‘Lỗ hổng’ phân phối vaccine bị phơi bày
Một biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại một số nước khu vực châu Âu đã làm dấy lên nỗi lo mới bởi những thay đổi ở gai protein của nó chưa từng được ghi nhận. Đặc biệt, việc biến thể này được cho là có nguồn gốc từ châu Phi càng minh chứng cho hậu quả của việc bất bình đẳng trong phân phối vaccine.
Biến thể mới chứa đột biến chưa từng ghi nhận
Các chuyên gia Pháp mới đây đã phát hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 mới có tên gọi khoa học là B.1.X hay B.1.640 trong các mẫu bệnh phẩm của nhiều bệnh nhân Covid-19 tại nước này và một số quốc gia châu Âu khác. Qua quá trình giải trình tự gene, các chuyên gia chưa thể gọi tên chính xác của chủng này.
Biến thể B.1.640 được xác định có trong mẫu bệnh phẩm của 24 trường hợp, gồm 18 trẻ em và 6 người lớn, tại một ngôi trường ở vùng Brittany của nước Pháp hồi tháng 10 vừa qua. Sau khi phong tỏa và xét nghiệm khoảng 500 người liên quan, giới chức y tế không phát hiện thêm ca lây nhiễm biến chủng B.1.640. Tình hình dịch tại trường học trên đã được kiểm soát từ ngày 26/10. Tuy nhiên, Cơ quan Y tế Công cộng Pháp cho biết biến chủng B.1.640 vẫn đang được theo dõi chặt chẽ.
Qua quá trình giải trình tự gene, nhóm chuyên gia Pháp nhận thấy B.1.640 không có 3 đột biến tiêu biểu của chủng Delta là E484K, E484Q và L452R, thay vào đó, biến thể này chứa những đột biến chưa từng ghi nhận trước đây. Những dữ liệu ít ỏi mà nhóm chuyên gia có được lúc này là các đột biến nằm ở protein cho phép virus “mở khóa” tế bào để xâm nhập vào cơ thể.
Giáo sư Cyrille Cohen tại Đại học Bar-Ilan (Pháp) nêu rõ, ở biến thể B.1.640, gai protein cho phép virus bám vào tế bào người và lây nhiễm đã bị loại bỏ một số thành phần so với chủng gốc. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa thể xác định được liệu thay đổi này có khiến virus tăng hay giảm khả năng lây lan hay không. Qua truy vết, các nhà khoa học nhận định biến thể B.1.640 nhiều khả năng có nguồn gốc từ châu Phi. Điều này một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về khả năng biến đổi của virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh chưa thể đảm bảo cân bằng nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới.
Nhóm chuyên gia tại Pháp đang cố gắng truy tìm nguồn gốc của chùm lây nhiễm mới. Theo Le Telegramme, trên toàn thế giới, ngoài Pháp, chỉ có khoảng 25-30 trường hợp lây nhiễm biến chủng này. Chúng xuất hiện rải rác ở Vương quốc Anh, Thụy Sĩ, Scotland và Italy. Song, tỷ lệ mắc biến chủng mới tại các quốc gia này vẫn còn khá thấp.
Từ ngày 11/11, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã bổ sung B.1.640 vào danh sách các biến thể đang theo dõi. Đây không phải là lần đầu tiên thế giới ghi nhận các biến chủng SARS-CoV-2 mới. Trong vài tháng qua, hàng trăm đột biến đã xuất hiện trên toàn cầu và gây ra các chùm lây nhiễm lẻ tẻ ở các quốc gia. Tuy nhiên, các bằng chứng hiện tại cho thấy, hầu như không biến chủng nào nguy hiểm như Delta.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu sự thiếu hụt của một số đột biến trong giải trình tự gene của B.1.640 có khiến SARS-CoV-2 lây nhiễm ít đi không hay sẽ khiến nó hình thành chủng mới đáng gờm hơn?
“Lỗ hổng” phân phối vaccine
Vaccine ngừa Covid-19 được coi là giải pháp nhanh chóng chấm dứt đại dịch. Tuy nhiên, vaccine ở châu Phi vẫn khan hiếm do việc tiếp cận vaccine ở châu lục này gặp trở ngại bởi tình trạng tích trữ vaccine ở các nước giàu và hạ tầng y tế tại đây còn yếu kém.
Tính đến cuối tháng 10, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiêm phòng cho phần lớn dân số. Tuy nhiên, tại châu Phi, chỉ khoảng 6% dân số được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Trước thông tin biến thể B.1.640 có thể xuất phát từ châu Phi, GS Cohen lo lắng, sự xuất hiện của nó là minh chứng cho hậu quả của việc bất bình đẳng trong phân phối vaccine. “Một nhóm dân số trên thế giới không được tiếp cận vaccine. Điều này khiến virus tiếp tục nhân lên và tạo ra nhiều biến chủng hơn nữa. Điều đáng lo là chúng ta không biết chúng sẽ nguy hiểm đến mức nào”, GS Cohen nói.
"Nếu một cộng đồng nào trên thế giới còn chưa được tiếp cận với vaccine thì virus sẽ còn tiếp tục biến đổi, tạo ra nhiều biến chủng hơn", GS Cohen cho hay và khẳng định: “Hiện tại, mới chỉ có một vài ca nhiễm B.1.640, nhưng rất có thể trong một tháng tới, biến chủng này cũng không xuất hiện nữa. Song, đó là ví dụ tiêu biểu cho việc cần phải phân bổ vaccine ngừa Covid-19 thật nhanh tới những khu vực đang thiếu thốn”.
Nhà điều phối vaccine ở châu Phi thuộc WHO Richard Mihigo cho biết, hoạt động phân phối vaccine ngừa Covid-19 cho châu Phi đang gia tăng, song các kế hoạch giao vaccine không rõ ràng vẫn là nguyên nhân hàng đầu khiến châu lục này thụt lùi trong công tác tiêm chủng.
Bên cạnh đó, theo ông Michael Worobey, nhà sinh học tiến hóa virus tại Đại học Arizona (Mỹ), mỗi năm vaccine cúm phải được cập nhật vì virus cúm biến đổi và thích nghi để né được khả năng miễn dịch đã có trong cộng đồng. Nếu virus SARS-CoV-2 có những khả năng tương tự, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải áp dụng các chiến thuật tương tự để dồn nó vào chân tường, bằng cách thường xuyên cập nhật vaccine. Nhiều người tin rằng các công ty dược phẩm nên cập nhật vaccine của họ để nhắm vào các phiên bản đột biến của protein gai nhọn trên Covid-19. Nhưng liệu các đột biến mà các nhà khoa học đang thấy xuất hiện ở Covid-19 trên khắp thế giới có thể đem đến manh mối gì về virus sẽ tiếp tục tiến hóa như thế nào hay không?
"Khó mà suy đoán, nhưng điều thú vị là đột nhiên có nhiều đột biến xuất hiện mà có thể liên quan đến khả năng thoát miễn dịch hoặc nhận dạng miễn dịch", ông Brendan Larsen, nghiên cứu sinh đang làm việc với Worobey ở Arizona, nói. Sự xuất hiện lặp đi lặp lại của các đột biến giống nhau ở các biến thể khác nhau đem đến manh mối về những gì đang xảy ra, vì khi virus đã lây qua hàng triệu người, nó có thể đối mặt với những áp lực tiến hóa tương tự như áp lực khiến nó biến đổi theo những cách cụ thể nào đó.
"Tự thân chúng chỉ có khả năng tác động nhỏ. Nhưng khi kết hợp cùng nhau, những đột biến khác nhau này có thể làm cho hệ miễn dịch khó mà nhận ra virus", ông Larsen phân tích. Điều này có thể khiến cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh hai lần và cũng có nghĩa là vaccine cần phải thay đổi.
Giáo sư Cyrille Cohen tại Đại học Bar-Ilan (Pháp) cho biết, nếu tiếp tục không tiêm chủng nhanh cho những quốc gia ở châu Phi, các biến chủng mới sẽ ảnh hưởng diện rộng và chính các nước phát triển cũng sẽ ảnh hưởng bởi dịch bệnh.