Dạy thêm, học thêm nhu cầu hay vấn nạn - Bài 1: Học online hổng kiến thức đến học thêm online

Nguyễn Hoài 17/11/2021 10:48

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh hầu hết các tỉnh thành vẫn đang tiếp tục học trực tuyến kéo dài. Tuy nhiên, tình trạng dạy thêm, học thêm không vì thế mà tạm ngừng.

Dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng trầm trọng tới mọi mặt, trong đó có giáo dục. Chưa bao giờ, trường học phải đóng cửa, học sinh không được đến trường học tập trong một thời gian dài như hiện nay. Hiệu quả từ việc học online không được như mong muốn, nhiều phụ huynh sốt sắng tìm kiếm lớp học thêm online, gia sư dạy kèm online cho con để vá lỗ hổng kiến thức.

Học online hiệu quả tới đâu?

Học kỳ I của năm học 2021-2022 đã đi qua quá nửa chặng đường nhưng do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, học sinh tại một số địa phương vẫn đang tiếp tục duy trì việc học trực tuyến. Thay vì đến trường học trực tiếp, thầy cô và học trò gặp nhau, giao tiếp với nhau qua màn hình máy tính, điện thoại thông minh có kết nối internet trong 5 ngày/tuần.

Suốt 2 năm qua, dạy và học online trở thành phương thức quen thuộc hằng ngày của giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, chất lượng dạy học online, khả năng con tiếp thu từ phương thức học tập này đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng, đặc biệt là phụ huynh có con học bậc tiểu học.

Trên một diễn đàn giáo dục, nhiều phụ huynh cho biết hiệu quả việc học online chỉ đạt 50%.

“Cha mẹ đánh giá học trực tuyến hiệu quả được bằng bao nhiêu phần trăm so với học tại trường?”, câu hỏi của một phụ huynh đăng trên một diễn đàn giáo dục thu hút hàng trăm câu trả lời bình luận của các bậc phụ huynh. Bên cạnh nhiều ý kiến cho rằng: Học online là giải pháp tốt nhất hiện nay, hiệu quả với những học sinh ham học, hạn chế việc phải di chuyển đưa đón con đi học thì không ít phụ huynh, nhất là phụ huynh có con học bậc tiểu học bày tỏ, kiến thức con tiếp thu được từ việc học online chỉ bằng 50% so với học trực tiếp trên lớp, thậm chí có phụ huynh còn chia sẻ rằng: “Hiệu quả chỉ đạt 30%, quá tệ luôn”.

Con trai chị Nguyễn Hương Ly (quận Long Biên, Hà Nội) năm nay học lớp 1. Trò chuyện với chúng tôi, chị Ly kể chuyện vui rằng, cách đây ít ngày, vợ chồng chị cho con đi ăn sáng. Bất ngờ con trai chị Ly khoe với bố mẹ: “Con đọc được chữ ở cửa hàng này rồi đấy”, vừa nói thằng bé vừa đọc chữ ở biển hiệu cửa hàng: “Bánh cuốn nóng”. Câu nói đơn giản của con nhưng lại khiến vợ chồng anh chị mừng râm ran suốt cả ngày hôm đấy.

Chị Ly cho hay, hơn 3 tháng nay, mỗi lần dạy con học, chị Ly mệt ngang đi “đánh vật”. Dù đã gần kết thúc một học kỳ của năm học mới nhưng đến thời điểm này, con chị Ly chưa thể ghép được hết vần, đọc rất kém, nét chữ thì nguệch ngoạc nên khi thấy con tự đọc trôi chảy dòng chữ ở quán ăn, chị thở phào.

“Học sinh lớp 1, 2 thường không thể tập trung quá 30 phút trước màn hình máy tính, chưa kể, học online con tương tác kém với cô giáo. Nhiều khi con tôi muốn hỏi cô nhưng lại sợ. Dù cô giáo đã cố gắng bằng nhiều cách giúp các con tiếp thu bài mới, ôn tập bài cũ nhưng qua theo dõi tình hình học tập ở lớp con tôi, tôi thấy tình trạng các con hổng kiến thức không ít. Nếu vẫn kéo dài tình trạng này, tôi rất lo lắng”, chị Ly chia sẻ.

Học online tuy là phương thức dạy học hữu hiệu nhất trong điều kiện chống dịch hiện nay tuy nhiên không phủ nhận, chất lượng dạy và học online đang rất hạn chế. Đặc biệt, đối với học sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, có nhiều em đến thời điểm này điều kiện, trạng thiết bị học tập còn khó khăn thì hiệu quả học tập có sự chênh lệch rất lớn so với học sinh thành phố.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, thầy Trần Hoàng Thượng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) thẳng thắng nhìn nhận, với điều kiện vùng nông thôn như huyện Đô Lương, hiệu quả học trực tuyến không cao. Bởi nhiều học sinh còn khó khăn trong điều kiện học trực tuyến, trong khi đó khi học online, việc tương tác giữa thầy và trò hạn chế nên học sinh hổng kiến thức là điều không thể tránh khỏi.

Theo thầy Thượng, do là địa phương vùng xanh nên hiện nay học sinh huyện Đô Lương đã được đến trường học trực tiếp. Đối với học sinh tiếp thu kiến thức từ việc học online hạn chế, nhà trường tập trung ôn tập, củng cố kiến thức cho các em.

Sốt sắng tìm lớp học thêm online

Có thể thấy, ảnh hưởng rõ rệt của việc dạy học online đến tâm lý, kiến thức của học sinh, trong đó những em học sinh bậc tiểu học và cuối cấp các lớp 9, 12 là bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Hiệu quả từ việc học online không được như mong muốn, nhiều phụ huynh sốt sắng tìm kiếm lớp học thêm online, gia sư dạy kèm online cho con để vá lỗ hổng kiến thức. Chị Lưu Thảo Trang, có con học lớp 3, Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, năm học này, con chị học sa sút hơn hẳn. Thấy con học lơ mơ chị đã ngỏ ý gửi gắm cô giáo ở lớp kèm thêm cho con nhưng cô không nhận lời nên chị phải lên mạng xã hội tìm lớp học thêm online cho con.

“Việc học online với con tôi thực sự không hiệu quả. Nếu không tìm cách bổ trợ kiến thức thì con rất dễ bị mất gốc. Qua giới thiệu của bạn bè, tôi đăng ký cho con học thêm môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh vào các buổi chiều, mỗi buổi 100.000 đồng. Dù hiệu quả chưa rõ rệt nhưng tôi cũng cảm thấy yên tâm hơn”, chị Trang chia sẻ.

Hiệu quả của việc học online không cao, nhiều phụ huynh sốt sắng tìm lớp học thêm online cho con trên các diễn đàn.

Con gái anh Phạm Hoàng Giang (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) học lớp 7. Theo anh Giang, không chỉ có môn Toán mà môn Vật Lý, con anh học cũng rất lơ mơ. Lo con không đạt kết quả cao trong kỳ kiểm tra kết thúc học kỳ I, anh Giang đang gấp rút tìm gia sư online cho con.

Anh Giang cho hay: “Nếu chương trình học online chính khóa đảm bảo thì phụ huynh cũng không việc gì phải bắt con học thêm cho vất vả, bản thân chúng tôi cũng không phải tốn thêm tiền triệu vào việc học thêm của con”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nắm bắt nhu cầu của phụ huynh, nhiều lớp dạy thêm online đang nở rộ. Thậm chí dù đã có chỉ đạo cấm dạy thêm online trong mùa dịch nhưng vẫn có giáo viên vi phạm dẫn tới bức xúc cho phụ huynh. Chị Nguyễn Hoài P. (quận Tây Hồ, Hà Nội) phản ánh rằng, để “đối phó” với lệnh cấm dạy thêm, học thêm online, giáo viên gửi tin nhắn và xin ý kiến phụ huynh dưới hình thức “tham gia tự nguyện”. Dù biết việc học thêm online sẽ tạo thêm áp lực cho con nhưng vì muốn chiều lòng giáo viên nên chị “tặc lưỡi” đăng ký cho con tham gia.

Tâm lý của chị P. cũng giống như nhiều phụ huynh khác. Dù đã được nhắc tới nhiều nhưng tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại và diễn ra dưới nhiều hình thức. Trong khi học sinh phải tạm dừng đến trường chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến để phòng, chống dịch thì tình trạng dạy thêm, học thêm không vì thế mà tạm dừng, trái lại còn nở rộ và cũng chuyển trạng thái từ trực tiếp sang trực tuyến qua các lớp học online dẫn tới khó kiểm soát.

Tại phiên chất và trả lời chất vấn của Quốc hội vừa qua của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, vấn đề dạy thêm, học thêm lại một lần nữa được các đại biểu đưa ra tranh luận, bày tỏ quan điểm sôi nổi, khách quan trên nhiều khía cạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Công Long, trong điều kiện dạy học trực tuyến như hiện nay phải cấm dạy thêm online vì lợi ích của các cháu. Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng, vấn đề dạy thêm, học thêm chúng ta chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề; không nên có tư duy như cũ, là cái gì không quản được thì cấm mà nên đánh giá tác dụng của dạy thêm trong đời sống như thế nào?

Nguyễn Hoài