Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số
Sáng 17/11, hội thảo “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong khuôn khổ “Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2021” được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, ngành tổ chức.
Theo thống kê, thời gian qua nguồn nhân lực của đất nước được tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên khoảng 65% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng.
Công tác quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực được chú trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi cả nước, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Ngọc An, Phó Ban Kinh tế Trung ương, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Cụ thể, ở bình diện quốc gia, mới đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam nói chung, chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, thừa lao động thủ công, không qua đào tạo; việc xây dựng đội ngũ, đào tạo bồi dưỡng và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp có phẩm chất và bản lĩnh, có trình độ năng lực và chất lượng còn nhiều bất cập; thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nhân lành nghề. Sự kém phát triển, thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao đang là trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất Việt Nam cần có sự thay đổi trong quan điểm về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số phải có năng lực cốt lõi và phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, đặc biệt quan trọng.
Nêu quan điểm của mình, PGS.TS. Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học quốc gia TP HCM cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 thì nhiều nghề mới xuất hiện, nghề cũ biến mất, vậy đào tạo đại học làm sao để đáp ứng yêu cầu của thời đại trong khi vẫn nuôi dưỡng được sự sáng tạo, những chuẩn mực đạo đức quan trọng.
Từ góc độ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời ILO tại Việt Nam đề xuất: Việt Nam cần đánh giá kỹ về nhu cầu kỹ năng cho tương lai trên cơ sở phân tích thấu đáo hơn về những tác động của Cách mạng 4.0 tới từng ngành kinh tế. Cần làm rõ, việc làm hiện nay sẽ thay đổi như thế nào và những việc làm mới nào sẽ xuất hiện? Và, quá trình chuyển đổi nền kinh tế để đạt được Cách mạng 4.0 cần mang tính bao trùm và đặt con người làm trung tâm. Các cơ sở đào tạo cần được trao quyền tự quyết lớn hơn và cũng cần lấy người học làm trung tâm của giáo dục nghề nghiệp…
Những vấn đề đặt ra tại hội thảo sẽ được tiếp thu để đưa vào Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.