Sứ mệnh của trường nghề
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Điều này được cho là để khắc phục những hạn chế của nghị định trước đó (Nghị định số 79/2015 ngày 14/9/2015 của Chính phủ), đồng thời góp phần hoàn thiện khung pháp lý về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Dự thảo Nghị định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính để phòng ngừa, răn đe các đối tượng vi phạm, kể cả xử phạt bằng hình thức “trục xuất” đối với cá nhân là người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính...
Ngoài ra, dự thảo Nghị định sửa đổi mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính đã được quy định tại Nghị định số 79/2015, nhưng không còn phù hợp với thực tiễn, được cho là quá thấp.
Dạy nghề lâu nay vẫn là việc được xã hội quan tâm, trước hết là về hiệu quả của người được đào tạo nghề. Nếu như Bộ Giáo dục-Đào tạo đã và đang tiếp tục chủ trương phân luồng học sinh (sau khi tốt nghiệp THCS, THPT), thì việc dạy nghề (thuộc Bộ LĐTBXH) được coi là nơi tiếp nhận để đào tạo số học sinh vì lý do nào đó mà không tiếp tục học lên đại học. Họ sẽ trở thành thợ - nguồn nhân lực có tay nghề rất quan trọng của xã hội.
Tuy nhiên, việc dạy nghề còn gặp nhiều khó khăn, nhiều năm, nhiều trường không tuyển đủ người học. Ở đây có thể nói là do tâm lý chung của xã hội là con em phải được học lên cao; bằng kỹ sư, bác sĩ, cử nhân được coi là “tấm thẻ” để vào đời. Tâm lý không thể “làm thầy” được thì mới chấp nhận “làm thợ” là khá phổ biến. Vì thế, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” suốt bao nhiêu năm qua vẫn chưa được cải thiện.
Nhưng, chất lượng trường nghề cũng lại là vấn đề nổi cộm. Nhiều nơi vẫn phải đào tạo lại công nhân cho dù họ đã được học ít nhất 1 năm trở lên, vì người học tay nghề kém, không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Cũng vì lo ngại chất lượng của trường nghề mà nhiều thanh niên không học để lấy bằng, mà học nghề trực tiếp tại các cơ sở nhỏ, rồi trở thành lao động tự do, kiếm sống bằng chính tay nghề của mình.
Đáng chú ý, diện bao phủ của việc dạy nghề hiện nay vẫn rất thấp. Cách đây chưa lâu, ngày 4/10, tại hội thảo quốc tế “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong tình hình mới”, do Bộ LĐTBXH phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức, bà Nguyễn Hồng Hà - Đại diện Văn phòng ILO tại Việt Nam cho biết, đến hết quý II/2021, lực lượng lao động của Việt Nam là khoảng 51,1 triệu người, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 26,1%. Số lao động chưa qua đào tạo, chưa được công nhận trình độ kỹ năng là 73,9%. Bà Hà cũng cho rằng việc người lao động thiếu kỹ năng tạo ra nhiều thách thức tiềm ẩn trong việc tiếp cận việc làm.
Trở lại việc Bộ LĐTBXH đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, chắc chắn sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, quan trọng là cần nhận rõ “bức tranh” lao động hiện nay, đồng thời phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong trường nghề, thay vì dành khá nhiều thời gian cho học lý thuyết thì cần chuyển sang trang bị kỹ năng thực hành cho người học. Việc dạy nghề cũng cần nắm bắt xu hướng nghề nghiệp của xã hội, nhất là trong làn sóng công nghiệp 4.0 hiện nay. Trong môi trường đào tạo, hơn đâu hết, trường nghề chính là nơi đào tạo ra thợ giỏi và điều đó phải coi là sứ mệnh của hệ thống trường nghề. Tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm bảo đảm kỷ cương, công bằng; nhưng cũng xin được nhắc lại: Trường nghề phải tạo ra sức hút đối với người học và phải cung cấp cho xã hội lực lượng lao động dồi dào với tay nghề cao.