Khai thác tận diệt, cạn kiệt dược liệu - Bài 1: Đổ xô đi 'săn' thuốc quý

MINH QUÂN 16/11/2021 09:01

Sau nhiều năm ồ ạt khai thác bán cho thương lái, không ít loại cây thuốc nam dùng làm dược liệu, vốn mọc đầy rẫy trên những ngọn núi cao, trong những cánh rừng thẳm, giờ đã dần biến mất.

Thầy lang cùng đồng bào dân tộc băng rừng từ Yên Bái qua đất Sơn La để tìm dược liệu. Ảnh: Nam Anh.

Khai thác theo lối đào cả gốc, moi tận rễ

Theo trào lưu, có những thời điểm, người dân sinh sống quanh khu vực có nhiều đồi núi, kéo nhau đổ xô đi săn dược liệu, rồi xuất qua biên giới bán cho thương lái Trung Quốc. Để nhằm kiếm lời nhanh nhất có thể, người dân ồ ạt khai thác cả cây to, lẫn cây non.

Khi cây thuốc không còn, họ đào tận gốc, bới cả rễ, đem rửa sạch, cắt lát bán cân. Cách khai thác cốt để lấy số lượng này khiến nhiều loại dược liệu trở lên khan hiếm, đang dần biến mất trên khắp những cánh rừng, mà vốn trước đây được coi là vựa dược liệu của giới đông y.

Và giờ đây, nhiều thầy lang Việt phải lặn lội hàng chục, thậm chí cả trăm km đường rừng mới có được mẻ dược liệu phục vụ cho việc bốc thuốc. Theo lương y Dương Thị Hiến ở huyện Ba Vì (TP Hà Nội), phương pháp khai thác truyền thống là phải đợi dược liệu đủ độ tuổi mới thu hái.

Chẳng hạn, một củ tam thất đủ tiêu chuẩn phải đạt độ tuổi 10 năm tuổi trở lên, trên cây có 10 đốt thì mới đào về làm thuốc. Hay như một số cây thuốc khác phải đạt thời gian sinh trưởng lâu thì mới có tinh dầu để dùng chữa bệnh. Nhưng với cách khai thác tận diệt như hiện nay, người dân không cần phân biệt độ tuổi cây thuốc mà đào hết, đào cả rễ, khiến dược liệu gần như cạn kiệt và không duy trì được nguồn dược liệu mới cho tương lai.

Vẫn theo lời lương y Hiến, có thể ví dụ một số loại cây dược liệu quý nay đã tàn kiệt như củ dom. Đây là một loại dược liệu quen thuộc mà người Dao sống dưới dãy núi Ba Vì hay sử dụng. Trước đây, loại củ này xuất hiện rất nhiều ở vùng núi Ba Vì. Trọng lượng mỗi củ có thể lên đến 40 kg. Nhưng đến nay, người ta chỉ tìm thấy những củ nhỏ bằng nắm tay, cùng lắm là có trọng lượng 2 kg.

Lá thuốc được đồng bào thu hái từ trên núi về. Ảnh: Nam Anh.

Vài năm trước bà có mua được một củ dom nặng 25 kg, do người đi rừng tìm thấy ở huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái). Theo bà Hiến, những củ thế bây giờ vô cùng hiếm. Còn ở trên dãy Ba Vì, thì khoảng chục năm trở lại đây, đã không ai tìm thấy củ dom to như vậy nữa.

Gian nan tìm cây thuốc trước nỗi lo tận diệt

Theo lương y Phạm Văn Thiết ở Lào Cai, trường hợp của tam thất, thất diệp nhất chi hoa, khôi đỏ… là ví dụ điển hình. Lương y Thiết cho hay, thời điểm này, trên những cánh rừng sâu và ngọn núi thuộc dãy Hoàng Liên của địa bàn tỉnh Lào Cai, củ tam thất giờ vẫn còn, nhưng rất hiếm.

Có nhiều loại tam thất như tam thất bắc (có nguồn gốc ở Trung Quốc) tam thất nam (tam thất rừng)… nhưng chung quy lại thì độ tuổi khai thác ít nhất phải từ 6 năm mới đảm bảo chất lượng chữa bệnh. Củ càng già, càng nhiều đốt thì giá trị càng cao.

Hay như trường hợp của cây khôi đỏ, một loại dược liệu chuyên chữa bệnh dạ dày phân bố chủ yếu ở vùng núi Hoàng Liên Sơn. Sau thời gian dài khai thác ồ ạt, loài dược liệu này đã gần như cạn kiệt, sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu bốc thuốc, chữa bệnh.

Thu gom nấm trên rừng Lạng Sơn để làm thuốc. Ảnh: Hà An.

Hay mới đây nhất là trường hợp của loại dược liệu có tên “phục linh thiên”. Theo nhiều thầy lang, cách đây vài năm, loại nấm này có nhiều ở vùng núi thuộc hai huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái. Cho đến một số huyện như Mường La, Thuận Châu, Bắc Yên của tỉnh Sơn La.

Chỉ sau 2 năm “nổi lên” vì được quảng bá là chữa được bệnh hiểm nghèo và được thương lái Trung Quốc thu mua, đến nay loại cây thuốc có tên “phục linh thiên” này cũng đã gần như biến mất.

Còn ở khu vực vùng cao xứ Lạng (tỉnh Lạng Sơn), cây thuốc khó tìm nhất là thất diệp nhất chi hoa, đẳng sâm, kê huyết đơn, xuyên khung... dường như đã tuyệt chủng. Theo các thầy lang hành nghề ở xứ Lạng, sau rất nhiều chuyến xuyên rừng kéo dài cả tuần liền, song lượng cây thuốc tìm được rất ít. Và đây chính là lời cảnh báo về sự cạn kiệt nguồn thuốc nam đang hiện hữu.

Trong khi đó, theo lời của nhiều y sĩ y học cổ truyền công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã (Sơn La), thì hiện trên địa bàn có rất nhiều loại cây thuốc đã bị khai thác theo lối tận diệt. Thêm vào đó nạn phát rừng làm nương rẫy, sử dụng thuốc diệt cỏ tràn lan trên các sườn núi, đồi… khiến một số loại thảo dược cũng bị biến mất.

Một số loại động vật làm thuốc như kỳ đà, tê tê, lợn rừng, tắc kè… và thực vật làm thuốc như: trầm hương, quế, thạch xương bồ, thủy xương bồ, sa nhân, bách bộ, cẩu tích, kê huyết đằng, đẳng sâm, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, cát sâm… dường như cạn kiệt.

Có thể kể đến, loại cây thất diệp nhất chi hoa, trước đây vốn được nhiều đồng bào miền núi sử dụng để chữa trị các căn bệnh hiểm nghèo. Theo những thầy lang bản địa, loại thảo dược này chủ yếu phân bố ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, rừng Cúc Phương (Ninh Bình) và một số nơi hẻo lánh ở các tỉnh phía Bắc.

Vẫn theo lời những thầy lang sinh sống trên dãy Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai), cũng chính vì tác dụng kỳ diệu nên loại thảo dược thất diệp nhất chi hoa này đang bị người dân ồ ạt khai thác.

Giá mua vào từ tay của người bản địa đi rừng đã hơn ngót 4 triệu đồng/kg. Trong khi đó, một số lái buôn dược liệu thu mua và bán ra thị trường với giá gần 5 triệu đồng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, để kiếm được những bài thuốc quý này không dễ chút nào.

Một thầy lang ở Ba Vì phơi khô dược liệu. Ảnh: Nam Anh.

Không riêng gì thảo dược thất diệp nhất chi hoa, mà các loại cây thuốc khác cũng rất khó kiếm. Có khi bỏ cả ngày công leo núi xuyên rừng cũng không thấy, nhất là các loại dược liệu ưa sống dưới tán rừng. Các thầy thuốc nam đã phải thuê người bản địa đi khắp các cánh rừng già để tìm cây thuốc nhưng đều rất khó tìm đủ vị thuốc chữa bệnh.

Trước thực trạng các loài dược liệu đang bị khai thác theo lối tận diệt, thầy lang tên Nguyễn Văn Huân (sinh sống tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) bộc bạch: “Chỉ cách đây khoảng vài năm, không ai nghĩ đến cảnh một ngày nào đó, những loại dược liệu vốn mọc bạt ngàn quanh những triền núi cao, trong những cánh rừng… giờ lại khó tìm tới vậy”.

Nhiều bận xuyên rừng với cơm nắm, muối vừng, nhóm người của thầy lang Huân phải di chuyển mất nhiều ngày mới tới được huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) để tìm kiếm, thu gom dược liệu. Tuy nhiên kết quả có được cũng chỉ là một số loại cây được các thầy lang bản địa dùng chữa bệnh, chứ chẳng phải thảo dược quý như tam thất rừng, sâm, phục linh thiên…

Theo lời thầy lang Huân, “cơn bão” dược liệu được người dân tạo thành và càn quét khắp nơi, rừng sâu giờ cũng đầy những dấu chân thầy lang, kín dấu chân người người đổ xô đi săn tìm dược liệu.

(Còn nữa)

MINH QUÂN