Tuyển sinh đại học 2022: Liệu có thay đổi ở 'phút 89'?
Dự báo một số trường đại học sẽ công bố sớm phương thức tuyển sinh. Thí sinh và gia đình cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin từ các trường bởi trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, những thay đổi vào “phút 89” vẫn có thể xảy ra.
Giảm phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp
Một trong những trường công bố sớm nhất dự kiến phương thức tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2022 là ĐH Bách khoa Hà Nội. So với năm 2021, trường vẫn tuyển 7.500 chỉ tiêu cho 59 chương trình đào tạo nhưng điểm khác biệt lớn nhất là dự kiến 60-70% chỉ tiêu sẽ dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức. Thí sinh có thể đăng ký thi thử (theo hình thức trực tuyến tại chỗ hoặc trực tuyến trên máy tính tại phòng thi) trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 4/2022.
Các thí sinh chuẩn bị sớm nếu lựa chọn xét tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng. Trường sẽ tuyển 20 - 30% tổng chỉ tiêu, gồm xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT); xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level; xét tuyển dựa trên kết quả và thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn.
Với phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, trường tuyển 10 - 20% cho một số chương trình đào tạo, nghĩa là giảm mạnh so với năm 2021. Thí sinh cần đặc biệt cân nhắc và chuẩn bị nếu có dự định đăng ký xét tuyển vào trường.
Trong khi đó, kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do 2 ĐH Quốc gia TP HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến vẫn tiếp tục tổ chức với quy mô rộng hơn để phục vụ mục tiêu tuyển sinh diện rộng.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP HCM cho biết: Năm 2022, ĐHQG TP HCM sẽ tiếp tục phối hợp với nhiều đơn vị trong và ngoài trường để tổ chức thi, cân nhắc mở rộng phạm vi, tạo điều kiện tốt hơn cho thí sinh, hạn chế thấp nhất việc thí sinh phải di chuyển xa. Dự kiến kỳ thi sẽ diễn ra trong 2 đợt hoặc 3 đợt.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT phân tích những năm gần đây, khả năng phân hoá điểm thi tốt nghiệp THPT đối với các ngành hay các trường trung bình, top giữa hoặc top dưới là phù hợp còn những trường, ngành “hot”, tính phân hoá không cao.
“Tôi cho rằng, nếu trường tổ chức thi riêng sẽ rất vất vả cho người học, còn các trường dùng thêm hình thức, tiêu chí khác để xét tuyển thì thí sinh sẽ đỡ vất vả hơn” - ông Khuyến nêu quan điểm.
Trong đó, kỳ thi diễn ra vào tháng 2 có thể tổ chức cho các thí sinh tự do và học sinh có nhu cầu. Từ tháng 3/2022 trở đi, học sinh cơ bản hoàn thành chương trình lớp 12 có thể tham gia thi.
Cần thiết nhưng phải có lộ trình
Theo các trường ĐH việc tự chủ tuyển sinh là hướng đi cũng là trách nhiệm của các trường, nhưng để hiệu quả, công bằng, tránh xáo trộn thì cần phải có lộ trình. Trong đó, khuyến cáo của Bộ GDĐT đối với các trường ĐH về việc chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp là công cụ sàng lọc, sơ tuyển được các trường và dư luận bày tỏ sự đồng tình.
Bởi từ thực tế tuyển sinh năm 2020 và 2021, nhiều thí sinh điểm cao và rất cao vẫn trượt ĐH nên nếu chỉ căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp thì chính các trường cũng khó khăn để chọn được thí sinh có năng lực phù hợp với yêu cầu của ngành học giữa một “rừng” thí sinh suýt soát điểm tối đa.
Nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương phải học trực tuyến không được đến trường học trực tiếp, nhiều nội dung được tinh giản để phù hợp với việc dạy và học ứng phó với dịch Covid-19, đề thi tốt nghiệp THPT sẽ khó đáp ứng được mục tiêu xét tuyển ĐH của nhiều trường.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT phân tích những năm gần đây, khả năng phân hoá điểm thi tốt nghiệp THPT đối với các ngành hay các trường trung bình, top giữa hoặc top dưới là phù hợp còn những trường, ngành “hot”, tính phân hoá không cao.
“Tôi cho rằng, nếu trường tổ chức thi riêng sẽ rất vất vả cho người học, còn các trường dùng thêm hình thức, tiêu chí khác để xét tuyển thì thí sinh sẽ đỡ vất vả hơn” - ông Khuyến nêu quan điểm.
Những năm gần đây, các trường ĐH đã linh hoạt sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh từ xét học bạ, tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ quốc tế,… cho đến tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng. Như năm 2021, một số trường dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng nhưng cuối cùng do ảnh hưởng của dịch bệnh phải hủy bỏ. Chỉ tiêu cho các phương thức này sau đó đã chuyển sang chỉ tiêu áp dụng xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã chỉ ra năm 2022 sẽ là thời điểm giao thời để chuẩn bị thực hiện đổi mới toàn diện công tác thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH trong những năm tới. Các trường cũng phải có những phương án chủ động của riêng mình để dần giảm phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp, đúng với xu hướng tự chủ tuyển sinh như Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đã đề cập. Nhưng không để “trăm hoa đua nở”, mỗi trường tổ chức 1 kiểu gây tốn kém, vất vả cho thí sinh và người nhà thì cần có sự điều tiết hợp lý của Bộ GDĐT để tìm ra một giải pháp mang tính hệ thống và ổn định.