Gây thiệt hại 186 tỷ do hoán đổi ‘đất vàng’: Luật sư bào chữa nêu vai trò của nguyên Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân

LÊ ANH 19/11/2021 08:21

Ngày 18/11, Tòa án nhân dân TP HCM bước vào phiên tranh luận trong vụ án hoán đổi “đất vàng”  liên quan đến các bị cáo Dương Thị Bạch Diệp - Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương và ông Nguyễn Thành Tài - cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, gây thiệt hại cho Nhà nước 186 tỷ đồng.

Bào chữa tại tòa, ông Nguyễn Thành Tài cho rằng đã làm đúng chức phận được giao. Về cáo buộc của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, ông Tài nói: “Tôi chỉ muốn nói một điều thôi, tôi muốn có sự công bằng”. Sau đó, các luật sư bào chữa cũng yêu cầu xem xét lại cáo buộc do ông Tài không phụ trách việc xử lý, sắp xếp lại tài sản nhà nước, không là thành viên trong Ban chỉ đạo 09 TP HCM.

Ông Tài chỉ dựa trên sự phân công của ông Lê Hoàng Quân - nguyên Chủ tịch UBND TP HCM để phụ trách việc hoán đổi. Do đó, việc chấp thuận cho việc hoán đổi là thẩm quyền thuộc UBND TP HCM. Nếu việc giao này là sai thì cái sai đó trước hết là của ông Lê Hoàng Quân nhưng kết luận điều tra và cáo trạng lại không hề nhắc đến vai trò của ông Quân.

Từ những nhận định trên, Luật sư Trương Trọng Nghĩa đề nghị HĐXX xem xét lại việc buộc tội đối với ông Tài. Bởi vì, tại thời điểm ông Tài còn là Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM thì việc hoán đổi chưa hoàn tất nên tài sản nhà nước chưa bị thất thoát. Hơn nữa, Nhà nước hoàn toàn có thể thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tài sản nhà đất 185 Hai Bà Trưng nên không còn thiệt hại.

Bào chữa cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP HCM) chỉ ra mâu thuẫn trong quá trình chứng thực hợp đồng công chứng và hợp đồng thế chấp giữa bà Bạch Diệp và Ngân hàng Agribank (chi nhánh TP HCM) đối với tài sản 57 Cao Thắng (quận 3).

Cụ thể, tại thời điểm hoán đổi các bên liên quan đã không yêu cầu bà Diệp nộp bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như không yêu cầu thông báo hoặc cung cấp thông tin về việc đã thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng. Trong khi đó, nếu công ty của bà Bạch Diệp đã thế chấp tài sản 57 Cao Thắng và có đăng ký giao dịch đảm bảo với Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP HCM thì thông tin này hoàn toàn có thể kiểm tra được.

Do đó, các luật sư bào chữa cho bà Bạch Diệp cũng cho rằng, kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng bà Bạch Diệp không hợp tác, khai báo gian dối là không thỏa đáng và không có căn cứ.

Từ những nhận định này, nhóm luật sư bào chữa cho bà Bạch Diệp đề nghị HĐXX xem xét lại bản chất vụ án, hành vi của bà Bạch Diệp, trong đó không đủ căn cứ kết tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với thân chủ của mình. Tự bào chữa cho mình, bà Bạch Diệp khẳng định mình không lừa đảo ai, càng không lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà nước. Từ đó, bà Bạch Diệp đề nghị HĐXX đánh giá toàn diện các chứng cứ, tài liệu để tuyên bà vô tội.

Tại tòa, nhiều bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ sở, ngành của TP HCM cũng kêu oan. Bị cáo Nguyễn Thành Rum - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM tự bào chữa, cho rằng bản thân chỉ quản lý về chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa. Nếu có liên quan thì cũng chỉ ở khía cạnh địa chỉ nhà đất số 57 Cao Thắng là địa điểm hoạt động văn hóa nghệ thuật.

“Tôi chỉ đến đây để kiểm tra hệ thống âm thanh, ánh sáng,… có đủ điều kiện cho các hoạt động nghệ thuật biểu diễn hay không, hoàn toàn không có chuyên môn liên quan đến thẩm định giấy tờ nhà đất”. Từ đó, ông Rum để nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.

Trước đó, trong nhóm các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ sở, ngành của TP HCM, đại diện cơ quan công tố đã đề nghị mức án 4-5 năm tù đối với ông Nguyễn Thành Rum và ông Đào Anh Kiệt - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM. Các ông Lê Văn Thanh - nguyên Phó Chánh văn phòng UBND thành phố và ông Huỳnh Kim Phát - nguyên Phó Chánh văn phòng UBND thành phố bị đề nghị mức án 3-4 năm tù.

LÊ ANH