Nguy cơ ‘vỡ trận’, châu Âu siết tiêm chủng

Hà Anh 18/11/2021 09:51

Khi mùa đông đang đến gần và số ca Covid-19 tăng nhanh trở lại khắp châu Âu, một số nước bắt đầu áp dụng lệnh hạn chế, nhắm vào bộ phận dân số từ chối vaccine. Đây là những biện pháp cần thiết để đưa châu Âu một lần nữa vượt qua sự bùng phát của đại dịch.

Người chưa tiêm chủng “nếm trái đắng”

Sau những nỗ lực khuyến khích tiêm chủng không thành công như mong muốn, các nước châu Âu buộc phải dùng các biện pháp mạnh, siết hạn chế với những người quyết bài xích vaccine. Giới chuyên gia y tế nhận định nhóm người này là tác nhân thúc đẩy làn sóng dịch mới nhất, xóa tan kỳ vọng hồi phục kinh tế và đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng vào nguy cơ "vỡ trận".

Đức có thể sẽ áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn đối với những người chưa được tiêm chủng đầy đủ. Theo đó, người dân sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính để sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt hoặc tàu hỏa.

Trong tuần qua, ba đảng chính trị đang đàm phán xây dựng chính phủ liên minh tại Đức đã thống nhất siết chặt quy định quản lý người chưa tiêm chủng. Xét nghiệm được đề xuất là yêu cầu bắt buộc khi vào nhiều sự kiện và địa điểm, áp dụng cả với người đã tiêm đủ hai mũi. Một số bang còn mạnh tay hơn, yêu cầu người dân mang khẩu trang trở lại và trình chứng nhận tiêm chủng khi đến nơi công cộng.

Đến nay, chỉ có khoảng 2/3 người Đức đã được tiêm phòng đầy đủ - một trong những tỷ lệ thấp nhất ở Tây Âu - trong khi các ca mắc mới Covid-19 đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Đức hiện có trung bình 40.000 ca mắc mới mỗi ngày, tỷ lệ cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu và hơn gấp đôi so với hồi đầu tháng 11.

Làn sóng lây nhiễm Covid-19 ở Đức chủ yếu ảnh hưởng đến các khu vực phía Nam và phía Đông của đất nước, nơi có tỷ lệ tiêm vaccine thấp hơn các vùng còn lại. Nếu các biện pháp nghiêm ngặt trên được thực hiện, nước Đức có thể xích lại gần hơn với nước láng giềng Áo.

Trước đó, Áo là nước mới nhất áp dụng biện pháp trừng phạt những người không tiêm chủng. Sau nhiều lần thuyết phục bất thành, chính phủ Áo quyết định cấm người trên 12 tuổi chưa tiêm vaccine ra khỏi nhà, trừ mục đích thiết yếu gồm đi học, đi làm, mua nhu yếu phẩm và chăm sóc y tế.

"Nhiệm vụ của chính phủ là bảo vệ nhân dân Áo. Chúng tôi đang làm đúng trách nhiệm", Thủ tướng Áo - Aexander Schallenberg tuyên bố và giải thích rằng, ông buộc phải hành động khi số ca mắc Covid-19 của nước này đã tăng tới 134% trong hai tuần qua.

Theo giáo sư Eva Schernhammer thuộc Đại học Y Vienna, những quy định hạn chế mới tại Áo nhằm "hạn chế đáng kể tiếp xúc giữa người đã tiêm chủng và người chưa tiêm chủng".

Nhiều nước châu Âu cũng chọn hướng đi tương tự, siết chặt kiểm soát dịch tễ đối với người không tiêm vaccine và buộc họ thay đổi quan điểm nếu muốn cuộc sống trở lại bình thường như mọi người. Giới chức châu Âu cho rằng hành động mạnh tay là quyết định cần thiết để ngăn chặn kịch bản xấu nhất.

Nước Anh quan tâm đến mũi vaccine thứ 3

Trong khi nhiều nước đẩy mạnh các biện pháp siết tiêm chủng, vẫn có một số lãnh đạo phương Tây không mặn mà với chính sách tiêm chủng bắt buộc, nổi bật là Thủ tướng Anh Boris Johnson. Anh đã ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh trong vài tuần qua, nhưng chính phủ chưa tái áp đặt quy định khẩu trang hay thẻ xanh vaccine.

Thủ tướng Anh khẳng định chính phủ của ông vẫn theo đuổi mô hình tiêm chủng tự nguyện. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine, kêu gọi người trên 40 tuổi tiêm mũi tăng cường và thanh thiếu niên 16-17 tuổi tiêm mũi hai.

Thủ tướng Johnson vẫn lo sợ "bão tố đang ập đến châu lục" và sớm muộn sẽ lan đến Anh. Mối lo “mùa đông Covid-19” đang bao trùm giới hoạch định chính sách trên lục địa già, khi làn sóng lây nhiễm bùng phát ngay sát các nước Tây Âu.

Thủ tướng Johnson khẳng định, mũi vaccine tăng cường sẽ sớm được yêu cầu tại Anh. "Tiêm mũi vaccine thứ 3 sẽ trở thành một yêu cầu quan trọng vì cuộc sống của chính bạn. Chính phủ sẽ phải điều chỉnh các nhìn nhận về một người được coi là tiêm chủng đầy đủ", Thủ tướng Johnson nói.

Biện pháp này cũng đã được thực hiện ở Pháp, nơi các ca mắc mới đang nhích dần lên. Trong tuần này, Pháp đã đưa ra các quy định nhập cảnh chặt chẽ hơn đối với những du khách chưa được tiêm phòng từ 16 quốc gia thuộc EU.

Pháp đã tuyên bố các trường tiểu học phải áp dụng lại quy định khẩu trang. Theo số liệu chính thức, số ca nhiễm hàng ngày tại Pháp tăng gấp đôi so với đầu tháng 10, từ 4.000 lên 8.000 ca/ngày. Chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron yêu cầu mọi công dân trên 65 tuổi phải tiêm mũi tăng cường để tránh bệnh nặng khi nhiễm Covid-19 từ ngày 15/12.

Hà Anh