Chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế - xã hội: Vừa cần vốn, vừa cần chính sách

H.Vũ 16/11/2021 07:12

Chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đang được Chính phủ xây dựng, dự kiến trình Quốc hội tại phiên họp chuyên đề diễn ra vào cuối năm 2021. Vấn đề đặt ra là tập trung vào đâu để lan tỏa, phát triển và phục hồi.

Dừng giải ngân những dự án không cấp bách

Theo bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 phải gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Bà Mai lưu ý, cần gắn với đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tái cơ cấu kinh tế - xã hội 5 năm đặt trong tổng thể mà Quốc hội đã biểu quyết thông qua, trong đó có việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Theo bà Mai, chương trình phục hồi kinh tế trước mắt ưu tiên thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Vì vậy cần bố trí nguồn lực và kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, đáp ứng phòng, chống dịch. Tính toán quy mô hỗ trợ của chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội tương ứng mức độ độ ảnh hưởng của đại dịch, có phương án huy động phân bổ nguồn lực đảm bảo khả thi hỗ trợ cung và cầu của nền kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, tạo điều kiện phục hồi và phát triển đột phá một số ngành nghề lĩnh vực có cơ hội và tiềm năng lớn.

Nêu quan điểm của mình, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, đầu tiên tất cả các doanh nghiệp (DN) phải tự mình đổi mới sản xuất, tái cấu trúc DN phù hợp với điều kiện tình hình sản xuất kinh doanh mới. Từ đó có thể phát huy được hết năng lực hiện tại của mình để tăng trưởng và phát triển.

Về phía Nhà nước, theo ông Thịnh, ngân sách nhà nước có thể xem xét có các chính sách hỗ trợ về phí và lệ phí, các gói hỗ trợ tín dụng bằng cách hỗ trợ lãi suất thông qua các gói hỗ trợ. Từ đó đẩy tiền vào DN lớn hơn, đáp ứng nhu cầu về vốn của DN trong sản xuất kinh doanh. Lúc đó hỗ trợ của nhà nước sẽ đi vào đúng chủ thể, tiền đi thẳng vào trong sản xuất.

“Hiện nhiều DN đã không còn đủ điều kiện để vay nữa. DN đang sản xuất kinh doanh thì dùng tiền đẩy vào sản xuất kinh doanh. Còn nhiều DN không vay được vì không có tài sản đảm bảo. Giảm lãi suất cho vay nhưng các DN không đủ điều kiện để vay. Cho nên có thể giảm điều kiện cho vay”- ông Thịnh cho hay.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), với những dự án cấp bách có thể thực hiện sớm để đem lại tác động lan tỏa đến nền kinh tế, tạm dừng giải ngân những dự án không cấp bách, sử dụng nguồn tiền đó để phục vụ cho chương trình hồi phục kinh tế.

“Số hóa” quản lý nhà nước

Để phục hồi kinh tế, theo ông Thịnh, vốn chỉ là một phần. Vấn đề quan trọng là làm sao các DN tiếp cận chính sách hiệu quả nhất, chi phí rẻ nhất, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thông thoáng, trôi chảy giữa các vùng miền với nhau. Lúc đó mới có khả năng phục hồi sản xuất. “Nếu vẫn “cát cứ” giữa các địa phương, gây khó dễ, không thông thoáng thì không thể phục hồi”-ông Thịnh nói.

Muốn vậy, vị chuyên gia cho rằng: Cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng số hóa, công khai minh bạch trong sản xuất kinh doanh. Nếu có gì bất cập, qua số hóa, DN có thể phản ánh với cơ quan quản lý để sửa đổi. Như thế đỡ mất công mất sức cho DN, cũng như thuận lợi cho quản lý nhà nước.

“Vừa qua, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có nói chúng ta xét nghiệm để tìm virus nhưng virus cũng “xét nghiệm” lại hệ thống của chúng ta. Nếu không “số hóa” sẽ rất trì trệ. Nếu số hóa, thủ tục hành chính đơn giản, sẽ tạo điều kiện cho DN giảm thiểu chi phí, công sức. Số hóa là điều cực kỳ quan trọng đối với DN và hệ thống công quyền, đảm bảo tính công khai minh bạch trong quản lý cho đến đấu thầu, tạo động lực cho tăng trưởng phát triển trong thời gian tới”-ông Thịnh nhấn mạnh.

Là Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Trần Hoàng Ngân cũng nhìn nhận rằng, cần quyết liệt cải cách bộ máy, thanh lọc đội ngũ công chức cán bộ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ ách tắc để thu hút DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng như giải phóng điểm nghẽn cho những DN có dự án mà chưa được cấp phép. Điều này rất quan trọng bởi tất cả DN đều đang có nhu cầu nối lại các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh bị đứt gãy trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 vốn để lại hậu quả hết sức nặng nề.

Ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ 2, chủ trì cho ý kiến về Đề án chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý các cơ quan soạn thảo đề án phải tính toán kỹ, làm rõ nguồn lực, phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược tổng thể phòng, chống Covid-19; sử dụng đồng bộ, linh hoạt, điều hành nghệ thuật, khoa học chính sách tài khoá, tiền tệ với quy mô, phạm vi, mức độ, lộ trình và thời điểm phù hợp gắn với tăng cường huy động các nguồn lực xã hội. Việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực này sẽ là “vốn mồi” thúc đẩy cơ cấu nền lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

H.Vũ