Tăng chất lượng sách giáo khoa: Việc cần phải làm ngay
Vấn đề sách giáo khoa (SGK) có sạn, lỗi đã làm nóng nghị trường Quốc hội cuối tuần qua với nhiều ý kiến về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) - cơ quan phê duyệt SGK.
Trước đó, một số cuốn SGK Tiếng Việt 1 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã từng làm dậy sóng dư luận khi phụ huynh phát hiện hàng loạt sạn trong quá trình cùng con học bài. Gần đây nhất, những ý kiến về tình trạng SGK Khoa học Tự nhiên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có một số bài học thiếu tính khoa học, giáo dục… tiếp tục được ghi nhận. Điều đáng nói, những bộ sách này đều được đưa vào giảng dạy trong thực tế, học sinh đã học SGK có sạn.
Với trách nhiệm của người đứng đầu ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đã có nhiều giải pháp để tăng cường chất lượng SGK. Cụ thể, Bộ GDĐT đã sửa đổi Thông tư 33 quy định về biên soạn, thẩm định và xuất bản SGK, hiện đang lấy ý kiến. Chủ trương biên soạn SGK là Bộ GDĐT giám sát, đồng hành cùng nhóm tác giả ngay từ đầu, không đợi nhóm tác giả, nhà xuất bản mang bản mẫu đến Bộ thẩm định, không chỉ phó thác cho các nhà xuất bản, nhóm tác giả.
Bộ GDĐT cũng sẽ nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn của giáo viên, nhà khoa học tham gia soạn sách. Các tổ chức, cá nhân làm SGK cần phải đăng ký trước. Tiêu chuẩn thành viên trong hội đồng cũng được điều chỉnh. Người tham gia biên soạn sẽ không tham gia hội đồng. Toàn bộ hội đồng thẩm định có thể sẽ được ghi tên vào SGK, cùng chịu trách nhiệm để tăng thêm áp lực…
Riêng về vấn đề thực nghiệm SGK, Bộ trưởng Sơn chỉ ra rằng SGK theo Chương trình 2018 được coi là học liệu, căn cứ để xã hội hóa, triển khai có nhiều bộ khác nhau. Vì vậy, vấn đề là giáo viên sử dụng thế nào, thực hành ra sao để thực hiện được chương trình. Còn tính khoa học, chính xác đúng sai như thế nào thuộc trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quốc gia.
Thông tư 33 hiện hành không nêu tỷ lệ thực nghiệm bao nhiêu %, mà chỉ quy định hồ sơ trình nộp có mô tả về thực nghiệm. Khi sửa Thông tư 33 nhằm tăng cường chất lượng SGK, Bộ nêu mức tối thiểu thực nghiệm là 10%, 15%, 20% cho SGK có đặc điểm khác nhau. Tới đây, vấn đề này sẽ được xem xét hoàn thiện trước khi ký ban hành thông tư.
Như ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), việc phê duyệt SGK là của nhiệm kỳ trước nhưng trách nhiệm quản lý Nhà nước là xuyên suốt. Vì vậy, dư luận đang trông chờ vào sự giải quyết dứt điểm, kịp thời, minh bạch của Bộ về lỗi, sạn trong SGK đã xuất bản. Cần có sự trả lời trước công luận càng sớm càng tốt. Đồng thời, tập thể tác giả, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm lắng nghe, giải trình trước công luận và đưa ra hướng khắc phục.
Trách nhiệm của Bộ GDĐT là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt SGK, trách nhiệm trước hết là của hội đồng thẩm định do Bộ thành lập, đến cơ quan tham mưu của Bộ, lãnh đạo Bộ... cũng phải làm rõ.