Nhiều động lực tăng trưởng
Những diễn biến tích cực của nền kinh tế trong thời gian gần đây cho thấy nhiều kỳ vọng tăng trưởng. Điều đó được thể hiện ở sự hồi phục của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt các đơn hàng xuất khẩu gia tăng…
Doanh nghiệp tăng tốc
Theo báo cáo của Ban Quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX – KCN) TP Hồ Chí Minh (Hepza), hiện đã có 1.355/1.412 doanh nghiệp (DN) hoạt động trở lại (đạt 96% so với thời điểm chưa có dịch) với khoảng 230.000 lao động đang làm việc. Các DN cũng bắt đầu quan tâm đến tăng vốn, mở rộng sản xuất và dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCX-KCN TP Hồ Chí Minh cho biết, tỉ lệ lao động quay lại làm việc đạt 70%. Tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, số DN hoạt động trở lại đạt 100%. Đại đa số DN đang tăng tốc sản xuất để trả các đơn hàng cũ, một số đã có kế hoạch cho đơn hàng mới cho những tháng cuối năm.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP Hồ Chí Minh (Agtex), Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 cho biết, dự trữ các đơn hàng tồn đọng chưa sản xuất còn khá nhiều, đồng thời các đơn hàng mới được bổ sung sẽ giúp các DN dồi dào đơn hàng. Cụ thể, ngay khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách, khách hàng lập tức hối thúc đẩy nhanh tiến độ giao hàng, công ty phải tổ chức tăng ca từ đầu tháng 10. Đến nay, công ty đã giao mấy triệu sản phẩm trả nợ cho khách hàng ở Nhật, Mỹ và giờ đang bắt tay sản xuất đơn hàng mùa đông. Có những DN năng suất cao hơn bình thường. Nhiều DN đã tính đến phương án tăng ca, làm thêm giờ để kịp các đơn hàng.
Còn ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, số liệu đáng mừng là, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 10 tháng năm 2021 của Việt Nam ước đạt 32 tỷ USD, tăng trưởng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, xuất khẩu vải và xơ sợi đạt kim ngạch lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, xuất khẩu xơ sợi 10 tháng ước đạt gần 4,5 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 5,3 tỷ USD đến cuối năm 2021, tăng trưởng 42%.
Xuất khẩu bứt phá
Về tổng thể, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian cách ly xã hội kéo dài, nhưng những diễn biến tích cực được quan sát trong tháng 10 cho thấy tình hình kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện và tăng trưởng được đẩy mạnh trong những tháng tới.
Các ngành năng động nhất là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc và giày dép, sản phẩm cao su và nhựa, kim loại và đồ nội thất, đạt mức tăng trưởng hai con số so với tháng trước. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đã tăng vọt từ 40,2 trong tháng 9 lên 52,1 vào tháng 10, lần đầu tiên vượt ngưỡng trung tính 50.0 trong 5 tháng cho thấy, điều kiện kinh tế được cải thiện đáng kể.
Thông tin từ UBND tỉnh Bình Định cũng cho biết vào thời điểm tuần thứ 2 của tháng 11, Bình Định đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy Sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao cho Tập đoàn KURZ (Cộng hòa Liên bang Đức) tại Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định (thuộc Khu Kinh tế Nhơn Hội) với tổng vốn đầu tư trên 40 triệu USD. Dự án có quy mô diện tích 12 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 40 triệu USD (khoảng 905 tỷ đồng), dự kiến hoàn thiện và đưa vào hoạt động trong quý II/2023. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ vận hành với công suất 15.000 m3/ngày tạo ra các sản phẩm, gồm: tấm phim/decal trang trí và lá dập nóng…
Đó là tín hiệu cho thấy thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang là thế mạnh của Việt Nam. Nói về việc giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cần điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động, bất trắc của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới; đồng thời xây dựng lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài với điều kiện đầu tư, hệ thống pháp luật minh bạch, dễ dự đoán trên nền tảng phát triển nền kinh tế thị trường kết nối toàn cầu bằng các quy tắc của pháp luật.
Giới chuyên gia cho rằng, nền kinh tế đang có những chuyển động tích cực. Song các chính sách vực dậy nền kinh tế cần hướng đến tập trung nguồn lực ưu tiên đến khu vực DN, tạo điều kiện cho khu vực DN phục hồi và phát triển trong đại dịch. Đặc biệt, cần ưu tiên những DN có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến các DN, các khu vực khác của nền kinh tế; các DN hạt nhân của các chuỗi cung ứng. Điều này cũng tạo điều kiện để tạo cầu lao động, hỗ trợ an sinh xã hội, đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng trở lại, thu hẹp khoảng cách với mức đạt được cùng kỳ năm trước với chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 6,9% so với tháng 9, chỉ thấp hơn 1,6% so với tháng 10 năm 2020. Sự phục hồi này phần lớn nhờ hoạt động sản xuất tại TP Hồ Chí Minh và các trung tâm công nghiệp lân cận được khôi phục.