Rác thải, môi trường và cuộc sống người dân
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành lệnh khẩn cấp đầu tư xây dựng công trình nhằm bảo đảm vận hành an toàn Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, tại huyện Sóc Sơn. Theo đó, thành phố sẽ đầu tư xây dựng khẩn cấp 2 công trình phục vụ nâng công suất tiếp nhận rác và xây dựng hồ chứa sinh học phục vụ công tác vận hành bãi rác; tại khu đất xen kẹt 10,5 ha khu phía Bắc giai đoạn 2.
Mục đích của việc xây dựng công trình nhằm tăng khả năng lưu chứa, xử lý nước rác, bảo đảm an ninh môi trường, an toàn, phòng, chống dịch bệnh cho toàn bộ khu vực dân sinh xung quanh. Tổng dung tích hồ chứa khoảng 441.000 m3, trong đó có 2 hồ: Hồ số 1 dung tích khoảng 211.000 m3, hồ số 2 khoảng 230.000 m3. Chi phí đầu tư dự kiến là 79,943 tỷ đồng. Thời gian thực hiện - hoàn thành dự kiến là quý II/2022.
Bãi chứa rác, xử lý rác thải vốn đã là việc “đau đầu” của Hà Nội, nhất là với bãi rác Nam Sơn. Được biết, hiện các vị trí đổ rác tại các ô chôn lấp Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đã hết. Khối lượng nước rỉ rác và mực nước rác tại các hồ chứa đều ở mức cao, gây nguy cơ tràn bờ, mất an ninh, an toàn, dịch bệnh cho khu vực dân sinh xung quanh. Trước đó, trong 2 ngày đầu tháng 11, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đã phải tạm dừng tiếp nhận rác do các hồ hết khả năng lưu chứa nước rỉ rác, dẫn đến rác thải sinh hoạt của thành phố bị ùn ứ, gây mất an ninh môi trường.
Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết: Từ 19h ngày 3/11, Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn đã bắt đầu tiếp nhận rác trở lại với khối lượng tiếp nhận khoảng 1.000 tấn/ngày sau 2 ngày tạm dừng tiếp nhận rác để triển khai các biện pháp kỹ thuật tại các hồ chứa nước rác, thực hiện các phương án phòng, chống thiên tai, lụt bão như: Đắp bờ bao bằng bao tải đất, dự phòng đất tại vị trí phía Bắc hồ sinh học, nắn dòng nước rác về hố tụ, lắp đặt máy bơm tại các hố tụ bơm hồi lưu nước rác về hồ chứa...
Cũng cần nhắc lại, sáng ngày 28/10, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội đã khảo sát về tình hình triển khai các cụm công nghiệp và một số dự án phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã được trao quyết định chủ trương đầu tư, nhưng chậm triển khai. Theo báo cáo, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có 8 cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch được duyệt với diện tích 355 ha. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp và dự án đã được thành lập giai đoạn 2016-2020 nhìn chung còn chậm so với kế hoạch. Cũng vì thế mà câu chuyện tập trung, xử lý rác thải của thành phố tại đây cũng vướng mắc.
Hà Nội có nhiều bãi rác thải, trong đó bãi rác Nam Sơn là lớn nhất. Những ngày đầu tháng 11/2021, theo báo cáo của URENCO, bãi rác Nam Sơn đang tồn đọng khoảng hơn 553.000 m3 nước rỉ rác được lưu chứa tại 5 vị trí, trong đó đa số đã ngang mức hoặc vượt quá cốt thiết kế.
Được biết, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận trung bình khoảng 4.700 tấn rác/ngày; phát sinh lượng nước rỉ rác khoảng 2.800 - 3.000 m3/ngày (chưa bao gồm lượng nước rác phát sinh do mưa). Trên thực tế, tình trạng quá tải ở bãi rác Nam Sơn đã diễn ra nhiều năm qua. Người dân sống quanh khu vực rất bức xúc vì ô nhiễm môi trường, không ít lần đã tìm cách ngăn cản xe chở rác vào đây.
Thực tế thì rác thải, đặc biệt là rác thải của các đô thị lớn là bức thiết, nhất là khi quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, mức tăng dân số cơ học ngày một cao, lượng rác thải mỗi ngày lại một nhiều hơn. Chỉ cần 1 ngày thôi, trong nội đô rác thải không được chuyển đi sẽ ảnh hưởng lập tức tới cuộc sống người dân.
Trở lại với việc bãi rác Nam Sơn của Hà Nội, đã nhiều lần người dân tại đây phản đối và chính quyền thành phố cũng đã phải nhiều lần “ra tay”, nhưng vẫn không thể giải quyết triệt để, người dân và chính quyền vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Với bãi rác không chỉ đổ vào đấy là xong, quan trọng phải là phương án xử lý rác. Khi đã chú trọng việc thu gom, vận chuyển rác thì cũng rất cần đến việc xử lý tại bãi rác. Không thể để nơi này sạch nhưng nơi khác lại ô nhiễm. Vì thế, hy vọng lần này với quyết tâm mới, Hà Nội sẽ giải quyết rốt ráo những tồn đọng ở bãi rác Nam Sơn, từ đó có cách làm hợp lý đối với rác thải - việc tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ chút nào.