Cần khung chính sách để ngân hàng Việt tham gia sâu vào chuyển đổi số

M.Loan 18/11/2021 14:20

Sáng 18/11, Hội thảo chuyên đề 10- chuyên đề cuối cùng trong loạt hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 đã được tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo có chủ đề: “Phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình Ccông nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thay mặt các đơn vị đồng tổ chức, TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Ban Kinh tế Trung ương - một trong những người chủ trì hội thảo cho biết: để xây dựng và phát triển kinh tế số thì một trong những ngành đóng vai trò rất quan trọng đó là ngành ngân hàng, được coi là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân và cũng là ngành tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số, phát triển, đề xuất các chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

TS Nguyễn Đức Hiển Phó Ban Kinh tế Trung ương phát biểu

Đối với ngành ngân hàng thì Thống đốc NHNN Việt Nam trên cơ sở NQ 52 và QĐ 749 về chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đã ban hành Kế hoạch số 810 ngày 11/5/2021 về kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong Kế hoạch này, NHNN Việt Nam cũng xác định một trong những mục tiêu tổng quát là phát triển ngân hàng số, ngân hàng thông minh. Và trong hơn 2 năm triển khai, quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng đã thu được nhiều kết quả tích cực, với sự tham gia của cộng đồng các ngân hàng, cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số.

Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra là để thúc đẩy chuyển đổi số đạt được mục tiêu đề ra thì còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện về thể chế, chính sách. Không chỉ tập trung trong lĩnh vực thanh toán như thời gian vừa qua mà còn những vấn đề như môi trường vừa cạnh tranh, đồng thời cũng hợp tác cùng phát triển giữa các ngân hàng thương mại với các công ty FINTECH và các doanh nghiệp công nghệ lớn; hay các khuôn khổ thử nghiệm có kiểm soát…

Trên cơ sở đó, hội thảo là dịp lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các diễn giả, nhà khoa học để phục vụ cho việc đề xuất các chính sách, kiến nghị liên quan đến phục hồi phát triển kinh tế trong thời kỳ hậu Covid-19. Bên cạnh đó, tham vingj của nhà tổ chức là muốn tập hợp ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ quản lý để phục vụ xây dựng đề án về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và trình BCH TƯvào tháng 10 năm 2022.

M.Loan