Sóc Trăng: Quan tâm đầu tư nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng quan tâm, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương.
Sau buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu cùng ngày 18/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu tiếp tục có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Thực hiện Nghị quyết số 30/2021/NQ-QH15, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết: Sau 2 đợt thực hiện giãn cách xã hội, đến ngày 16/9/2021, tỉnh đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, thực hiện đạt mục tiêu vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân.
Kể từ ca mắc đầu tiên tại tỉnh Sóc Trăng ngày 4/7 tính đến ngày 15/11/2021, toàn tỉnh Sóc Trăng đã ghi nhận 9.895 ca mắc Covid-19; trong đó, đã điều trị khỏi và cho xuất viện là 6.717 ca; số ca tử vong do các bệnh lý nền là 62 ca, đang điều trị tại cơ sở y tế 3.116 bệnh nhân.
Tỉnh cũng đã triển khai tiêm 8 đợt vaccine, tỷ lệ tiêm 1 mũi đạt 89,31%. Tỷ lệ tiêm 2 mũi đạt 64,67%. Số trẻ dưới 18 tuổi được tiêm đạt tỷ lệ 98,9%.
Tỉnh cũng đã hỗ trợ cho hơn 40,28 tỷ đồng cho các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp, hỗ trợ khoảng 151,9 tỷ đồng cho người lao động, miễn giảm học phí cho học sinh các cấp và huy động 62,4 tỷ đồng cùng nhiều hàng hoá, lương thực, sinh phẩm, thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch.
Thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 4,03%/năm; có 16/23 chỉ tiêu Nghị quyết thực hiện đạt và vượt, 7/23 chỉ tiêu đạt thấp...
Dịp này lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng đề xuất một số kiến nghị liên quan đến công tác phòng chống dịch: Đề nghị sửa quy định thời gian chuyển cấp độ dịch từ mức thấp sang mức cao là 48 giờ theo hướng rút ngắn để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời xem xét lại tiêu chí đánh giá cấp độ dịch khi tính trung bình 2 tuần, vì điều này không phù hợp nếu địa phương có ổ dịch lớn nhưng khi bị chia trung bình thì sẽ bị pha loãng nên không phản ảnh thực sự cấp độ dịch tại địa phương.
Tỉnh cũng đề xuất được thiết lập các chốt kiểm soát dịch ở vùng cam và được Trung ương hỗ trợ kinh phí cũng như máy móc phục vụ công tác xét nghiệm, phòng chống dịch.
Về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đại diện lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị Quốc hội có ý kiến đến Chính phủ sớm thực hiện cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; thông qua chủ trương xây dựng cảng Trần Đề và cầu Đại Ngãi, quốc lộ Nam sông Hậu.
Triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và giúp Sóc Trăng đẩy nhanh tiến độ dự án Trung tâm Điện lực Long Phú, cho phép Nhiệt điện Long Phú 2 và 3 thành nhiệt điện khí hóa lỏng.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đề nghị thời gian tới Sóc Trăng tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dân, thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế.
Tỉnh cần quan tâm công tác quy hoạch, tập trung cải thiện môi trường thu hút đầu tư nâng cao chỉ số PCI, hiện chỉ số này vẫn còn khiêm tốn.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng: Chủ trương Trưởng ban Dân vận kiêm nhiệm Chủ tịch MTTQ được tỉnh Sóc Trăng thực hiện sớm, rất chủ động. Tuy nhiên qua thực tiễn đã có kết luận không mở rộng thí điểm chủ trương này mà tập trung sơ kết đánh giá để có hướng trong thời gian tới…
Phát biểu tại buổi làm việc với Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng quan tâm, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; các nội dung thông tin phải chính xác, kịp thời, phù hợp với địa bàn có nhiều dân tộc Khmer sinh sống; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch; tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm tới đối tượng là trẻ em, tránh xảy ra những sai sót không đáng có.
Đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, bảo đảm thuận lợi, chính xác, nhanh chóng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng thời hạn các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã theo các nghị quyết của Trung ương.
Bên cạnh đó, quan tâm, chăm lo người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định đã ban hành, quan tâm nhóm đối tượng yếu thế. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách.
Đồng tình với những kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các nhà máy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng đây là những đề xuất thiết thực, không chỉ giúp tỉnh Sóc Trăng phát triển mà còn có tác động tích cực đến các địa phương khác trong khu vực.
Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đã trao tặng tỉnh Sóc Trăng 1 tỷ đồng và 10 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 500 triệu đồng hỗ trợ bà con nghèo và giúp tỉnh có kinh phí trong công tác phòng, chống dịch.