Dính hàng loạt bê bối với khách hàng, Thế Giới Di Động vẫn lãi ‘khủng’
Dù dính nhiều vụ khủng hoảng truyền thông liên quan đến ứng xử với khách hàng và đối tác trong đại dịch Covid-19, Thế Giới Di Động vẫn có lãi lớn, tập đoàn bán lẻ MWG có doanh thu vượt 12.000 tỷ đồng chỉ trong một tháng hoạt động.
Điện thoại, điện máy bội thu
Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố mức doanh thu kỷ lục hơn 12.000 tỷ đồng trong tháng 10. Con số này tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 45% so với tháng 9 liền trước.
Kết quả khả quan này nhờ phần lớn cửa hàng được hoạt động trở lại sau giãn cách xã hội. Trước đó tập đoàn này báo cáo doanh thu và lợi nhuận quý III giảm mạnh, do có gần 2.000 cửa hàng điện tử phải đóng cửa, hạn chế bán hàng theo quy định phòng dịch và 40-50% chuỗi thực phẩm không thể phục vụ khách trực tiếp từ 23/8 trở đi.
Như vậy tính lũy kế 10 tháng đầu năm, doanh thu của tập đoàn bán lẻ này đạt khoảng 98.800 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 125.000 tỷ đồng, doanh nghiệp đã hoàn thành hơn 79% chỉ tiêu doanh thu.
Động lực tăng trưởng trong tháng vừa qua đến từ nhóm chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh (TGDĐ & ĐMX) khi ghi nhận doanh số hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ và tăng 60% so với tháng 9.
Đối với chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh, doanh số trong tháng vừa qua đạt gần 2.000 tỷ đồng. Sau khi nới lỏng giãn cách, mức thu bình quân chỉ đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, vẫn chưa quay về mức bình quân thời điểm trước dịch.
Hàng loạt bê bối với khách hàng
Vụ bê bối liên quan đến giá bán (đầu ra) diễn ra vào đầu tháng 7. Theo đó, tại thời điểm này, chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động bị khách hàng phản ánh tăng giá bán giữa bối cảnh dịch giã hoành hành. Sau đó, Thế Giới Di Động đã có văn bản giải thích, trong đó khẳng định Bách hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh.
Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do phải bù đắp chi phí vận chuyển tăng cao, chi phí nhân công tăng do phải tăng ca liên tục, chi phí xét nghiệm, hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp...
Mặc dù vậy, một số cửa hàng Bách Hóa Xanh vẫn bị xử phạt vì hành vi bán hàng không niêm yết giá hay tính giá nhầm… Trong buổi làm việc với tổ công tác của Bộ Công Thương, lãnh đạo Thế Giới Di Động khẳng định sẽ hoàn trả mọi chênh lệch thiệt hại, đền bù thêm 100.000 đồng/lần mua hàng.
Sau đó, Thế Giới Di Động lại dính ồn ào liên quan tới thông tin gửi công văn cho đối tác thông báo không đóng tiền thuê mặt bằng trong thời gian đóng cửa vì dịch bệnh.
Cụ thể, trong công văn gửi tới đối tác mặt bằng, Thế Giới Di Động nêu rõ: "Không tính tiền thuê và không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước; không tính tiền thuê 70% và thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch.
Thời gian áp dụng từ 1/1 đến 1/8. Công văn đề nghị tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng".
Cách hành xử của "ông lớn" bán lẻ đã khiến dư luận dậy sóng, cho rằng phía Thế Giới Di Động có thái độ "bá đạo", không tuân thủ hợp đồng và không tôn trọng đối tác.
Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng hợp đồng thuê mặt bằng là một dạng của hợp đồng thuê tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, được hiểu là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bên cho thuê và bên thuê. Theo đó bên cho thuê có nghĩa vụ giao mặt bằng cho bên thuê, bên thuê có nghĩa vụ trả tiền thuê.
“Việc bên cho thuê mặt bằng không đồng ý miễn giảm tiền thuê là quyền của họ, đồng nghĩa với việc họ không đồng ý điều chỉnh hợp đồng. Do đó việc Thế Giới Di Động tự ý phát hành công văn giảm giá tiền thuê và tự thanh toán tiền thuê theo các văn bản này, được cho là thanh toán tiền thuê không đủ, không đúng với hợp đồng thì bị xem là vi phạm nghĩa vụ thanh toán”, ông Tuấn nói.