Đừng để tín dụng gây lạm phát

H.Hương 16/11/2021 07:17

Giới chuyên gia cho rằng việc giảm lãi suất, cấp tín dụng cho doanh nghiệp (DN) là một biện pháp để hỗ trợ DN nhưng cần nghiên cứu một số lĩnh vực, ngành nghề với sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Bởi nếu không giám sát chặt, cấp vốn tín dụng sẽ là công cụ gây phương hại đến lạm phát.

Lạm phát của Việt Nam đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, không thể chủ quan bởi áp lực lạm phát trong thời gian tới vẫn đang hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến năm 2022. Đặc biệt do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên giá cả hàng hoá trên thế giới gia tăng trong giai đoạn cuối năm 2021 có thể tác động đến Việt Nam trên các góc độ làm gia tăng giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam phân tích, khác với các nước trên thế giới, ở Việt Nam nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh ở các DN chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng cho nên ẩn chứa nhiều rủi ro. Báo cáo của Chính phủ cũng cảnh báo tình trạng áp lực lạm phát và nợ xấu đang gia tăng. Dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, cho nên biện pháp “tiếp máu” cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự “cộng hưởng” giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, chính sách tiền tệ phải thực hiện hai nhiệm vụ chính, là điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, vĩ mô và đảm bảo an toàn, khả năng chi trả của hệ thống.Việc xem xét các công cụ chính sách trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước phải căn cứ trên hai mục tiêu này, đồng thời đảm bảo cân đối lớn của vĩ mô. Với dư địa chính sách, Thống đốc cho rằng, việc đảm bảo chỉ tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% có thể đạt được, nhưng năm 2022 rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn.

Bên cạnh đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, nhiệm vụ thứ hai của Ngân hàng Nhà nước là đảm bảo an toàn, khả năng chi trả của hệ thống. Vừa qua, các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực chứ không phải từ ngân sách. Và khi nợ xấu tăng, các tổ chức cũng phải dùng nguồn lực tự có của mình để xử lý.

Nếu nguồn lực của tổ chức tín dụng suy giảm sẽ ảnh hưởng tới hoạt động, tính an toàn của hệ thống. Bài học từ cuộc khủng hoảng 2008-2009 vẫn còn, nếu tính toán không cẩn thận, rủi ro lạm phát có thể quay trở lại.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc giảm lãi suất, cấp tín dụng cho DN là một biện pháp để hỗ trợ DN nhưng cần nghiên cứu một số lĩnh vực, ngành nghề với sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng.

Với bài học rút ra từ thực tế là phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ để tránh “móc ngoặc” giữa các DN với ngân hàng, hoặc ngân hàng cho các DN “sân sau” vay không đúng đối tượng. Điều đó đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải có một cái “phanh” hãm đúng lúc để việc cấp vốn tín dụng không trở thành hiện tượng gây phương hại đến lạm phát, mất giá trị đồng tiền, cũng như các yếu tố cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

H.Hương