Nỗi lo đến từ bệnh không lây nhiễm
Bên cạnh Covid-19, hệ thống y tế nước ta cũng đang đối mặt với một gánh nặng khác - gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay.
Chi phí điều trị tốn kém
Bệnh không lây nhiễm là bệnh mạn tính, không lây, tiến triển kéo dài, nhiều trường hợp phải điều trị suốt đời. Các bệnh không lây nhiễm chính là tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư đang được toàn thế giới quan tâm do có tỷ lệ tử vong cao, chiếm tới 75% các ca tử vong những năm 2010 và gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng.
Theo những thống kê mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, mỗi năm có tới 15 triệu ca tử vong do bệnh không lây nhiễm xảy ra ở lứa tuổi từ 30 đến 69. Trong số những trường hợp tử vong do bệnh không lây nhiễm có tới hơn 85% ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
PGS. TS Nguyễn Thị Kiều Anh, Đại học Dược Hà Nội cho biết, bệnh không lây nhiễm phải điều trị và chăm sóc lâu dài, liên tục và suốt đời với tỷ lệ biến chứng, di chứng và tử vong cao. Bệnh gây nên những biến chứng làm ảnh hưởng trầm trọng tới chất lượng cuộc sống, bao gồm: Liệt nửa người, thậm chí là sống đời sống thực vật, mù lòa, suy thận, hoại tử chi phải cắt cụt… Đồng thời, chi phí cho việc điều trị và chăm sóc người bệnh cao. Chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm trung bình gấp 40-50 lần so với điều trị các bệnh truyền nhiễm do điều trị bệnh không lây nhiễm đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc đặc trị đắt tiền, thời gian điều trị lâu, dễ biến chứng. Ngoài ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế, bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ thừa cân, béo phì cao nên sẽ ảnh hưởng đến thẩm mĩ, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống như khả năng hòa nhập với bạn bè, cơ hội nghề nghiệp…
Bên cạnh những căn bệnh nói trên, vấn đề rối loạn tâm thần - một trong những bệnh không lây nhiễm cũng góp phần tạo thêm gánh nặng bệnh tật ở nhiều quốc gia, đặc biệt trong thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 vẫn còn tàn phá trên phạm vi toàn thế giới.
Thống kê của WHO, cứ 6 người ở độ tuổi từ 10 đến 19 thì có một người có các biểu hiện rối loạn tâm thần. Các bệnh lý tâm thần chiếm 16% gánh nặng bệnh tật và thương tật toàn cầu ở người trẻ từ 10 đến 19 tuổi. Khoảng 50% rối loạn tâm thần bắt đầu từ 14 tuổi nhưng hầu hết các trường hợp không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đặc biệt, trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật ở thanh thiếu niên và tự sát là nguyên nhân đứng hàng thứ ba gây tử vong ở trẻ từ 15 đến 19 tuổi.
Với ảnh hưởng từ Covid-19, nguy cơ đến với người mắc bệnh không lây nhiễm càng trở lên cao hơn bao giờ hết, bởi đặc tính của virus SARS-CoV-2 có thể khiến người có bệnh nền có khả năng cao chuyển biến nặng.
Theo dõi sức khỏe để tránh biến chứng nặng
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: “Ở thời điểm Covid-19 bùng phát, người mắc bệnh không lây nhiễm không được tới cơ sở y tế để khám chữa bệnh định kỳ bởi một bộ phận các cơ sở này đóng cửa do có ổ dịch Covid-19. Mặc dù có cơ sở y tế vẫn mở cửa nhưng Covid-19 khiến bệnh nhân phải thực hiện giãn cách xã hội, giao thông bị hạn chế. Trong khi đó, bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm cần đến những cơ sở này để khám bệnh định kỳ, nhận thuốc theo diễn biến bệnh. Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm trở thành bệnh nền cho Covid-19 bởi dịch bệnh này diễn biến ở những người mắc bệnh nền rất nặng dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp… khi nhiễm Covid-19 làm cho bệnh nặng và có nguy cơ dẫn tới tử vong”.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để giúp người mắc bệnh không lây nhiễm có thể bảo vệ bản thân tốt hơn trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp cần hạn chế tiếp xúc với người khác, đồng thời vẫn phải duy trì đều, ổn định chế độ điều trị hiện tại kết hợp với chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý, tránh căng thẳng. Không tự ý ngừng/bỏ thuốc hoặc dùng thêm thuốc khác. Nên có đủ thuốc trong thời gian dài, ít nhất là 1 tháng. Tự theo dõi tình trạng bệnh tại nhà (đo huyết áp, xét nghiệm đường máu mao mạch, dùng máy đo SPO2…) nhưng không do dự việc đi khám nếu đã có các bất thường để tránh biến chứng nặng.
Nếu có bất thường trong quá trình tự theo dõi bệnh tại nhà hoặc lịch khám định kỳ bị hoãn do dịch bệnh, nên xin tư vấn từ xa với nhân viên y tế theo đúng hẹn.
Khi bắt buộc phải đi khám, chữa bệnh, nên đến tuyến y tế cơ sở và phải đặt lịch hẹn trước và thực hiện giãn cách xã hội để bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm đồng thời giảm tải cho cơ sở y tế. Khi đến cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt khi nhiễm Covid-19, cần cung cấp đầy đủ thông tin về phác đồ điều trị bệnh hiện tại hoặc các bệnh lý khác để tránh các tương tác thuốc bất lợi và để hiệu chỉnh liều hợp lý các thuốc điều trị khi phải dùng các thuốc điều trị Covid-19 hoặc các bệnh khác. Tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về dự phòng lây nhiễm Covid-19 để phòng lây nhiễm. Người bệnh hen cần lưu ý tránh các chất tẩy rửa có mùi quá mạnh hoặc có thể gây kích ứng đường thở làm khởi phát cơn hen và không sử dụng khẩu trang khi có cơn hen cấp.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Dịch Covid-19, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi đang diễn biến nguy hiểm, phức tạp, khó kiểm soát đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực còn hạn chế. Đây là một trong những vấn đề y tế trọng tâm của y tế Việt Nam cần chung tay giải quyết trong thời gian tới.