Bình Định: Khẩn trương khắc phục hậu quả, chủ động ứng phó trước diễn biến bất thường của mưa lũ
Các lực lượng chức năng tỉnh Bình Định hiện đang khẩn trương khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ ngày 14/11 tại thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát. Đồng thời triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của mưa lũ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của UBND TP Quy Nhơn, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn TP Quy Nhơn bị ngập sâu, ngập cục bộ. Nước chảy mạnh gây xói lở, làm sập một đoạn cống thoát nước công cộng nằm trong khuôn viên khách sạn Hoàng Gia - Quy Nhơn, gây ngập nước đoạn đường Hàn Mặc Tử (phường Ghềnh Ráng); trên đoạn tuyến QL 1D (KV 5, phường Ghềnh Ráng) đã bị sạt lở một phần taluy vách núi đá gây cản trở giao thông; tại khu dân cư thuộc KV 1, phường Đống Đa đã bị sạt lở một phần taluy vách núi đá…
Nhiều khu dân cư ở các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Thuận và Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước) bị chia cắt. Trục đường giao thông chính ở các địa phương trên bị ngập từ 0,3 đến 0,7 m, có nơi lên đến 1 m.
Huyện Phù Mỹ có 1 người chết bà Võ Thị Phụng (70 tuổi, trú tại thôn Mỹ Trang, xã Mỹ Châu) do bị té ngã trong vườn nhà đang bị ngập nước. Sông Bến Trễ (đoạn hạ lưu Cầu Đá 200 m) bị sạt lở bờ hữu gây ngập tràn ao, đìa của của số hộ dân.
Tại huyện Phù Cát, hệ thống kênh mương nội đồng sạt lở, vỡ, lấp khoảng hơn 755m; hệ thống kè, đê sông, suối sạt, vỡ nhiều đoạn, với chiều dài khoảng 1,2 km; trong đó, một số đê ở các xã sạt lở, vỡ nghiêm trọng, cụ thể: Vỡ đê suối Đèo xã Cát Hưng dài 40 m; vỡ đê suối Ông Qườn xã Cát Hưng dài 45 m; Tỉnh lộ ĐT.633 đoạn qua Núi Gành, xã Cát Minh bị đất, đá sạt lở trượt xuống mặt đường…
Hiện các địa phương trong tỉnh tiếp tục rà soát, tổng hợp thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn.
Chiều 14/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế các điểm sạt lở, ngập lụt trên địa bàn TP Quy Nhơn, chỉ đạo huy động phương tiện, nhân lực kiểm tra, nạo vét khơi thông các dòng chảy; kiểm tra các vị trí cầu, cống tiêu thoát lũ. Giao Sở GTVT cùng với Chi cục quản lý đường bộ III.4 (Cục Quản lý đường bộ) và CA tỉnh khẩn trương khắc phục; rào chắn điểm sạt lở trên tuyến QL 1D, đồng thời trực và theo dõi diễn biến, đảm bảo an toàn cho người dân.
Thông báo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh Bình Định cảnh báo: Từ ngày15 ngày 18/11 mực nước trên các sông trong tỉnh có khả năng lên lại và xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ khả năng lên mức báo động 2- 3, có nơi trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất các xã vùng núi các huyện, thị xã và thành phố; sạt lở bờ sông, bờ biển; tình hình ngập lụt tiếp tục xảy ra các vùng trũng thấp, vùng ven hạ lưu các sông, khu nội thành đô thị.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bình Định cũng chỉ đạo các địa phương rà soát các phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó chú trọng vào các điểm xung yếu có nguy cơ triều cường, các điểm có nguy cơ sạt lở để kịp thời di dời dân đến nơi an toàn; huy động lực lượng hướng dẫn người dân đi lại ở các tuyến đường ngập lụt; chuẩn bị phương tiện máy móc gia cố các tuyến đường bị sạt lở đảm bảo giao thông thông suốt.
Hiện thành phố Quy Nhơn đã tiến hành di dời 60 hộ/79 nhân khẩu ở các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt tại Phường Nhơn Phú, phường Đống và phường Nhơn Bình; huyện Phù Cát di dời 36 hộ dân tại Núi Gành xã Cát Minh, huyện Phù Cát đến các nơi tránh trú an toàn.
Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định Đào Đức Tuấn yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trong ngành khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương cử người trực đưa học sinh qua các đoạn đường nguy hiểm hoặc tạm cho học sinh ở tại trường để thông báo cho gia đình học sinh biết, đến đón, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người. Sáng 15/11gần 18.530 học sinh ở 618 lớp của 36 trường từ bậc mầm non đến THCS trên địa bàn huyện Tuy Phước không đến trường do mưa lũ.