Khói bụi ô nhiễm ‘nuốt chửng’ Ấn Độ
Bầu trời New Delhi bị màn sương khói dày đặc và xám xịt che khuất. Các tòa nhà cao tầng bị nuốt chửng, mọi người đều cảm thấy khó thở.
Làn khói dày đặc ‘nuốt chửng’ thủ đô New Delhi
Theo SAFAR, Cơ quan giám sát môi trường chính của Ấn Độ, chỉ số chất lượng không khí của thành phố đã rơi vào loại “cực kém” hôm 14/11. Ở nhiều khu vực, mức độ hạt vật chất độc hại gấp khoảng 6 lần ngưỡng an toàn toàn cầu.
Hình ảnh từ vệ tinh của NASA cũng cho thấy hầu hết các vùng đồng bằng phía Bắc của Ấn Độ đang bị bao phủ bởi mây mù dày đặc.
Trong số nhiều thành phố của Ấn Độ, New Delhi đứng đầu danh sách ô nhiễm hàng năm. Cuộc khủng hoảng môi trường trở nên trầm trọng hơn đặc biệt vào mùa đông, khi việc đốt tàn dư cây trồng ở các bang lân cận trùng với thời điểm nhiệt độ lạnh hơn. Điều này đã vô tình tạo ra bẫy khói chết người. Làn khói đó đã bay đến New Delhi, dẫn đến tình trạng ô nhiễm gia tăng ở thành phố hơn 20 triệu dân vốn đã hứng chịu cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Chính quyền New Delhi hôm 13/11 đã ra lệnh đóng cửa các trường học trong một tuần và các công trường xây dựng trong bốn ngày bắt đầu từ ngày 15/11. Các văn phòng chính phủ đều phải chuyển sang làm việc tại nhà trong một tuần để giảm lượng xe lưu thông trên đường.
Lãnh đạo dân cử hàng đầu của thủ đô, ông Arvind Kejriwal cho biết, có khả năng thành phố New Delhi sẽ bị phong tỏa hoàn toàn nhưng quyết định sẽ được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến của chính phủ liên bang.
Khí thải từ các ngành công nghiệp không có công nghệ kiểm soát ô nhiễm và than đá – nguồn nhiên liệu giúp sản xuất phần lớn điện năng của đất nước, đều có liên quan đến chất lượng không khí ngày càng tồi tệ ở các khu vực đô thị khác tại Ấn Độ.
Than đá – vấn đề nan giải đối với khí hậu Ấn Độ
Nhu cầu sử dụng năng lượng của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng nhanh hơn trong những thập kỷ tới so với bất kỳ quốc gia nào khác. Một phần của nhu cầu đó dự kiến sẽ được đáp ứng bởi điện than, nguồn khí thải carbon chính gây nên ô nhiễm không khí.
Đó là lý do tại sao hôm 13/11, Ấn Độ đã yêu cầu thay đổi vào phút chót đối với thỏa thuận cuối cùng trong cuộc đàm phán quan trọng về khí hậu ở Glasgow, Scotland, nhất quyết kêu gọi “giảm dần” thay vì “loại bỏ hoàn toàn” điện than.
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Bhupender Yadav đã phản đối điều khoản về việc loại bỏ dần than đá. Ông cho rằng các nước đang phát triển “được quyền sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách có trách nhiệm”.
Nhiều chuyên gia đã chỉ trích động thái này. Họ lo lắng chính điều đó đã làm suy yếu thỏa thuận cuối cùng của COP26, đồng thời cản trở cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chất lượng không khí ngày càng tồi tệ của Ấn Độ.
Samrat Sengupta, giám đốc chương trình về biến đổi khí hậu và năng lượng tại Trung tâm Khoa học và Môi trường cho biết, Ấn Độ cần có đủ “không gian carbon” trong khí quyển cho các nhu cầu phát triển của mình để cùng tồn tại với tham vọng toàn cầu là hạn chế Trái đất nóng lên ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) kể từ thời tiền công nghiệp.
“Về mặt kỹ thuật, việc loại bỏ than là không thể vào lúc này. Không kịch bản nào có thể dự báo Ấn Độ sẽ không còn phụ thuộc vào than cho đến năm 2050”, Sengupta nhấn mạnh.
Tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố nước này sẽ đặt mục tiêu ngừng phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển cho đến năm 2070 - sau Mỹ hai thập kỷ và chậm hơn Trung Quốc ít nhất 10 năm.
“Ở Ấn Độ, than là con đường mưu sinh duy nhất của rất nhiều người dân. Nếu các quốc gia khác nói chúng tôi hãy ngừng sử dụng than thì chúng tôi sẽ lấy gì để ăn”, anh Hari Ram, một người kinh doanh than bất bình.
Tại sao không thể từ bỏ than đá?
Câu trả lời ngắn gọn là than đá rẻ và dồi dào. Nhưng ngay cả khi năng lượng tái tạo trở nên cạnh tranh hơn về giá, than không dễ dàng bị loại bỏ. Nhu cầu điện đang tăng cao khi dân số và sự phát triển trên thế giới ngày càng tăng lên, và năng lượng tái tạo đơn giản là không đủ để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu đó.
Thực tế, trong số ba loại nhiên liệu hóa thạch - than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên - thì than đá là tác nhân gây hại khí hậu lớn nhất. Nó tạo ra khoảng 20% tổng lượng khí thải gây nên hiệu ứng nhà kính. Đây cũng là một loại nhiên liệu tương đối dễ thay thế, các giải pháp thay thế tái tạo cho nhiệt điện than đã có từ nhiều thập kỷ trước. Việc đốt than cũng có các tác động môi trường khác, bao gồm ô nhiễm không khí góp phần tạo ra khói bụi, mưa axit và các bệnh về đường hô hấp.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán rằng Ấn Độ sẽ cần bổ sung một hệ thống điện có quy mô tương đương với Liên minh châu Âu để đáp ứng nhu cầu điện tăng trưởng dự kiến trong 20 năm tới. Vai trò của than trong ngành điện vẫn tương đối ổn định trong 5 thập kỷ qua. Thống kê của IEA cho thấy năm 1973 tỷ trọng than trong sản xuất điện toàn cầu là 38%; năm 2019 là 37%.