Hậu Giang: Chỉ số DDCI cấp sở, ban ngành đã có sự cải thiện đáng kể
Nhiều đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Hậu Giang đã có sự cải thiện đáng kể về điểm số, thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị (DDCI) của tỉnh Hậu Giang trong năm 2020.
Chiều 15/11 UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội nghị Báo cáo đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị (DDCI) tỉnh Hậu Giang năm 2020.
Báo cáo DDCI tỉnh Hậu Giang năm 2020 được xây dựng dưới sự phối hợp chặt chẽ của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ và Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Hậu Giang, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang
Theo đánh giá, nhiều đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Hậu Giang đã có sự cải thiện đánh kể về điểm số, thứ hạng trong năm 2020. Cụ thể, đối với cấp sở, ngành có 8 đơn vị được xếp nhóm khá, tăng 5 đơn vị so với năm 2019, trong đó Sở Lao động và Thương binh Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương có tổng số điểm đạt cao nhất.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, nhóm sở, ban, ngành có chuyển nhóm chất lượng điều hành khá xuống trung bình một phần nguyên nhân doanh nghiệp kỳ vọng hơn về minh bạch thông tin, chất lượng cán bộ, hoạt động thanh kiểm tra, cũng như sáng kiến mới của lãnh đạo trong năm 2021.
Đối với các quận, huyện, thành phố, thị xã thì chỉ có 3/8 đơn vị được xếp vào nhóm khá, giảm 2 đơn vị so với năm 2019.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, năm 2020 thứ hạng của các đơn vị cấp quận huyện tuy có sự tụt hạng nhưng điểm số trung bình có sự thay đổi không lớn và có sự hội tụ điểm số, do từ sự bắt kịp ở các địa phương ở nhóm dưới, kết hợp từ sự giảm điểm của các địa phương ở nhóm dẫn đầu.
Kết quả 4/8 địa phương thực hiện tốt, các địa phương đều có nỗ lực nhất định năm 2020 nhưng trong đó 4 địa phương lại xuất sắc hơn là các huyện: Vị Thủy, Châu Thành A, Long Mỹ và TP Vị Thanh.Đáng chú ý là tại các địa phương dẫn đầu trong nhóm chất lượng điều hành các doanh nghiệp đều có kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2020, hoặc nếu có giảm doanh thu cũng giảm rất ít.
Đánh giá cụ thể về 8 chỉ số thành phần, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, có 5/8 chỉ số thành phần được địa phương thực hiện tương đối tốt có sự cải thiện về điểm số, đó là tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của lãnh đạo địa phương; tiếp cận đất đai dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý.
Tuy nhiên, có 3 chỉ số thành phần là Cạnh tranh bình đẳng; Chi phí không chính thức; Chi phí thời gian thì có đến 30% doanh nghiệp được khảo sát chưa hài lòng và cho rằng chậm thay đổi, thậm chí còn bị thụt lùi, giảm điểm.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhìn nhận: Qua kết quả báo cáo về Bộ chỉ số năng lực điều hành cấp Sở Ban ngành và huyện thị tỉnh Hậu Giang năm 2020, giúp chúng ta nhận thấy có những điểm sáng đạt kết quả tốt. Tuy nhiên vẫn có những hạn chế, báo cáo này là cơ hội để các địa phương tự nhìn nhận để cố gắng phát huy các điểm mạnh và khắc phục những chỉ số, hạn chế trong thời gian tới...
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết: Việc đánh giá DDCI trước tiên phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của bộ máy phục vụ hành chính công. Ông Lam dẫn chứng ở đơn vị nhiều năm dẫn đầu về DDCI là tỉnh Quảng Ninh thì việc tổ chức công bố DDCI giống như ngày hội của địa phương với sự tham dự đông đủ của các đơn vị. Tính đến nay đã có 45/63 tỉnh thành có đánh giá DDCI, tại khu vực ĐBSCL thì tỉnh Hậu Giang đi đầu đánh giá DDCI, tính đến nay đã có 7/13 tỉnh, thành trong vùng thực hiện đánh giá theo bộ chỉ số này. Tôi cho rằng chỉ số này được thể hiện trong vòng 5 năm sẽ cho ra những kết quả rất tốt.