An toàn lao động làng nghề bị bỏ ngỏ

Lê Bảo 18/11/2021 14:00

Làng nghề đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hàng triệu lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì nhiều làng nghề lại luôn phải đối diện với nguy cơ cao mất an toàn lao động.

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động

Với 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 56% số làng ở khu vực nông thôn, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với đa dạng các ngành nghề. Theo thống kê sản xuất làng nghề của Hà Nội thu hút được gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất với khoảng 700.000 lao động thường xuyên (chiếm 42%) tổng số lao động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên toàn thành phố.

Bên cạnh những lợi ích kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động, các làng nghề cũng đang đối diện với những khó khăn, thử thách như bụi, tiếng ồn, hóa chất, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động.

Tại Bắc Ninh, theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm tại các làng nghề trong tỉnh xảy ra 5 - 7 vụ tai nạn lao động, gây thiệt hại không nhỏ về tính mạng con người và tài sản của doanh nghiệp…

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 414 vụ tai nạn lao động làm 423 người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động bị nạn. Trong đó, số người chết là 108 người; số vụ tai nạn lao động chết người là 106 vụ; số người bị thương nặng là 143 người; các vụ tai nạn lao động xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, lâm nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ.

Môi trường làm việc tại các làng nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Ảnh: Thảo Chi.

Đại diện Cục An toàn lao động - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Tại các làng nghề, tai nạn lao động hầu như thường xảy ra các sự cố như đứt tay, đứt chân, bị cụt ngón tay, ngón chân, mù mắt…thậm chí là tử vong vì điện giật, ngã trên cao.

Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình thường giấu thông tin để bảo vệ uy tín nên số vụ việc được thống kê rất ít. Việc kiểm tra, giám sát của ngành chức năng không đơn giản vì sản xuất làng nghề thường trong quy mô hình gia đình, nên không phải muốn vào kiểm tra là có thể vào được. Hiện nay do ảnh hưởng dịch Covid-19 việc kiểm tra càng khó khăn hơn.

Sớm có giải pháp thiết thực

Theo đánh giá của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, việc phát triển mang tính tự phát của các làng nghề cùng với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận nên các chủ hộ gia đình, doanh nghiệp thường ít chú ý đầu tư cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, việc thực hiện các trách nhiệm pháp lý về môi trường, an toàn vệ sinh lao động hầu như không thực hiện.

Hầu hết các cơ sở sản xuất đều không có hệ thống thông gió, hút bụi, xử lý hơi khí độc trong nhà xưởng, ngay cả các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều hoá chất, nhiều chất dễ cháy, dễ nổ (a xít, xút, cao su, xà phòng, đồ nhựa…).

Đáng chú ý hầu hết các làng nghề sản xuất không có hoặc thiếu bộ phận làm công tác an toàn vệ sinh lao động không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; việc tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động còn sơ sài, hình thức, thậm chí nhiều nơi không tổ chức huấn luyện…

Công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động các cấp đối với khu vực này gần như đang bị bỏ ngỏ, rất ít các cuộc thanh kiểm tra việc tuân thủ luật pháp về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, kiểm tra việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn tại các hộ gia đình/doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ, Hà Nội để hạn chế tối đa nhất nguy cơ mất an toàn lao động tại các làng nghề truyền thống ý thức của người lao động là nhân tố quan trọng.

Theo đó, trong quá trình làm việc, người lao động phải tự trang bị đồ bảo hộ; thấy bụi phải đeo khẩu trang; khi rèn thì phải đeo kính để tránh những tia lửa bắn vào mắt.

Hay khi làm việc, người lao động phải tập trung, không được lơ là vì chỉ cần một phút mất cảnh giác thì sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn lao động. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, kiên quyết xử lý với những trường hợp vi phạm có như vậy an toàn lao động tại các làng nghề mới được nhìn nhận đúng mức.

Theo thống kê cả nước có khoảng hơn 2.000 làng nghề hoạt động ở 6 lĩnh vực chính: Làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ; làng nghề dệt nhuộm, ươm tơ và thuốc da; làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác đá; làng nghề tái chế phế liệu; làng nghề thủ công mỹ nghề và các nhóm ngành nghề khác… đã thu hút khoảng 14 triệu lao động tham gia, kim ngạch xuất khẩu từ làng nghề hàng năm đạt khoảng 1,5 tỷ USD.

Lê Bảo