đất này vốn là đầm ruộng, trước đây là khu đầm bỏ hoang, không ai canh tác, bà Phương với chồng đến đây dựng lều ở tạm rồi canh tác trên đất này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thi, người dân sinh sống tại tổ 1 cụm 1 phường Phú Thượng khẳng định, vào năm 1982 khu đất bà Phương đang ở là ruộng đất bỏ hoang chứ không phải có nhà, cái cửa gì. “Thời đó, chỉ gia đình bà Phương ra đó sinh sống, trồng trọt. Tới nay chưa thấy có người nào đến tranh chấp, về vấn đề gì”, ông Thi nói.

Mặc dù bị thu hồi đất nhưng đến thời điểm hiện tại gần 20 thành viên trong gia đình bà Phương hằng ngày vẫn phải sinh sống tạm bợ trên mảnh đất này. Đáng buồn, hễ tết đến, xuân về là chính quyền lại có động thái cưỡng chế đuổi gia đình ông Khánh ra khỏi nhà. Mặc dù hộ khẩu gia đình ông Khánh cũng đã được cơ quan chức năng chứng nhận sinh sống trên thửa đất này từ rất lâu cùng hóa đơn nộp thuế đất.

Theo tìm hiểu của PV, khi người dân khiếu nại, UBND quận Tây Hồ đã có Công văn số 255/UBND-TNMT giao Công An quận Tây Hồ điều tra, xác minh làm rõ. Cơ quan điều tra đã có Công văn số 70/CATH ngày 20/4/2010 báo cáo UBND quận. Văn bản này khẳng định, gia đình ông Khánh đã sử dụng khu đất này để xây dựng nhà ở, trồng cây hoa màu, mưu sinh trước những năm 90.

Đất công hay đất khai hoang?

Tại buổi làm việc với PV Đại Đoàn Kết, ông Kiều Văn Tâm, Phó Chủ tịch phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, TP Hà Nội), cho biết, hiện bà Phương và 5 hộ gia đình sinh sống có nguồn gốc đất là đất đầm trên rộng 11.000 m2 vốn thuộc quản lý của hợp tác xã nông nghiệp Phú Thượng. Năm 1994, hợp tác xã Phú Thượng đã chuyển toàn bộ đất nông nghiệp do hợp tác xã quản lý về UBND phường quản lý. Bởi vậy, theo ông Tâm, khu đất bà Phương là có nguồn gốc là đất nông nghiệp thuộc hợp tác xã, khi hợp tác xã bàn giao đất về cho UBND phường quản lý thì đất đó thuộc đất công.

Ông Kiều Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng, trong buổi làm việc với PV Đại Đoàn Kết

Tuy nhiên, khi PV Đại Đoàn Kết hỏi lại trong các hồ sơ bàn giao từ hợp tác xã nông nghiệp Phú Thượng về UBND phường quản lý thì có diện tích đất khu đầm trên 11.000 m2 hay không?. Ngoài ra, PV Đại Đoàn Kết cũng đặt vấn đề, hiện các nhà xung quanh khu đất nhà bà Phương cũng có nguồn gốc đất là khu đầm trên nhưng tới nay đã được cấp quyền sử dụng đất, tại sao nhà Phương lại bị thu hồi?

Về việc này, ông Tâm cho rằng, hồ sơ giấy tờ trải dài nhiều năm sẽ cung cấp trong buổi làm việc sau. Tuy nhiên, khi PV liên tục hỏi lại hồ sơ đất bà Phương và muốn buổi làm việc tiếp theo thì ông Tâm không hồi đáp.

Trong khi đó, về nguồn gốc đất nhà bà Phương đang sinh sống, ông Hoàng Gia Lượng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thượng cho biết, giấy tờ nguồn gốc đất đã bàn giao cho UBND phường Phú Thượng vào năm 1996. Về nguồn gốc đất bà Phương hiện đang sinh sống có nằm trong hồ sơ quản lý của hợp tác xã nông nghiệp Phú Thượng không?, ông Lượng trả lời: Trải nhiều năm với nhiều lý do khác nhau nên hiện tại các giấy tờ xác minh nguồn gốc đất nơi bà Phương và gia đình sinh sống đã không còn lưu giữ.

Cùng nguồn gốc đất, có nhà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo biên bản ngày 17/4/2019 tại UBND phường Phú Thượng bà Nguyễn Thị Hồng Điệp đại diện cho gia đình có đất bị thu hồi đã có thắc mắc là tại sao có những hộ dân liền kề với khu đất trên đã tự san lấp đất sau gia đình họ 10 năm mà lại không bị thu hồi, còn lấy được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng nhà biệt thự ở tại đó, còn 5 hộ gia đình ông Khánh và những công dân khác lại không được giải quyết.

Đất khai hoang có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Về việc này, Luật sư Vũ Văn Biên (đoàn luật sư tỉnh Hải Dương) giải thích như sau:Hiện nay pháp luật đất đai không có quy định hay giải thích thế nào là đất khai hoang. Trước ngày 27/11/2017, đất khai hoang được quy định rõ tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 52/2014/TT-BNNPTNT như sau: Đất khai hoang là đất đang để hoang hóa, đất khác đã quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, đây không phải văn bản quy phạm pháp luật chuyên về đất đai (quy định này không hoàn toàn thống nhất với những những quy định của pháp luật đất đai hiện hành) và Thông tư này đã hết hiệu lực từ ngày 27/11/2017.

Đất khai hoang trên thực tế chủ yếu là đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cho đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 101 Luật Đất đai 2013 và hướng dẫn bởi các Điều 20, 21, 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Căn cứ theo các quy định trên, trường hợp đất khai hoang sử dụng đất ổn định và không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.