Những người ‘thắp lửa’ ở khu dân cư
Hơn 100 nghìn khu dân cư trên cả nước luôn có bóng dáng của họ - cán bộ Mặt trận - vẫn thầm lặng trong cuộc sống thường ngày nhưng chưa khi nào vơi cạn ngọn lửa nhiệt tình với công tác cộng đồng, làng xã. Họ chính là những người thắp lên ngọn lửa của tinh thần đại đoàn kết ở các khu dân cư, tô thêm sắc màu cho bức tranh Mặt trận sau 91 năm ngày càng sâu đậm, ngày càng tươi mới.
“Nhạc trưởng” ở khu dân cư
Là cán bộ dân vận lâu năm, nghỉ hưu, trở về quê nhà làm Bí thư chi bộ - Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố Hợp Tiến (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), ông Phạm Hữu Thi có nhiều lợi thế để tuyên truyền, vận động người dân tham gia các phong trào thi đua. Người dân nơi đây ví ông như một vị “nhạc trưởng” tài ba.
Ông Thi cho biết, năm nay, ông cùng cán bộ cốt cán tổ dân phố Hợp Tiến vận động một hộ dân trong tổ xây dựng một mô hình trồng cây trong nhà lưới, làm 1,5km đường bê tông, 135m mương thoát nước, vận động nhân dân hiến 300m2 đất. Đặc biệt, người dân trong tổ đã đóng góp hơn 85 triệu đồng để xây dựng các công trình, sửa chữa nhà văn hóa, ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các hoạt động xã hội khác.
Người “nhạc trưởng” Phạm Hữu Thi không chỉ tích cực vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua mà ở tổ dân phố, mỗi khi gia đình nào có chuyện bất hòa, ông Thi đều có mặt để kịp thời hòa giải. “Năm qua, chúng tôi đã tham gia hòa giải thành công 4 vụ việc, trong đó có 3 vụ liên quan đến tranh chấp đất đai, 1 vụ về mâu thuẫn gia đình” - ông Thi cho biết.
Có vụ việc tranh chấp đất đai giữa anh em trong gia đình kéo dài tới 6 năm, chính quyền địa phương đứng ra giải quyết nhiều lần nhưng không thể hóa giải. Tham gia quá trình vận động, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, ông Thi cùng cán bộ cốt cán trong tổ tập trung phân tích, nhấn mạnh đến vấn đề tình cảm cũng như diễn giải về tính pháp lý, nguồn gốc đất. Nỗ lực hòa giải của ông Thi cùng cán bộ địa phương giúp gia đình nhận ra, việc tranh chấp sẽ ảnh hưởng đến tình cảm anh em ruột thịt. Cuối cùng, vụ việc cũng êm thấm.
Ông Thi không nề hà bất cứ việc gì, ở đâu có phong trào, ở đó có ông trong vai trò “nhạc trưởng”. Ông còn được người dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân phường Thạch Linh nhiệm kỳ 2021-2026.
Để xóm làng “trong ấm, ngoài êm”
Ông Đỗ Khắc Tú, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Trà Đông (xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) chia sẻ, làm cán bộ Mặt trận ở khu dân cư có rất nhiều việc nhưng việc ông quan tâm, coi trọng nhất là hòa giải những mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng.
Ông Tú nhớ lại, cách đây chưa lâu, do tranh chấp mốc giới bờ ao, giữa gia đình bà M. và gia đình Kh. là em rể xảy ra cãi vã, xô xát, bà M. còn có đơn thư tố cáo tới chính quyền, không khí trong gia đình và cộng đồng thôn xóm rất căng thẳng. Trong bối cảnh ấy, các thành viên Tổ hòa giải của thôn đã gặp mặt 2 gia đình để nắm rõ sự tình. Nhận thấy sự việc có thể được giải quyết thông qua hòa giải, chi bộ, Tổ hòa giải thôn đã bàn bạc, tìm hướng giải quyết, đến gặp gỡ, nói điều phải trái, rằng “mấy mét ao rất quý nhưng không quý bằng tình anh em”. Cuối cùng, cả hai gia đình vừa là chị em cũng nhận ra “điều hơn lẽ thiệt” và cái mốc bờ ao giữa 2 nhà được cắm lại trên tinh thần “chị có thiệt thì cũng là thiệt để cho em, em có thiệt thì cũng là để cho chị”.
Rồi nữa, khi thôn làm đường, họp bàn, thống nhất phương châm xóm làng cùng hiến góp đất để mở rộng. Tuy nhiên, có gia đình ông D. và gia đình ông K. không đồng thuận, khiến công trình không thể triển khai.
Ngoài tuyên truyền, vận động, Tổ hòa giải thôn lần lượt cử thành viên là Chi hội trưởng Hội phụ nữ, Hội nông dân, cả bậc cao niên trong thôn tới từng nhà phân tích thiệt hơn, giúp 2 gia đình hiểu rõ lợi ích của con đường khi được mở rộng, việc góp đất làm đường vừa mang lại lợi ích chung cho cả thôn vừa cho chính các gia đình hiến đất, không hề mất đi đâu, cuối cùng cả gia đình ông D. và ông K. cùng đồng thuận.
Từ thực tiễn ở địa phương, ông Tú chia sẻ, mâu thuẫn, xích mích trong gia đình, cộng đồng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu được nắm bắt, hòa giải, tháo gỡ kịp thời thì hoàn toàn có thể được hóa giải, chuyện lớn thành chuyện bé, chuyện bé không thành chuyện, giúp gia đình, xóm làng luôn trong ấm ngoài êm, xã hội không phải mất nhiều thời gian, công sức giải quyết, ngược lại sẽ rất phức tạp, hậu quả khó lường.
Theo ông, muốn làm tốt công tác hòa giải, cán bộ hòa giải cơ sở phải có uy tín, hiểu biết pháp luật, đạo lý, có phương pháp khéo léo, kết hợp hài hòa giữa lý và tình…
Hạt nhân trong phòng, chống dịch
Dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nhanh, khiến cho nhiều địa phương không kịp trở tay. Nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, hình ảnh những cán bộ Mặt trận ngày đêm đi từng ngõ, gõ từng nhà để hỗ trợ người khó khăn đã in đậm trong tâm trí của người dân Thủ đô.
Từng bị cách ly ở nhà do vô tình tiếp xúc với F1 trong một lần đi hỗ trợ gạo cho bà con trong đợt giãn cách, ông Ngô Ngọc Hiển, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Mai Động, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, trong thời điểm dịch bùng phát ai cũng có thể bất ngờ trở thành F, vừa ảnh hưởng đến công việc, vừa ảnh hưởng đến gia đình.
Được biết, phường Mai Động chính là địa bàn xây dựng những “vùng xanh” (vùng an toàn) đầu tiên của Hà Nội, bằng việc kiểm soát chặt chẽ người ra vào. 34 Tổ dân phố quyết trở thành 34 “pháo đài xanh”. Mỗi Tổ dân phố đã tổ chức ít nhất một chốt. Mỗi chốt phải huy động gần chục người thay ca nhau kiểm soát. Mới nghe thì đơn giản, nhưng để huy động mấy trăm con người lên “tuyến đầu” phòng dịch, cần sự tham gia của cộng đồng, sự gương mẫu của cán bộ Mặt trận.
Trong quá trình tổ chức phòng, chống dịch ở địa phương, ông Hiển còn phối hợp với Trưởng ban Công tác Mặt trận của các tổ dân phố đến từng nhà trọ, từng người dân gặp khó khăn để hỗ trợ gạo và các nhu yếu phẩm thiết yếu. Không dừng lại ở đó, ông Hiển còn linh hoạt vận động các chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê trọ cho người khó khăn.
Ông Hiển cho biết, trong những ngày Hà Nội giãn cách, với những người gặp khó khăn thì cái ăn đã có cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể lo giúp. Còn chỗ ở phụ thuộc vào các chủ nhà cho thuê. Nhưng do kiên trì thuyết phục, cái tình, cái lý của người Mặt trận đã khiến hầu hết các chủ nhà trọ đồng lòng. Có địa bàn, tổng số tiền các chủ nhà trọ miễn, giảm lên tới hơn 100 triệu đồng.
“Chống dịch như chống giặc” là một khẩu hiệu giàu ý nghĩa. Giúp mọi người nêu cao tinh thần chống dịch. Tinh thần đó chính là sức mạnh của sự đồng lòng, sự đoàn kết. Và chính sức mạnh ấy đã giúp chúng ta vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc chiến này”- ông Hiển nói.
Cần những chính sách đãi ngộ hợp lý
Theo bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, hiện nay, vị trí, vai trò của MTTQ trong hệ thống chính trị ngày càng được đề cao, phạm vi hoạt động ngày càng mở rộng, nhiệm vụ cũng đa dạng cho nên khối lượng công việc cần thực hiện rất lớn.
Để đáp ứng yêu cầu đặt ra, đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, đặc biệt là cán bộ Mặt trận cơ sở đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về địa bàn dân cư. Toàn thành phố có hơn 4.000 cán bộ Mặt trận cấp cơ sở, trong đó chiếm 73% là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận.
Hàng ngày, hàng giờ họ phải xử lý một khối lượng công việc rất lớn. Vừa đi tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, vừa kêu gọi ủng hộ các loại quỹ, rồi vận động nhân dân xây dựng đời sống mới… Để người dân hiểu, cán bộ Mặt trận phải căng mình làm việc, đi từng ngõ, gõ từng nhà.
“Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của cán bộ Mặt trận cơ sở, Trung ương và thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ nhưng để “giữ chân” họ thì cần thêm những chính sách đãi ngộ hợp lý, dài hơi hơn để họ yên tâm cống hiến, yên tâm công tác, phục vụ cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc”- bà Hương nói.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam: Cơ sở là nơi giải quyết mọi vấn đề dân sinh
Cán bộ cơ sở nói chung, đặc biệt là cán bộ Mặt trận cơ sở là nơi đưa chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trực tiếp đến với dân. Cán bộ Mặt trận cơ sở cũng là người thu thập ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, nhận xét của nhân dân đối với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Có thể nói trong các cấp Mặt trận thì cấp cơ sở luôn vất vả nhất. Các cấp kia đều là cấp chỉ đạo hoặc truyền đạt còn cấp cơ sở là cấp trực tiếp thực hiện. Tôi thường hay tổng kết cán bộ Mặt trận là “cán bộ thở không ra hơi, bơi không hết việc, liếc không hết công văn, ăn không đủ, ngủ không yên, 24 giờ liên miên, tất cả vì việc dân việc nước”.
Đặc biệt, đối với Mặt trận, cán bộ cơ sở là nơi giải quyết mọi vấn đề về dân sinh, dân chủ, dân trí thành ra đa phần cán bộ cơ sở là “cơm nhà, áo vợ, việc dân”. Sự quan tâm ở cấp trên nhiều khi chưa đúng mức với sự cống hiến của họ. Mặc dù trong nhiều năm qua Mặt trận đã đề nghị các chính sách, khen thưởng cán bộ cơ sở, được Đảng, Nhà nước chấp nhận một phần nhưng thế vẫn là chưa đủ. Qua đây tôi đề nghị với Đảng, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa vì cách mạng xét cho cùng từ cơ sở mà lên. Do đó, cần đánh giá đúng đội ngũ cán bộ cơ sở để có sự đối xử một cách thích đáng đối với họ.
Ông Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ cơ sở hoàn thành nhiệm vụ
MTTQ Việt Nam các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở có vai trò rất quan trọng trong điều kiện chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, đang triển khai, đề cao dân chủ trong một xã hội. Với vai trò giám sát và phản biện thì không có một nơi nào sát hơn, gần hơn đấy chính là Mặt trận cơ sở. Cơ sở là sát với cuộc sống. Cuộc sống của bất kỳ ai cũng gắn liền với cơ sở. Đó là về với nơi mình sinh sống. Phẩm chất, đạo đức, lối sống cũng được biểu hiện ở chính cơ sở. Vai trò của Mặt trận cơ sở rất quan trọng trong giám sát và phản biện.
Trong giám sát thì có lẽ không ở đâu sát hơn là Mặt trận ở cơ sở. Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, mọi việc tốt hay không tốt đều bắt đầu từ cơ sở và hoàn thành sứ mệnh cách mạng là nhân dân. Cho nên theo tôi phải đề cao vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở cơ sở. Trong điều kiện phát triển mới, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng lớn. Trong đó, thách thức lớn nhất là làm sao xây dựng Đảng phải trong sạch, vững mạnh. Muốn trong sạch, vững mạnh thì phải lắng nghe ý kiến của nhân dân. Lắng nghe ý kiến của nhân dân thì không có kênh nào tốt hơn, toàn diện hơn là lắng nghe những người hoạt động qua Mặt trận ở cơ sở. Cho nên chúng ta phải tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ Mặt trận ở cơ sở hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Nguyễn Phượng(ghi)