Không nên tự đắp lá chữa bệnh
Bệnh viện Nhi Trung ương mới tiếp nhận một trường hợp cháu bé 20 tháng tuổi (ở Thanh Hóa) bị hoại tử nặng vùng đùi, bụng và bộ phận sinh dục, do gia đình tự đắp thuốc lá chữa bệnh cho trẻ.
Gia đình cho biết, bệnh nhi có tiền sử khỏe mạnh, trước khi nhập viện 3 ngày, trẻ mọc nhọt nhỏ ở dương vật kèm theo sưng đau bộ phận sinh dục. Gia đình không cho trẻ đến bệnh viện để thăm khám mà nghe hàng xóm mách, tự đắp lá thuốc vào chỗ nhọt cho trẻ.
Vài giờ sau khi đắp lá, trẻ sốt cao liên tục và được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để cấp cứu. Tại đây, trẻ được chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, hoại tử Fournier (một loại nhiễm trùng có khả năng phá hủy mô tế bào tại bộ phận sinh dục và khu vực lân cận, có tiến triển rất nhanh, tỷ lệ tử vong cao).
Ngày 15/10, sau 10 ngày điều trị tại bệnh viện tỉnh, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị. Ngày 21/10, trẻ được tiến hành phẫu thuật cắt lọc phần hoại tử và một phần vạt da (do vết loét quá rộng), chạy máy áp lực âm để hút dịch, máu, mủ khu vực nhiễm trùng, kích thích các tế bào ở vùng tổn thương phát triển. Hiện tại tình trạng nhiễm khuẩn của trẻ cải thiện hơn, tuy nhiên tiên lượng vẫn rất nặng.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cho biết, dù nỗ lực nhưng vẫn không cứu được ngón chân cho bà Phan Thị Kim H. (75 tuổi, Cam Lập, Cam Ranh, Khánh Hòa). Theo đó, bà H. có tiền sử bệnh đái tháo đường type2, bị một vết thương ở ngón chân cái bàn chân trái.
Ngại đi viện, bà H. chỉ đắp lá. Vết thương ngày càng trầm trọng. Khi bệnh nhân nhập viện, vết thương đã nhiễm trùng hoại tử... Các thầy thuốc đã phải tiến hành tháo bỏ ngón chân cho bệnh nhân. Sau khi cắt bỏ ngón chân, đến ngày 10/6, sức khỏe bà H. dần bình phục.
Giữa tháng 4/2021, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân N.T.L. (64 tuổi, ngụ xã Phú Trung, huyện Tân Phú) bị nhiễm trùng và hoại tử nặng chân phải. Dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng không giữ lại được chân bà L. vì các điểm hoại tử đã loét rộng, nhiễm trùng ở mức nghiêm trọng.
Người nhà bà L. cho biết, khoảng giữa tháng 3, bà L. có biểu hiện đau ở khớp và sưng. Nhưng bà không đến cơ sở y tế để khám mà tin vào lời truyền miệng của người khác tự lấy lá cây đắp vào chỗ đau.
Càng đắp càng sưng to, mưng mủ, rồi lở loét và nhức dữ dội. Đến giữa tháng 4, thấy vết thương trầm trọng bà L. mới đến bệnh viện truyền máu, cấp cứu thì đã muộn, phải cắt chân.
Các bác sĩ khuyến cáo, đắp lá cây vào vết thương là việc làm rất nguy hiểm, có thể khiến vết thương viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra viêm mủ màng tim, áp xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong hoặc để lại những di chứng suốt đời.
Có rất nhiều trường hợp người bệnh, nếu được đưa đến bệnh viện kịp thời khi bệnh mới khởi phát thì việc điều trị rất dễ dàng. Tuy nhiên, do gia đình đưa đến bệnh viện muộn, bệnh đã diễn biến quá nặng nên để lại hậu quả đáng tiếc.
Khi thấy người bệnh có dấu hiệu bất thường, gia đình cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý hoặc nghe theo lời mách bảo của những người không có chuyên môn, đắp các loại lá, loại thuốc không đúng lên vết thương, gây nhiễm trùng, khiến bệnh nặng, khó điều trị và tốn kém chi phí.