Vay tiền qua app, sinh viên thành 'chúa Chổm'
Cả nước hiện chỉ có 39 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép hoạt động nhưng trên mạng có hàng nghìn quảng cáo cho sinh viên vay tiền với hàng trăm các ứng dụng trên nền tảng internet đã khiến không ít sinh viên rơi vào bẫy tín dụng đen.
Vay 10 triệu, nợ 300 triệu
Các app cho vay trực tuyến này thời gian gần đây “nở rộ” trên mạng, được quảng cáo đầy rẫy trên Internet, các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube… để người có nhu cầu vay tiền tự liên lạc.
Chỉ cần gõ các cụm từ “vay tiền online”, “vay tiền nhanh”… trang tìm kiếm Google sẽ cho ra hàng triệu kết quả khác nhau về các app cho vay hiện nay.
Nếu người vay thỏa mãn đầy đủ điều kiện vay tiền thì hệ thống tài khoản của công ty sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người vay.
Tai họa ập xuống gia đình bà Trương Thị Ngọc Bích ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) vào một ngày cuối tháng 3/2020, khi phát hiện cô con gái duy nhất, mới 23 tuổi, tự tử tại phòng ngủ.
Trong bức thư tuyệt mệnh để lại, cô gái có đề cập đến việc vay tín dụng đen qua app trên mạng Internet. Cô đã mắc nợ rất nhiều, trong đó có hơn 10 cái app cho vay tiền. Không có khả năng trả nợ, cô bị đe dọa liên tục nên phải tìm đến cái chết để được giải thoát.
Đánh mất tiền học phí, sinh viên T., học năm 2 ngành ngôn ngữ Anh, trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM giấu gia đình, vay ‘tín dụng đen’ qua app cho vay trực tuyến với lãi suất cao. Từ số tiền cần đóng học phí hơn 10 triệu đồng, số tiền vay nợ đến nay lên tới 300 triệu đồng. T. đi làm thêm nhưng vẫn không đủ trả tiền gốc và lãi.
Đến khi đáo hạn, T. không đủ tiền và được chính người của app này giới thiệu vay tiếp ở một app vay tiền khác.
Cứ như vậy, một năm nay, T. phải vay app này, trả app kia nhưng vẫn không thể giải quyết được dứt điểm số tiền gốc và lãi. T. liên tục bị chủ nợ gọi điện, nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần.
Có thể thấy chưa bao giờ việc vay tiền lại dễ như hiện nay. Chỉ cần gọi vào số điện thoại từ các trang quảng cáo hoặc tờ rơi của các “doanh nghiệp tài chính”, rất nhanh, bạn sẽ được các “tư vấn viên” chào đón bằng những hứa hẹn hấp dẫn và hướng dẫn rất nhiệt tình các thủ tục để vay tiền. Quá trình hoàn tất các thủ tục cho vay cũng hết sức chóng vánh.
Chỉ cần khoảng 30 phút là người vay có thể đã được nhận tiền, lãi suất được thông báo bao giờ cũng thấp hơn 20%, nghĩa là dưới mức cho phép của Luật các tổ chức tín dụng.
Thậm chí có nhiều “doanh nghiệp” quả quyết rằng, việc làm của họ chỉ xuất phát từ ý tưởng muốn giúp đỡ mọi người, đặc biệt là giúp đỡ những học sinh, sinh viên trong học tập hoặc muốn khởi nghiệp. Do đó lãi suất chỉ vào khoảng vài phần trăm, thậm chí không lãi suất…
Tuy nhiên, khi mọi việc ký tá đã xong xuôi, đến lúc giao nhận tiền thì mới xuất hiện hàng loạt những chi phí “phát sinh” được đưa ra khiến mức “lãi suất thấp” kể cả mức “không lãi suất” kia cao vọt lên ngất ngưởng.
Theo chia sẻ của Nguyễn Tuấn Anh, sinh viên tại Hà Nội, một người đã từng vay nợ lãi suất cao thì “nghe quảng cáo thấy có vẻ đơn giản nhưng khi làm thủ tục vay mới phát sinh rất nhiều thứ nhiêu khê mà người vay phải chấp nhận”.
Các đối tượng cho vay thường “cầm đằng chuôi” bằng cách đòi hỏi phải kiểm soát danh bạ điện thoại, Zalo hay Facebook, để khi người vay không trả được, chúng sẽ nhắn cho những người quen trong danh bạ để “đòi” tiền.
Không thể xoá bỏ tín dụng đen
Mặc dù, nhiều người nhận thức rõ nguy cơ của “tín dụng đen”, nhưng vẫn sập bẫy, “tặc lưỡi”, nhắm mắt vay vì quá cần tiền, không xoay xở được; có những người lại nghĩ đơn giản, số tiền vay ít nên dễ trả, nhưng không thể ngờ rằng, với lãi suất cao ngất ngưởng của các đối tượng cho vay đưa ra, “lãi mẹ đẻ lãi con”, sự trả nợ là không hề đơn giản. Hoạt động cho vay trực tuyến khi các đối tượng trong đó có cả người nước ngoài.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, cả nước hiện chỉ có 39 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép hoạt động. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 1.207 cơ sở cầm đồ và kinh doanh tài chính. Hầu như tất cả các cơ sở, cá nhân nêu trên đều cung cấp dịch vụ cho vay tài chính.
Một số đối tượng lợi dụng việc đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ đã lập nhiều tài khoản Zalo, Facebook cá nhân, đăng bài với nội dung cho vay online, thủ tục nhanh, gọn để mời gọi người vay.
Đối với người vay không có tài sản, giấy tờ tùy thân, còn bị một số đối tượng yêu cầu “thế chấp” bằng các video, hình ảnh nhạy cảm của họ để cho vay. Nếu người vay không trả tiền hoặc trả chậm thì các đối tượng sẽ gọi điện, nhắn tin đe dọa, đăng hình ảnh người vay tiền lên mạng xã hội hoặc in các tờ rơi rải ở khu vực dân cư để gây áp lực.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Đoàn Văn Đức, tín dụng đen có những “lợi thế” mà những hình thức cho vay hợp pháp khác không có được, số lượng người đi vay vẫn còn nhiều và chế tài xử lý các vi phạm về cho vay nặng lãi vẫn chưa mạnh nên chưa đủ tính răn đe.
Tuy nhiên, không thể vì tín dụng đen tràn lan mà bắt các tổ chức chính thống là hệ thống các ngân hàng/ các công ty tài chính… “nới lỏng” các quy định cho vay để đáp ứng nhu cầu vay của người dân vì nguyên tắc tiên quyết của tín dụng là "an toàn". Do đó, xóa bỏ tín dụng đen từ hệ thống ngân hàng là điều không thể.
Theo quy định luật sư Nguyễn Tiến Sơn cho biết, điều 201 Bộ luật Hình sự có quy định như sau: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Có thể thấy hình phạt với tội cho vay nặng lãi vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều sinh viên mắc kẹt lại thành phố, gặp khó khăn về khoản chi phí sinh hoạt sinh viên rất dễ sập bẫy vay tiền qua app vậy nên nhà trường cần có những khuyến cáo thường xuyên, kịp thời để nâng cao nhận thức cho sinh viên.