Lan tỏa hình ảnh đất nước qua nghệ thuật múa
Trong nhiều năm qua, việc quảng bá văn hóa Việt ra thế giới được đặc biệt quan tâm thông qua các Tuần văn hóa, Tháng văn hóa Việt Nam ở nước ngoài với nhiều hoạt động liên hoan, triển lãm, trình diễn, giới thiệu văn hóa nghệ thuật..., trong đó có nghệ thuật múa. Tuy nhiên, câu chuyện đặt ra là cần phải biểu diễn thế nào, giới thiệu ra sao để có thể có được nhiều thiện cảm nhất từ bạn bè quốc tế…
Quảng bá theo con đường chính thống
Về nghệ thuật múa, trong nhiều năm nay hầu như các đơn vị nghệ thuật vẫn chọn những tác phẩm sáng tác từ mấy chục năm về trước như một “đặc sản” mỗi khi ra nước ngoài, như: Múa Nón, Múa Ô, Xòe hoa, Roong Chiêng, Múa Sạp…
Theo nhà lý luận Bùi Đình Phiên, đây là những tác phẩm kinh điển của nghệ thuật múa Việt Nam, là những tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, được đánh giá khá cao về chất lượng nghệ thuật qua nhiều thế hệ nghệ sĩ; nên có lẽ lựa chọn những tác phẩm như vậy cũng là một giải pháp an toàn về mặt chính trị cho các đoàn, các đơn vị nghệ thuật; hơn nữa vừa tiết kiệm được chi phí dàn dựng, tập luyện tác phẩm mới cho đội ngũ sáng tạo và nghệ sĩ biểu diễn.
Tuy nhiên, nhà lý luận Bùi Đình Phiên cũng thông tin, có tư duy phản biện rằng, trong khi thế giới vận động không ngừng mà ta cứ mãi thủ cựu trong lối tư duy cũ mòn, cứ mãi “trưng diện” những tác phẩm sáng tạo từ mấy chục năm trước há có phải là một cách giữ gìn bản sắc dân tộc hay, có phải là một cách quảng bá hình ảnh đất nước hữu hiệu hay không? Đó là vấn đề khiến các nhà quản lý nghệ thuật, những người phụ trách về mặt giao lưu, quan hệ quốc tế băn khoăn, trăn trở.
Những năm gần đây trong “Liên hoan Múa quốc tế” do Bộ VHTTDL tổ chức tại Việt Nam hoặc “Liên hoan múa đương đại châu Âu gặp châu Á” do các tổ chức văn hóa nước ngoài tại Việt Nam phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế tổ chức đã có khá nhiều tác phẩm múa của các đơn vị nghệ thuật tham gia sự kiện này. Song, trong những kỳ, cuộc này cũng chỉ mới dừng lại ở những nhận định, đánh giá từ người trong cuộc; còn sức lan tỏa và hiệu ứng quảng bá ra cộng đồng quốc tế ra sao thực sự cũng chưa có những phản hồi xác đáng.
Quảng bá theo con đường tự do
Tác phẩm múa không chỉ được giới thiệu tới bạn bè quốc tế theo con đường chính thống do Nhà nước tổ chức mà còn được quảng bá qua các tổ chức cá nhân hoặc các tổ chức xã hội hóa. Cũng thật thú vị là một số nghệ sĩ đi biểu diễn ở nước ngoài theo diện các tổ chức cá nhân hoặc các show diễn xã hội hóa khi “xuất khẩu” văn hóa ra nước ngoài thường mang các tác phẩm múa theo phong cách đương đại hoặc dân gian, dân tộc đương đại.
Đã có nhiều chương trình múa nhận được nhiều phản hồi tích cực và tạo được mối thiện cảm từ bạn bè quốc tế cũng như công chúng Việt Nam ở nước ngoài như: Vở múa “Sương sớm” của biên đạo Tấn Lộc do Vũ đoàn Arabesque thể hiện. Có lẽ, đây cũng là một “kênh” quảng bá “cân bằng” cho tư duy “an toàn”, giữ nguyên bản địa của những tác phẩm xưa kia của những nghệ sĩ đi theo diện tổ chức Nhà nước.
Tuy vậy, với cách quảng bá “tự do” lại nảy sinh khá nhiều vấn đề như các tác phẩm sáng tác mới của các biên đạo trẻ còn hạn chế về chất liệu văn hóa, thiếu hụt nền tảng của bản sắc, phong cách Việt cũng gây quan ngại, lo lắng cho việc giữ gìn hình ảnh quốc gia, dân tộc.
Theo Biên đạo, NSƯT Văn Dũng - Đoàn Văn công Hải quân: Rõ ràng, câu chuyện quảng bá ở đây không phải là chuyện tác phẩm sáng tác mới, công phu hoành tráng hay tác phẩm sáng tác từ lâu đời. Bởi hiện nay có những điệu múa sáng tác công phu, rất đông vũ công biểu diễn hoành tráng, tưởng là đổi mới nhưng chưa chắc đã gây ấn tượng sâu đậm bằng một điệu múa Chăm-pa hoặc một vài động tác múa đơn giản của các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc hay Tây Nguyên.
Bản sắc và cái độc đáo của nghệ thuật dân tộc Việt Nam là ở chỗ đơn sơ, mộc mạc mà thuần chất, đậm đà sắc thái văn hóa dân tộc. Cái chính là làm sao khai thác được hồn cốt, đặc trưng văn hóa để phát triển trong từng sáng tạo tác phẩm chứ không phải hiện đại hóa nghệ thuật cho mới lạ và hoành tráng, không phải phức tạp, trừu tượng hóa tư duy nghệ thuật.
Vấn đề quảng bá hình ảnh quốc gia, dân tộc theo hình thức nào, hướng đi nào, quảng bá theo con đường chính thống do Nhà nước tổ chức hay theo con đường tự do, xã hội hóa; quảng bá trên nền tảng kỹ thuật số; hoặc dẫu cho có sáng tác theo hình thức, phong cách dân tộc, dân gian hay hiện đại, đương đại đều rất đáng hoanh nghênh và khích lệ. Nhưng điều quan trọng mà những nhà chuyên môn và công chúng quan tâm chính là làm sao giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa, là lan tỏa được hình ảnh quốc gia, dân tộc trong từng tác phẩm nghệ thuật của nước nhà.
Tiếp thu hình thức quảng bá nghệ thuật của nhiều nước trên thế giới, trong những năm gần đây, nước ta cũng đã có một số show diễn được biểu diễn định kỳ tại các địa điểm du lịch nổi tiếng của đất nước, như: “Ký ức Hội An” tại phố cổ Hội An, “Tinh hoa Bắc Bộ” tại Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội; “Vũ điệu trên mây” tại Sa Pa… bước đầu hấp dẫn du khách quốc tế và dần trở thành nét văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam. Nhiều chuyên gia văn hóa nhận định, hình thức kết hợp du lịch với văn hóa nghệ thuật này sẽ là một kênh quảng bá văn hóa nghệ thuật của đất nước và thu hút, hấp dẫn khách quốc tế cần được phát huy.